Tập đoàn Hoa Sen (HSG) vẫn sáng cửa xuất khẩu sang Mỹ và EU
Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Vietcombank, giá thép có khả năng rất cao đã tạo đáy và bắt đầu đi vào chu kỳ tăng giá trở lại trong vài năm tới nhờ vào các chính sách kích thích thị trường bất động sản mạnh mẽ được Chính phủ Trung Quốc phát động kể từ quý 3/2024.
Về phía nguồn cung, Chính phủ Trung Quốc đã hoãn phê duyệt các dự án thép sử dụng than mới từ năm 2024 để bảo vệ môi trường và hạn chế nguồn cung mới. Hơn nữa, các tỉnh sản xuất thép chính của nước này như Hà Bắc và Giang Tô đã cắt giảm 20% - 30% sản lượng do lợi nhuận gộp xuống đáy 5 năm.
Tại thị trường Việt Nam, đà phục hồi của nhu cầu sử dụng thép đang dần được củng cố. Theo hãng nghiên cứu thị trường bất động sản CBRE, tổng cung căn hộ chung cư tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trong năm nay dự kiến đạt 12.000 căn, tăng 40% so với năm 2023. Ước tính số căn hộ mới ra mắt trong năm 2025 tại Hà Nội sẽ tiếp tục tăng thêm 2% và tại TP.Hồ Chí Minh tăng thêm 90% so với năm 2024.
Hơn nữa, dòng vốn FDI đổ về Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU với Trung Quốc tăng lên, nhiều nhà sản xuất lớn đẩy nhanh kế hoạch chuyển chuỗi cung ứng về Việt Nam. Xu hướng này sẽ mở rộng hoạt động xây dựng, sản xuất, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng thép và các sản phẩm từ thép.
Đây được xem là những điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp tôn mạ như Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG) có thể kinh doanh ăn chênh lệch giá bán một cách bền vững, gia tăng tích trữ nguyên vật liệu đầu vào mà không lo có những đợt giảm giá mạnh như giai đoạn trước đó.
Chứng khoán Vietcombank cũng lưu ý, mặc dù mức chênh lệch lợi nhuận xuất khẩu của các doanh nghiệp thép Việt Nam tới EU và Mỹ đã giảm trong quý 3/2024 nhưng đã có dấu hiệu tạo đáy. Mức chênh lệch này dự kiến sẽ hồi phục tốt trong thời gian tới khi giá thép xuất khẩu vào Mỹ, EU có xu hướng tăng trở lại theo xu hướng của giá thép Trung Quốc.
Nguyên nhân do nhu cầu sử dụng thép tăng lên tại thị trường nội địa sẽ làm giảm nhu cầu xuất khẩu của các doanh nghiệp thép Trung Quốc, từ đó làm giảm áp lực cạnh tranh về giá bán trên thị trường quốc tế. Điều này sẽ hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của Tập đoàn Hoa Sen sang Mỹ và EU - hai thị trường trọng điểm.
Đáng chú ý, mặc dù Mỹ và EU đang có xu hướng tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép, song mới chỉ tập trung vào bán thành phẩm từ thép cuộn cán nóng (HRC) chứ chưa phải sản phẩm tôn mạ. Do đó, Chứng khoán Vietcombank nhận định Tập đoàn Hoa Sen chưa chịu tác động trực tiếp từ các biện pháp phòng vệ tại các thị trường xuất khẩu chính.
Bên cạnh đó, tập đoàn tôn mạ này đang có xu hướng tăng dần tỷ trọng doanh thu nội địa nhằm tận dụng lợi ích từ việc Bộ Công Thương vừa gia hạn biện pháp chống bán phá giá đối với tôn mạ nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc thêm 05 năm (đến tháng 10/2029) với thuế suất dao động từ 4,95% - 34,27%. Chiến lược này sẽ giúp Tập đoàn Hoa Sen giảm bớt rủi ro phụ thuộc vào các thị trường xuất khẩu.
Nhìn vào lịch sử quá khứ, năm 2016 là đỉnh điểm nhập khẩu tôn mạ của Việt Nam với tổng sản lượng nhập khẩu lên tới gần 2 triệu tấn/năm (tương đương 100% tiêu thụ tôn mạ nội địa). Sau khi chính sách chống bán phá giá được Bộ Công Thương áp dụng thành công, tổng sản lượng nhập khẩu tôn mạ vào Việt Nam tới năm 2022 giảm mạnh chỉ còn khoảng 600.000 tấn.
Đối với riêng Tập đoàn Hoa Sen trong giai đoạn này, sản lượng tiêu thụ tôn mạ nội địa tăng khoảng 22% sau 2 năm. Vì vậy, Chứng khoán Vietcombank cho rằng tiêu thụ tôn mạ nội địa của Tập đoàn Hoa Sen sẽ khởi sắc trong những năm tới, đặc biệt trong bối cảnh tập đoàn này chiếm thị phần lớn nhất về phân phối nội địa với hơn 400 đại lý phân phối truyền thống và 110 cửa hàng Hoasen Home.
Xem thêm tại tapchicongthuong.vn