MB là ngân hàng đầu tiên thực hiện xác thực sinh trắc học theo yêu cầu của Quyết định 2345. Ảnh minh họa |
Tăng tốc chuyển đổi số
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thời gian qua nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền...). Điều này đã cùng lúc giải quyết được 2 vấn đề, một phần ngân hàng có thể giảm đáng kể chi phí nhân lực khi nhiều khâu đã được tự động hóa thay vì phải có nhân sự vận hành. Trong khi đó, tiện ích của khách hàng sử dụng dịch vụ được gia tăng gấp nhiều lần trước đây, chẳng hạn việc gửi tiết kiệm trực tuyến chỉ cần một vài thao tác, thay vì đến tận quầy giao dịch mất khá nhiều thời gian.
95% số giao dịch được xử lý trên kênh số Ngan hàng Nhà nước cho biết, đến nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017-2023 đạt trên 100%/năm. |
Đến nay, nhiều ngân hàng Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số. Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 56,57% về số lượng và 31,35% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng 48,81% và 25,73%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 58,70% và 33,12%.
Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ thanh toán thuộc NHNN cho biết, thời gian qua NHNN cũng đã hỗ trợ các tổ chức tín dụng (TCTD) phối hợp với các ngành, lĩnh vực khác để thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện, an toàn tiện lợi, tiết giảm chi phí. Nhiều ngân hàng trong nước đã thí điểm và triển khai rộng rãi mô hình chi nhánh tự phục vụ cho phép khách hàng tự thực hiện.
Thách thức còn bộn bề
Bên cạnh những lợi ích khá rõ ràng như trên, các ngân hàng nói riêng và các tổ chức tài chính nói chung cũng luôn phải xác định tinh thần “chung sống với những khó khăn” khi mở rộng ứng dụng công nghệ. Đơn cử như vụ việc hacker tấn công hệ thống công nghệ của Công ty chứng khoán VNDirect diễn ra hồi cuối tháng 3/2024 là một ví dụ cho thấy, các tổ chức tài chính luôn là “đối tượng” số một của tội phạm công nghệ.
Trong bối cảnh hiện nay, thời gian qua các TCTD cũng đang tích cực phối hợp với các doanh nghiệp được Bộ Công an cấp giấy phép cung cấp giải pháp xác thực người dùng bằng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip để tổ chức triển khai giải pháp xác thực khách hàng. Trong đó có nhiều TCTD đã ký kết hợp đồng, đang triển khai thực tế: 48 TCTD đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ CCCD gắn chíp qua ứng dụng điện thoại; 60 TCTD đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ CCCD gắn chíp qua thiết bị tại quầy.
Về làm sạch dữ liệu, đến nay đã có 24 TCTD đã ký kết với C06 (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an) triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng theo phương thức offline. Có 19 TCTD đang triển khai thử nghiệm ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử (VNeID) vào các nghiệp vụ: mở tài khoản thanh toán; xác thực giao dịch thanh toán; đối chiếu, xác thực thông tin khách hàng; 7 TCTD đã và đang triển khai giải pháp chấm điểm khả tín.
Ngoài ra, Quyết định số 2345/QĐ-NHNN đã đưa ra một số quy định nhằm tăng cường các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Theo đó, các TCTD đã phải áp dụng xác thực bằng sinh trắc học cho các giao dịch có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên.
Các quy định trên sẽ có hiệu lực từ 1/7/2024, nhưng thời gian qua cũng có một số ngân hàng triển khai sớm hơn yêu cầu pháp luật, chẳng hạn Ngân hàng MB cho biết từ tháng 4/2024 đã triển khai giải pháp chuyển khoản phải xác thực khuôn mặt và với động thái này, MB hiện cũng là ngân hàng đầu tiên thực xác thực sinh trắc học theo yêu cầu của Quyết định 2345.
ÔNG NGUYỄN HƯNG NGUYÊN - PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC NAPAS: Triển khai các giải pháp phát hiện sớm gian lậnVới tốc độ tăng trưởng nhanh của các giao dịch thanh toán điện tử như hiện nay, khoảng 20%/năm thì nhiệm vụ quan trọng của NAPAS chính là đảm bảo hệ thống hạ tầng thanh toán quốc gia được an toàn, ổn định và thông suốt. Song song với đó là việc đảm bảo chi phí xử lý giao dịch thấp nhất có thể, qua đó cung cấp nền tảng thanh toán góp phần phổ cập tài chính toàn diện. NAPAS cũng đưa ra các giải pháp thanh toán mới qua thẻ, tài khoản như giải pháp số hoá điểm chấp nhận thanh toán (Tap to phone), cho phép biến chiếc điện thoại di động thành máy thanh toán thẻ (Soft POS); dịch vụ số hóa thẻ trên nền tảng thiết bị di động và các website/ ứng dụng thương mại điện tử (Tap to pay) dự kiến sớm được ra mắt trong thời gian tới. Liên quan đến vấn đề lừa đảo trực tuyến thời gian gần đây, NAPAS đang phối hợp các ngân hàng và cơ quan quản lý đưa ra thêm 1 số giải pháp bổ trợ nhằm giám sát, phát hiện sớm tài khoản có dấu hiệu gian lận, giả mạo nhằm hạn chế rủi ro cho khách hàng khi thực hiện giao dịch./. |
ÔNG TRẦN LONG - PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC BIDV: Cần quan tâm các yếu tố quản trị dữ liệu, an toàn bảo mật70.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin đang cung cấp dịch vụ chuyển đổi số, 18.000 doanh nghiệp cung cấp phần mềm tại Việt Nam hợp tác với bên thứ ba mang đến tiềm năng phủ sóng mạnh mẽ dịch vụ ngân hàng trên các kênh số… Có thể thấy, tiềm năng phát triển ngân hàng mở tại Việt Nam là vô cùng lớn. BIDV đã xác định “Công nghệ và chuyển đổi số” là một trong 3 trụ cột chính trong chiến lược hoạt động và đã đầu tư nguồn lực rất lớn cho hoạt động chuyển đổi số và liên tục ra mắt các giải pháp tài chính sáng tạo mới, trong đó có những kết quả trong hoạt động ngân hàng mở mà BIDV đã và đang mang đến cho khách hàng trên nền tảng Open API. Trong thời gian tới, BIDV sẽ tiếp tục mở rộng các gói API mới cho các dịch vụ tài trợ thương mại, bảo lãnh, tài trợ chuỗi cung ứng thông qua liên kết giữa các doanh nghiệp trung tâm và các nhà phân phối, nhà cung cấp. Để hoạt động ngân hàng mở thực sự mang giá trị cho khách hàng và nền kinh tế, không chỉ cần đầu tư vào hệ thống công nghệ, các ngân hàng còn cần quan tâm chú trọng đến quản trị dữ liệu, an toàn bảo mật trong quá trình lựa chọn đối tác và cung cấp hạ tầng cho giao dịch. |
ÔNG VŨ THÀNH TRUNG - THÀNH VIÊN BAN ĐIỀU HÀNH NGÂN HÀNG MB: Xu hướng sử dụng dịch vụ ngân hàng đa nền tảngSự bùng nổ của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã thay đổi hoàn toàn hành vi của khách hàng trong mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó có tài chính - ngân hàng. Xu hướng mới của khách hàng hiện tại là sử dụng dịch vụ ngân hàng trên đa nền tảng một cách thuận tiện mà không nhất thiết phải trên nền tảng của ngân hàng. Dịch vụ đa nền tảng cho phép bên thứ ba kết nối với hệ thống của ngân hàng thông qua API để cung cấp các dịch vụ tài chính - ngân hàng đến khách hàng trên nền tảng của đối tác. Việc này đảm bảo hành trình mua sắm của khách hàng dễ dàng, nhanh chóng và thuận tiện nhất. Khách hàng cá nhân hoàn toàn có thể thanh toán hóa đơn mua trên các sàn thương mại điện tử mà không cần đăng nhập vào ứng dụng ngân hàng. |