Khó khăn kép
Các công ty tài chính đã trải qua giai đoạn được xem là khó khăn nhất trong nhiều năm hoạt động. Chưa kịp thoát khỏi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các công ty tài chính lại đối mặt với khó khăn chung của nền kinh tế khiến nhu cầu vay tiêu dùng giảm.
Mặt khác, công ty tài chính cũng bị ảnh hưởng trong bối cảnh có nhiều thông tin tiêu cực về thị trường tài chính tiêu dùng, nhiều khách hàng, đối tượng lợi dụng việc cơ quan chức năng truy quét, xử lý nghiêm “tín dụng đen”, đòi nợ không đúng quy định pháp luật để bùng nợ, chây ỳ trả nợ, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thu hồi nợ và các hoạt động khác của công ty tài chính tiêu dùng, qua đó làm nợ xấu của các công ty này tăng mạnh, phải trích lập lớn, dẫn tới thua lỗ.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu vay tiêu dùng đến cuối tháng 12/2023 của các công ty tài chính tăng 10 - 15%. Còn báo cáo của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho thấy, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2023 của tín dụng tiêu dùng đạt 3,8% và tăng lên hơn 4% vào cuối tháng 2/2024. Riêng nợ xấu tại các công ty tài chính tiêu dùng dù giảm nhẹ so với mức 15% cuối năm 2023, nhưng vẫn ở mức đáng báo động là 14,63%.
Theo đánh giá của ông Lê Quốc Ninh, Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng Việt Nam, hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng đối diện với thách thức “kép”.
Bên cạnh nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt ở các sản phẩm mang tính chất lâu bền như xe máy, tivi, điện thoại… yếu đi thấy rõ, khả năng trả nợ của khách hàng cũng bị ảnh hưởng bởi thu nhập sụt giảm trong bối cảnh thất nghiệp gia tăng, doanh nghiệp sản xuất thiếu đơn hàng khiến họ thắt chặt chi tiêu.
Cùng góc nhìn, ông Lê Phương Hải, Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính Việt Tín (VietCredit) cho hay, hiện có phân khúc cho vay tiêu dùng mạnh lên, nhưng cũng có phân khúc yếu đi. Trong đó, phân khúc thẻ tín dụng, nhất là thẻ tín dụng nội địa sẽ tăng trưởng tốt, còn phân khúc cho vay tiêu dùng mua thiết bị phục vụ nhà cửa, đời sống, mua xe 2 bánh, điện thoại... sẽ khó tăng trưởng hơn.
Đánh giá về nhu cầu tín dụng tiêu dùng năm 2024, một chuyên gia tài chính dự báo, tình hình thị trường tài chính tiêu dùng chưa khởi sắc ngay, cần thời gian để tạo sự đột phá. Kinh tế có dấu hiệu hồi phục nhưng sẽ không quá ấn tượng, bởi triển vọng kinh tế thế giới không quá sáng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến sự hồi phục kinh tế của Việt Nam. Do đó, người dân vẫn sẽ thắt chặt tiêu dùng để phòng ngừa rủi ro.
Sẽ chuyển mình
Ngành tài chính tiêu dùng Việt Nam vừa trải qua 2 năm đầy khó khăn khiến nhiều công ty thua lỗ, kể cả những công ty đầu ngành như FE Credit. Tuy nhiên, theo nhận định của FiinGroup, dù vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, nhưng thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đã qua đáy khó khăn và bắt đầu chuyển mình hồi phục.
Lý do bởi thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam có triển vọng tăng trưởng lâu dài khi quy mô mới đạt trên 10% GDP, thấp hơn đáng kể so với nhiều thị trường khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trải qua 2 năm khó khăn, kỳ vọng thị trường tài chính tiêu dùng năm 2024 sẽ cải thiện hơn, một mặt do tăng trưởng kinh tế năm nay ổn định hơn, thu nhập của người dân tăng lên, từ đó mở rộng chi tiêu và theo đó, việc đi vay sẽ gia tăng.
PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh Chuyên gia kinh tế
Các chuyên gia phân tích tài chính - ngân hàng và bản thân các công ty tài chính tiêu dùng cũng có cái nhìn lạc quan hơn về triển vọng của ngành trong năm 2024 khi nền kinh tế hồi phục, thu nhập tăng, thúc đẩy nhu cầu chi tiêu của người dân.
Đánh giá về triển vọng của của FE Credit trong năm 2024, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, việc công ty tài chính này ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương trong 2 quý cuối năm 2023 và chất lượng tài sản có dấu hiệu “tạo đáy” phần nào cho thấy áp lực trích lập trong tương lai sẽ giảm dần.
Ngoài ra, đà giảm của tăng trưởng dư nợ cũng bắt đầu chậm lại kể từ quý III/2023, làm tăng thêm kỳ vọng FE Credit có thể lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2024. MBS dự báo, tăng trưởng dư nợ của FE Credit có thể đạt 16,1% trong năm nay.
Các ông chủ của FE Credit cũng kỳ vọng Công ty sẽ có sự trở lại mạnh mẽ sau 2 năm liên tiếp thua lỗ, với mức lợi nhuận hợp nhất trước thuế dự kiến là 1.200 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại đại hội cổ đông thường niên mới diễn ra, các cổ đông của EVNFinance đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 khá tham vọng với tổng tài sản là 54.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 585 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và 43% so với thực hiện năm 2023.
Tương tự, sau một năm gặp nhiều thách thức, VietCredit lên kế hoạch tăng trưởng dương trở lại trong năm 2024. Cụ thể, trong năm nay, VietCredit đặt mục tiêu dư nợ cấp tín dụng đạt 5.183 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 51 tỷ đồng, lần lượt tăng 12,2% và 131,5% so với kết quả năm trước.
Ông Lê Phương Hải cho biết, nhận định nền kinh tế sẽ dần hồi phục, các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa sẽ đẩy sức mua, các công ty tài chính nói chung và VietCredit nói riêng lên kế hoạch đẩy mạnh cho vay trong năm 2024.
Với VietCredit, trong thời gian tới, Công ty tiếp tục theo đuổi các biện pháp quản trị rủi ro thông minh và kiểm soát chi phí một cách chặt chẽ. Công ty cũng sẽ tập trung phát triển khách hàng mục tiêu và đẩy mạnh bán mới các sản phẩm trọng tâm, có sự cân bằng giữa các yếu tố biên lợi nhuận - tỷ lệ phê duyệt - hiệu suất bán hàng - cạnh tranh với các đối thủ - phù hợp với các yếu tố vĩ mô.
Kế hoạch của VietCredit đang đi đúng hướng khi trong quý I/2024, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của Công ty đạt 64,3 tỷ đồng, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng tài sản tính đến cuối tháng 3/2024 ghi nhận 6.317 tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng đạt 4.151 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế đạt 8,8 tỷ đồng, mặc dù chỉ đạt 16,3% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành hơn 17% kế hoạch năm, nhưng đây là quý thứ 2 liên tiếp VietCredit ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dương sau 2 quý báo lỗ liên tiếp trước đó. Điều này phản ánh tín hiệu khả quan trong hoạt động kinh doanh của VietCredit.
Một yếu tố nữa có thể kích thích cho vay tiêu dùng tăng trưởng mạnh trong năm nay là từ ngày 1/7/2024, khi Luật Các tổ chức tín dụng 2024 chính thức có hiệu lực, với các khoản cấp tín dụng có mức giá trị nhỏ (khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, khoản cấp tín dụng qua thẻ; khoản cho thuê tài chính, khoản cho vay tiêu dùng, khoản cấp tín dụng qua thẻ của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của quỹ tín dụng nhân dân; khoản cho vay của tổ chức tài chính vi mô), khách hàng không cần cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi và thông tin về người có liên quan. Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn, khoản vay có giá trị nhỏ là khoản vay không vượt quá 100 triệu đồng.
Tuy nhiên, VNBA cho rằng, các tổ chức tín dụng sẽ không đẩy mạnh cho vay nhỏ lẻ bằng mọi giá, mà vẫn thận trọng trước xu hướng nợ khó đòi có thể tiếp tục tăng nhanh, hành lang pháp lý cho thu hồi, xử lý nợ vẫn còn nhiều trở ngại.
Để giúp tài chính tiêu dùng nói chung, các công ty tài chính tiêu dùng nói riêng hồi phục và phát triển bền vững, minh bạch, bên cạnh chính sách thúc đẩy giải ngân tín dụng, các chuyên gia kỳ vọng hành lang pháp lý và các giải pháp cho công tác thu hồi nợ sẽ sớm thuận lợi hơn cho các ngân hàng và công ty tài chính, trong đó trước mắt là việc kết nối, liên kết dữ liệu dân cư được đồng bộ giữa các cơ quan, bộ, ngành.
Điểm đáng mừng là hiện tại, Bộ Công an đang phối hợp với 5 ngân hàng (Vietcombank, VietinBank, PVcomBank, VIB, BIDV) và Công ty Mcredit hoàn thiện giải pháp kỹ thuật, triển khai sản phẩm đánh giá khả tín khách hàng vay.
PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, trải qua 2 năm khó khăn, kỳ vọng thị trường tài chính tiêu dùng năm 2024 sẽ cải thiện hơn, một mặt do tăng trưởng kinh tế năm nay ổn định hơn, thu nhập của người dân tăng lên, từ đó mở rộng chi tiêu và theo đó, việc đi vay sẽ gia tăng.
Mặt khác, các công ty tài chính cũng đưa ra cơ chế quản lý và thu hồi nợ tốt hơn, kiểm soát việc “xù nợ” chặt chẽ hơn, giúp giảm lượng nợ vay không trả và bù đắp lợi nhuận. Đồng thời, việc xác định số hóa các hoạt động vay nợ, trả nợ, kho dữ liệu về lịch sử vay nợ... sẽ khiến những cá nhân có lịch sử trả nợ xấu khó vay ở công ty khác, từ đó giúp thị trường tài chính tiêu dùng phát triển ổn định hơn, lành mạnh hơn.