Tạo chỉ dấu, thúc đẩy hàng Việt vươn mình trong kỷ nguyên số
Theo báo cáo mới nhất của Google, Temasek và Bain & Company công bố, tổng giá trị hàng hóa của Việt Nam dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm ở mức 16%, chạm mốc 36 tỷ USD vào năm 2024.
VẪN CHẬM THÍCH NGHI
Trong đó lĩnh vực thương mại điện tử là một động lực chính thúc đẩy phát triển. Năm 2024, ngành thương mại điện tử đã tăng trưởng tới 18% so với cùng kỳ năm 2023, với mức tổng giá trị chạm mốc 22 tỷ USD.
Tuy thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ nhưng đây vừa là động lực cũng là thách thức đối với hàng hóa sản xuất trong nước.
Ông Trần Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO, cho rằng hiện nay doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn cốt lõi khi tham gia thị trường thương mại điện tử.
Đầu tiên là vấn đề về công nghệ. Mức độ thích nghi của doanh nghiệp bán lẻ và phân phối trong chuyển đổi số còn khá hạn chế. Tiếp đến, sự kiên trì của doanh nghiệp chưa cao.
"Hàng Việt Nam cần xây dựng chỉ dấu nhận biết từ cơ quan nhà nước để vươn mình ra thế giới. Trước đây, thương hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao là chỉ dấu đưa hàng Việt Nam phát triển, nhưng giờ đây, cần chỉ dấu có tính quy mô lớn hơn", ông Bảo nhấn mạnh.
Đại diện TikTok tại Việt Nam, ông Nguyễn Lâm Thanh cũng cho rằng hàng Việt Nam tuy có tính chất, đặc thù riêng nhưng do quy mô của doanh nghiệp sản xuất rất nhỏ so với toàn cầu, sản lượng hàng hoá của nhiều doanh nghiệp chưa ổn định nên khó có đủ nguồn lực để theo kịp.
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp chưa nhìn thấy rủi ro khi không hòa mình vào cuộc chuyển đổi số. Nếu doanh nghiệp bỏ qua chuyển đổi số thì sẽ tụt hậu, người tiêu dùng sẽ bỏ đi.
Ngoài ra, giờ đây nhiều người tiêu dùng không có thói quen đến chợ, họ quen với mua hàng từ bàn làm việc với chiếc điện thoại trên tay. Chưa kể, đến năm 2024 trào lưu mua sắm đi kèm với giải trí. Vừa giải trí, vừa thuyết phục khách mua hàng. Do đó, theo ông Thanh, doanh nghiệp phải nắm bắt được xu hướng này để chuyển đổi.
HỖ TRỢ SẢN PHẨM TỪNG BƯỚC "ĐẶT CHÂN" LÊN KHÔNG GIAN SỐ
Là một nền tảng thương mại điện tử, để hỗ trợ doanh nghiệp đứng vững trong kỷ nguyên chuyển đổi số, để hàng hóa Việt Nam đến được người trong nước và ngoài nước, TikTok đã đồng hành cùng Bộ Công Thương triển khai chương trình phiên chợ OCOP (mỗi xã 1 sản phẩm), nhằm tôn vinh hàng nông sản Việt Nam, xóa nhòa khoảng cách số giữa nông thôn, thành thị.
Chương trình thực hiện vào mỗi thứ 7 hàng tuần, tổ chức 1 phiên livestream để hướng dẫn người dân giới thiệu, tiếp cận 5 triệu người khá thành công.
Đến nay, Chương trình đã được mở rộng với gọi tên Tự Hào Hàng Việt, TikTok đã phối hợp với các hội để các doanh nghiệp sản xuất hưởng ưu đãi của nền tảng như hỗ trợ bán hàng. Chỉ trong 6 tháng đã hỗ trợ 10 nghìn doanh nghiệp, đăng tải, đưa lên nền tảng TikTok Shop hashtag như Tự Hào Hàng Việt, hay OCOP…
Còn đối với KIDO, ông Bảo cho biết KIDO cũng tiếp cận theo hướng xây dựng kênh phân phối online. Xây dựng hệ thống nền tảng mà người bán hàng, nhà sản xuất và người tiêu dùng tương tác trực tiếp với nhau.
Ông Bảo chia sẻ thêm, trước đây, thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao đã trở thành chỉ dấu đưa hàng Việt Nam phát triển ở kênh offline, giờ cần chỉ dấu đưa hàng Việt Nam lên kênh thương mại điện tử. Chúng ta cần chỉ dấu có tính quy mô, từ cơ quan nhà nước, hiệp hội tổ chức để đẩy mạnh công tác truyền thông, đưa hàng đến tay người tiêu dùng.
Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết để đẩy mạnh đưa hàng Việt lên các sàn thương mại điện tử, Bộ Công Thương đã tổ chức thường niên chương trình “Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday”.
Chương trình đã được tổ chức thường niên từ năm 2014 đến nay, với mục tiêu tạo ra nền tảng kết nối các doanh nghiệp với nhau. Trong đó kết nối doanh nghiệp sản xuất với đơn vị hạ tầng, kết nối nhà bán hàng với người tiêu dùng,... tạo môi trường để các doanh nghiệp kinh doanh. Ngoài ra, chương trình cũng đặt ra những mục tiêu thúc đẩy thương hiệu sản phẩm Việt.
Song cùng với sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, ông Lê Đức Anh cho rằng doanh nghiệp cũng cần phải mạnh dạn trong việc đổi mới, chuyển đổi số để theo kịp xu hướng, vì kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử sẽ khác với truyền thống.
Bên cạnh đó, thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Bộ Công Thương kỳ vọng các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng các dịch vụ chuyển phát của các doanh nghiệp Việt Nam để cùng thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ Việt Nam phát triển.
Ông Lê Đức Anh cho biết thêm, Bộ Công Thương đang thiết kế hệ sinh thái để phát triển cho hàng Việt. Chúng tôi tạo ra chỉ dấu cho hàng Việt trên môi trường trực tuyến, trong đó điều quan trọng là xác minh nguồn gốc để đảm bảo chất lượng, xuất xứ hàng hóa.
Xem thêm tại vneconomy.vn