Tăng trưởng tín dụng 2024: Lạc quan trong thận trọng

Tăng chậm trong nửa đầu năm

Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 15%. Đặc biệt, khác với cách điều hành của các năm trước, NHNN đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại (NHTM) ngay từ đầu năm với mục đích thúc đẩy tín dụng và tạo điều kiện cho các NHTM chủ động hơn trong điều hành hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, theo khảo sát về xu hướng tín dụng, các NHTM nhận định tín dụng dự kiến vẫn tăng chậm trong nửa đầu năm 2024 do nhu cầu vốn của khách hàng ở hầu hết các lĩnh vực sẽ giảm so với 6 tháng cuối năm 2023.

Ngoài ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ khi nhu cầu vay vốn các tháng trước và sau Tết Nguyên đán thường thấp, khách hàng có xu hướng trả nợ hơn là đi vay, thì phần dư nợ tăng vọt trong tháng cuối năm 2023 vừa qua chỉ mang tính ngắn hạn, có yếu tố không bền vững, nên có thể tiếp tục ảnh hưởng lên tăng trưởng tín dụng các tháng đầu năm 2024.

Bên cạnh đó, các dự báo cho thấy, 2024 tiếp tục là một năm đầy khó khăn với kinh tế thế giới. Điều này sẽ tác động đến nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Đặc biệt, tổng cầu thế giới có nguy cơ suy giảm khi Mỹ và một số nền kinh tế lớn của châu Âu dự báo suy thoái nhẹ.

So với kỳ điều tra tháng 6/2023, tại kỳ điều tra này, các ngân hàng đã thu hẹp bớt kỳ vọng về mức độ tăng nhu cầu tín dụng của 11/13 lĩnh vực điều tra trong năm 2024, trong khi giữ nguyên hoặc mở rộng nhẹ kỳ vọng về mức độ tăng nhu cầu tín dụng của 2/13 lĩnh vực điều tra (đầu tư công nghiệp hỗ trợ và đầu tư ứng dụng công nghệ cao).

Dự báo cho 6 tháng đầu năm và cả năm 2024, khoảng 70,3% - 73,3% tổ chức tín dụng (TCTD) dự kiến tiếp tục giữ nguyên hoặc nới nhẹ tiêu chuẩn tín dụng tổng thể của đơn vị mình (13,9 - 16,8% TCTD dự kiến nới lỏng tiêu chuẩn tín dụng, 12,9% TCTD dự kiến thắt chặt nhẹ tiêu chuẩn tín dụng), trong đó, dự kiến nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng đối với tất cả các lĩnh vực ưu tiên và công nghiệp chế biến chế tạo, cho vay đầu tư ngành dịch vụ logistics và cho vay mua nhà để ở.

Các TCTD dự kiến nới lỏng tiêu chuẩn tín dụng nhờ kỳ vọng các nhân tố “Triển vọng kinh tế vĩ mô khả quan” cùng với “Chính sách định hướng/quản lý phát triển các ngành kinh tế của Chính phủ” và “Chính sách định hướng/quản lý tín dụng của Chính phủ/NHNN”.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, các TCTD dự kiến giữ ổn định các điều kiện và điều khoản cho vay tổng thể đối với khách hàng DN và nới lỏng hơn đối với khách hàng cá nhân.

Bứt tốc cuối năm

Theo Vụ Dự báo, Thống kê (NHNN), tăng trưởng tín dụng sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024 nhờ lãi suất cho vay giảm. Động lực tăng trưởng tín dụng được đánh giá là tích cực ở nhóm Bán buôn, bán lẻ, Xuất nhập khẩu và Sản xuất thực phẩm.

Các TCTD kỳ vọng rủi ro tín dụng tiếp tục tăng trong năm 2024 nhưng với tốc độ chậm hơn so với năm 2023, đáng chú ý, lĩnh vực cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản và chứng khoán tiếp tục là hai lĩnh vực có rủi ro tín dụng cao nhất. Năm 2024, các điều kiện cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp dự kiến sẽ ổn định, trong khi đó, điều kiện cho vay sẽ nới lỏng hơn đối với khách hàng cá nhân (tín dụng cho vay tiêu dùng hay mua nhà ở). Kết quả khảo sát nhìn chung cho thấy triển vọng cải thiện trong hoạt động cho vay trong năm 2024. Khảo sát cũng cho thấy dự báo về tăng trưởng huy động vốn và tín dụng năm 2024 lần lượt là 12,1% và 14,2%, tăng nhẹ so với kết quả năm 2023.

Về khả năng hấp thụ vốn, khảo sát của Tổng cục Thống kê về tình hình đơn hàng xuất khẩu năm 2024 cho thấy, 22% số công ty được hỏi khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; 45% số công ty có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định và 33% số công ty có đơn hàng xuất khẩu mới giảm… Đây là những cơ sở để tin tưởng rằng, tình hình kinh tế năm 2024 sẽ sáng sủa hơn, doanh nghiệp dần trở lại nhịp độ sản xuất, kinh doanh bình thường và khả năng hấp thụ mức tăng trưởng tín dụng 15% là khả thi.

Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, dựa trên mục tiêu tăng trưởng GDP cho năm 2024 là 6%-6,5%, tăng trưởng tín dụng 14%-15% cho cả năm là hoàn toàn hợp lý. Cùng với sự phục hồi của kinh tế, lĩnh vực bất động sản và tiêu dùng được dự báo sẽ dần hồi phục mạnh mẽ trở lại trong nửa cuối năm 2024, gia tăng khả năng hấp thụ vốn, tạo đà cho tín dụng tăng trưởng nhanh.

Theo ông Phạm Chí Quang – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), các dự báo cho thấy 2024 tiếp tục là một năm đầy khó khăn với kinh tế thế giới, có thể ảnh hưởng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế trong nước. Tuy nhiên, NHNN tiếp tục định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành ngân hàng tại các chương trình mục tiêu quốc gia. NHNN sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng tiêu dùng đi đôi với an toàn, lành mạnh, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

Xem thêm tại tapchitaichinh.vn