Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã cạnh tranh được với ngành thép Trung Quốc về chi phí sản xuất

Tập đoàn Hoà Phát
Dự án Dung Quất 2 khi đi vào vận hành tối đa sẽ giúp Tập đoàn Hòa Phát tiết giảm hơn nữa chi phí sản xuất thép, kéo theo đó là các sản phẩm hạ nguồn.

Mặc dù giá thép chịu áp lực giảm nhưng doanh thu mảng thép của Tập đoàn Hòa Phát (mã cổ phiếu HPG - sàn HoSE) trong quý 3/2024 vẫn duy trì mức tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ sản lượng tiêu thụ tăng 21% khi thị trường bất động sản nội địa hồi phục.

Qua đó, tập đoàn này ghi ghận 33.956 tỷ đồng doanh thu thuần và 3.022 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 19% và 51% so với quý 3/2023. Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, Tập đoàn Hòa Phát thu về 9.210 tỷ đồng lãi ròng, tăng 140% so với cùng kỳ năm trước.

Triển vọng kinh doanh của Tập đoàn Hòa Phát trong thời gian tới tiếp tục được đánh giá ở mức tích cực. Đáng chú ý, theo đánh giá mới đây của Chứng khoán BIDV, chi phí sản xuất của Tập đoàn Hòa Phát đã “cạnh tranh được” với ngành thép Trung Quốc.

Cụ thể, theo hãng nghiên cứu thị trường thép MySteel, chi phí vận chuyển quặng sắt từ Australia, Brazil và than cốc từ Indonesia về Việt Nam và về Trung Quốc hiện là gần như tương đương. Quặng sắt và than cốc chiếm lần lượt 27% và 37% chi phí sản xuất của lò cao.

Tuy nhiên, Việt Nam có lợi thế vượt trội so với Trung Quốc về giá thuê đất công nghiệp và chi phí nhân công rẻ. Cụ thể, mức giá thuê đất công nghiệp của Tập đoàn Hòa Phát tại Khu công nghiệp Dung Quất (Quảng Ngãi) hiện chỉ dao động từ 45 - 50 USD/m2, so với mức trung bình hơn 66 USD/m2 của các doanh nghiệp thép Trung Quốc.

Khu công nghiệp Dung Quất là nơi đặt Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất 1&2 của Tập đoàn Hòa Phát với tổng công suất thiết kế đạt 11,6 triệu tấn, chiếm 83% tổng công suất thiết kế toàn tập đoàn.

Về chi phí nhân công, Chứng khoán BIDV ước tính chi phí lao động trung bình của Tập đoàn Hòa Phát hiện thấp hơn tới gần 50% so với các doanh nghiệp thép Trung Quốc.

“Sức cạnh tranh của Tập đoàn Hoà Phát đã được chứng minh trong 2 năm vừa qua khi tập đoàn này duy trì sản lượng thép thanh ở mức hơn 350.000 tấn/tháng, và thép cuộn cán nóng (HRC) khoảng 230.000 tấn/tháng đối với các nhà máy hiện hữu Dung Quất 1, Hải Dương, và Hưng Yên. Lợi thế về chi phí sản xuất cạnh tranh cho phép tập đoàn này linh hoạt cân đối giữa thị trường nội địa và xuất khẩu và đẩy được sản lượng”, Chứng khoán BIDV đánh giá.

Giá cổ phiếu HPG Tập đoàn Hòa Phát
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Tập đoàn Hòa Phát (HPG): Phân kỳ 1 dự án Dung Quất 2 sẽ vận hành vào cuối năm nay" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Cụ thể, trong năm 2023, Tập đoàn Hoà Phát đã cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc để đẩy mạnh xuất khẩu HRC tới ASEAN, EU… trong bối cảnh thị trường thị trường nội địa đóng băng. Trong 9 tháng đầu năm nay, khi thị trường EU gặp khó về chính sách và thị trường xây dựng vào mùa thấp điểm, tập đoàn này vẫn đẩy mạnh tiêu thụ HRC trên thị trường nội địa, bất chấp sức ép từ thép giá rẻ Trung Quốc.

Với dự án Dung Quất 2, chi phí sản xuất của Tập đoàn Hoà Phát sẽ tiếp tục được tiết giảm nhờ quy mô tăng thêm 60%. Việc đưa chi phí xuống mức cạnh tranh được với thép Trung Quốc là yếu tố then chốt để Tập đoàn Hoà Phát đảm bảo mức tiêu thụ tốt cho sản lượng của dự án Dung Quất 2, theo Chứng khoán BIDV.

Đặc biệt, chi phí sản xuất thép giảm xuống cũng sẽ giúp các sản phẩm hạ nguồn như ống thép và vỏ container của Tập đoàn Hòa Phát cạnh tranh hơn về giá cả, từ đó kích thích sản lượng tiêu thụ và đóng góp thêm vào lợi nhuận toàn tập đoàn.

Xem thêm tại tapchicongthuong.vn