Số phận của những 'Nhà băng 0 đồng': VPBank, MB sẵn sàng giải cứu, một ông lớn khác lại không mấy mặn mà
Cơ cấu "nhà băng 0 đồng" là thuật ngữ chỉ những ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt, được Ngân hàng Nhà nước mua lại "giá 0 đồng" do âm vốn chủ sở hữu.
Hiện nay, thị trường có 4 tổ chức thuộc diện này, gồm Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Xây Dựng (CBBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Đông Á (DongABank).
Trong mùa Đại hội , câu hỏi về quyết định có hay không việc cơ cấu ngân hàng yếu kém là thắc mắc thường trực của nhiều cổ đông. Trong khi các lãnh đạo của VPBank hay MB muốn tham gia cơ cấu "ngân hàng 0 đồng" để mở rộng quy mô tín dụng và không gian phát triển, CEO Techcombank lại cho rằng, ngân hàng không muốn "đánh đổi chất lượng tài sản lấy tốc độ tăng trưởng".
Bên thì muốn…
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của VPBank hôm 29/4, trả lời câu hỏi tại sao VPBank lại tham gia cơ cấu "gân hàng 0 đồng", ông Ngô Chí Dũng – Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank cho biết điều này mang đến nhiều lợi ích dài hạn cho VPBank và cả hệ thống tài chính.
Về năng lực tài chính, quản trị, không phải nhà băng nào cũng được tham gia tái cơ cấu những "ngân hàng 0 đồng". Đặc biệt khi những ngân hàng này đều đang ghi nhận lỗ lũy kế lớn, hoạt động liên tục thua lỗ.
"Đơn thuần ở góc độ tài chính, hầu hết ngân hàng không thiết tha tham gia tái cơ cấu", ông Dũng nói, nhưng cho biết thêm rằng, VPBank tham gia "vì những mục tiêu khác".
Theo người đứng đầu VPBank, sự tham gia của cổ đông chiến lược SMBC giúp nhà băng này có nền tảng vốn lớn, đủ khả năng tham gia cơ cấu ngân hàng 0 đồng. Điều này có thể không mang lại lợi ích tài chính, nhưng giúp ngân hàng tăng tốc độ mở rộng. Trong đó, việc tăng trưởng tín dụng ở quy mô cao hơn và khả năng được nới "room ngoại" lên trên 30% là lợi ích VPBank hướng tới.
"Các ngân hàng hiện chỉ được room ngoại ở mức 30%, nhưng VPBank có những nhà đầu tư có mong muốn nâng tỷ lệ lên. Tham gia tái cơ cấu 'ngân hàng 0 đồng' giúp ngân hàng có thể được mở room lên hơn 30%. Đây là điều kiện quan trọng để VPBank tăng quy mô, nâng vốn", ông Dũng nói. Ngoài ra, việc tham gia cơ cấu còn giúp hệ thống ngân hàng tốt hơn, được lãnh đạo VPBank đánh giá là sự đóng góp cần thiết.
Tương tự, một nhà băng khác là MB cũng đang hoàn tất thủ tục nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém, kỳ vọng sẽ xong trong năm nay hoặc 2025, nếu Chính phủ phê duyệt.
Nội dung này được ông Phạm Như Ánh – Tổng giám đốc MB chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên sáng 19/4.
Ông Ánh cho biết, hiện MB muốn "chôt" thương vụ chuyển giao ngân hàng bắt buộc trong năm nay nhằm "mở ra không gian phát triển mới cho MB, nhất là tăng trưởng tín dụng".
Tuy nhiên, lãnh đạo MC chưa tiết lộ tên ngân hàng được nhà băng nhận chuyển giao. Tuy nhiên, tháng 4/2023, một lãnh đạo đơn vị này hé lộ thông tin cơ bản về chất lượng tài sản của đơn vị sẽ nhận, như lỗ lũy kế khoảng 20.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 47%. Vì vậy, nhiều khả năng đây có thể là Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) - nhà băng mua lại 0 đồng với lỗ lũy kế gần 20.000 tỷ.
Bên lại chưa...
Thay vì sẵn sàng nhận chuyển giao ngân hàng bắt buộc, nhiều nhà băng lại chưa có kế hoạch phương án đón nhận. Cũng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên hôm 20/4, ông Jens Lottner - Tổng giám đốc Techcombank giải đáp cổ đông về vấn đề này.
"Techcombank không tham gia vào việc mua lại ngân hàng yếu kém", vị CEO nói.
Khi tham gia cơ cấu "ngân hàng 0 đồng" thông qua nhận chuyển giao bắt buộc, nhà băng nhận chuyển giao được nới zoom tín dụng, để bù đắp phần chi phí hỗ trợ ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, hiện tại, HĐQT của Techcombank cho rằng không muốn đánh đổi chất lượng tài sản để lấy tốc độ tăng trưởng.
Ông Jens Lottner cũng cho biết ban lãnh đạo, HĐQT Techcombank đã thảo luận nhiều về vấn đề này, tuy nhiên, quyết định sau cùng vẫn là không tham gia.
Sau phần trả lời của HĐQT, cổ đông Techcombank tiếp tục lo ngại liệu Techcombank có bị bỏ lại phía sau không khi nhiều ngân hàng có quy mô tương tự đều công bố kế hoạch tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém.
Trả lời chất vất từ cổ đông, CEO Techcombank cho rằng dù không tham gia mua lại 'nhà băng 0 đồng', ngân hàng cũng sẽ không bị bỏ lại so với các đối thủ. Thực tế các chỉ số về tài sản, chất lượng cho vay, hiệu quả kinh doanh của Techcombank vẫn đang thuộc nhóm cao so với toàn ngành.
Chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém là câu chuyện không chỉ được thảo luận trong phiên họp đại hội đồng cổ đông hay nội bộ của từng ngân hàng. Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết Chính phủ đã hoàn thành định giá 3 ngân hàng được chuyển giao bắt buộc và dự kiến trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc trong tháng 5. Việc này được dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay.
Trong 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu đang được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt, ngoại trừ Ngân hàng Đông Á (DongABank), 3 ngân hàng Xây dựng (CB), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank) sẽ được chuyển giao cho nhà băng khác theo hình thức mua bắt buộc.
Năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc với 3 ngân hàng này và Ngân hàng Đông Á - nhà băng bị kiểm soát đặc biệt.
Xem thêm tại cafef.vn