Tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp mùa cao điểm cuối năm
Nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang tung ra các gói tín dụng ưu đãi dành cho hộ kinh doanh, doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động trong mùa cao điểm kinh doanh cuối năm.
Thế nhưng, câu chuyện chênh lệch cung-cầu tín dụng mùa cuối năm lại vẫn đang diễn ra. Năm nay nguyên nhân lại là do sức cầu tín dụng suy yếu.
Với đặc thù hợp tác xã nông nghiệp có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) được phân phối rộng rãi trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Hợp tác xã Sản xuất-Thương mại dịch vụ Rau Sạch GAP (Rasafood) đã được một ngân hàng cấp tín dụng với lãi suất rất ưu đãi, chỉ từ 3%/năm với các khoản vay ngắn hạn và trung hạn cũng chỉ khoảng 5%/năm.
Theo ông Mai Văn Khánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Rasafood, đây là mức lãi suất rất tốt và khả thi để các doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
“Chúng tôi dự kiến sẽ khai trương chuỗi cửa hàng thực phẩm chuyên cung ứng các sản phẩm OCOP trên địa bàn vào tháng 12 tới đây, nhằm quảng bá tốt hơn các sản phẩm OCOP ra thị trường. Do đó, với nguồn vốn vay ưu đãi, Rasafood có thể chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào, từ đó có giá cung ứng ra thị trường ổn định. Nguồn vốn rẻ cũng tạo điều kiện để chúng tôi mạnh dạn đầu tư sản xuất sản phẩm ngày càng tốt hơn," ông Mai Văn Khánh cho biết.
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực-Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, hiện tại các doanh nghiệp ngành thực phẩm đang vào đợt kinh doanh cao điểm cuối năm, do đó nhu cầu bổ sung vốn lưu động thường tăng cao. Việc các ngân hàng tung ra nhiều gói vay ưu đãi ở thời điểm này là rất kịp thời.
“Lãi suất cho vay hiện nay ở mức 5,8-6,5%/năm là khá thấp so với nhiều năm qua và rất thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành tiếp cận các nguồn vốn rẻ, đáp ứng mùa cao điểm kinh doanh cuối năm. Nguồn vốn trung dài hạn để doanh nghiệp đầu tư tài sản cố định cũng không gặp quá nhiều khó khăn," ông Nguyễn Đặng Hiến chia sẻ.
Thực tế cũng cho thấy, chỉ cần các hộ kinh doanh, doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt, có thương hiệu sẽ được các ngân hàng chào mời vay vốn với mức lãi suất rất ưu đãi, chỉ từ 5-6%/năm. Thậm chí, nhiều ngân hàng còn cung ứng vốn với mức lãi suất siêu rẻ.
Theo ông Hoàng Minh Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), từ đầu năm đến nay, ngân hàng đã đưa ra 6 gói tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp. Trong đó, có gói quy mô 20.000 tỷ đồng đặc thù mà lãi suất chỉ từ 2,6%/năm với kỳ hạn dưới 3 tháng; hay gói 50.000 tỷ đồng với lãi suất giảm từ 0,5% đến 1,5% cho những khách hàng tham gia chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch.
Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB), ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ngân hàng này cho biết, ACB hiện dành khoảng 5.000 tỷ đồng để tài trợ vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn, đáp ứng phục vụ nhu cầu sản xuất-kinh doanh và xuất nhập khẩu.
Đáng chú ý, nếu nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, hộ kinh doanh tăng cao trong các tháng cuối năm, ngân hàng này có thể tăng quy mô gói tín dụng lên mức 10.000 tỷ đồng hoặc 20.000 tỷ đồng.
“Không chỉ cung cấp nguồn vốn giá rẻ, ngân hàng còn đưa ra những giải pháp tài chính toàn diện cho khách hàng như cho vay tín chấp, cho vay theo dòng tiền hay các giải pháp đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng xanh để doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của đối tác nước ngoài," ông Từ Tiến Phát cho biết.
Dù ngành ngân hàng liên tục đẩy ra thị trường nhiều gói tín dụng ưu đãi, thế nhưng, chênh lệch cung-cầu tín dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang diễn ra.
Khác với mọi năm, doanh nghiệp thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, thì hiện nhiều ngân hàng lại trong tình trạng dư thừa vốn, phải tìm khách hàng.
Thực tế, số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy tính đến cuối tháng 9/2024, dư nợ tín dụng trên địa bàn chỉ tăng 5,83% so với cuối năm, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung của toàn ngành là 9%.
Với diễn biến này, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15% trong năm nay ở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ rất khó khả thi.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cung-cầu tín dụng ở Thành phố Hồ Chí Minh có sự chênh lệch trong thời gian qua.
Theo ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp thành phố hủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh), hiện các doanh nghiệp chỉ cần có đơn hàng, có kế hoạch sản xuất kinh doanh tốt là có thể được vay vốn.
Việc xét duyệt các điều kiện vay vốn cũng đơn giản, thuận tiện hơn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hiện rất thận trọng trong việc vay vốn, vì không muốn gia tăng thêm chi phí, mà chỉ muốn tiền khách hàng trả về và tái đầu tư.
Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết dù mặt bằng lãi suất hiện đang ở mức thấp, thế nhưng trong bối cảnh sức cầu của nền kinh tế chưa thật sự phục hồi như kỳ vọng và những biến động từ thị trường quốc tế, các doanh nghiệp chủ trương hạn chế vay thêm nợ, thậm chí giảm dư nợ tín dụng để bớt áp lực tài chính.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp mong muốn tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, ổn định từ phía ngân hàng nhưng thường lãi suất ưu đãi chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, rồi lại phải vay với lãi suất thả nổi theo thị trường, do đó doanh nghiệp e ngại rủi ro khi thị trường lãi suất biến động mạnh.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (chiếm đa số trên thị trường), thường có báo cáo tài chính không được “chỉn chu” nên vẫn rất khó tiếp cận vốn từ ngân hàng…
Bù lại, điểm tích cực của hoạt động tín dụng ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là ngành ngân hàng đang làm rất tốt chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp.
Chỉ trong vòng 10 tháng qua, đã có tới 34 hội nghị kết nối, ký kết cho vay vốn và đối thoại doanh nghiệp tại các quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được diễn ra. Số lượng hội nghị bằng cả năm 2023 và là năm có số hội nghị được tổ chức cao nhất từ trước đến nay.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, thông qua chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp, ngành ngân hàng thành phố đã nhanh chóng nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Đây được coi là hoạt động khá hữu ích không chỉ cho doanh nghiệp, mà cả với chính ngân hàng.
Đáng chú ý, sau 10 tháng, chương trình này đã giải ngân đến 548.337 tỷ đồng, bằng 107,5% quy mô gói. Qua đó, đã cho 166.291 khách hàng là doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn được vay vốn.
"Chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp không chỉ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mà còn là giải pháp để ngành ngân hàng thực hiện các cơ chế chính sách về lãi suất, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, các gói tín dụng ưu đãi… Đây cũng là giải pháp trọng tâm và là động lực để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên địa bàn thành phố vào các tháng cuối năm," ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết./.
Tính đến cuối tháng 8/2024, tổng số tiền giải ngân gói tín dụng ưu đãi thông qua chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đạt 425.659 tỷ đồng.
Xem thêm tại vietnamplus.vn