Tập đoàn từ đất nước giàu top đầu châu Á muốn rót vốn vào lĩnh vực 1,26 tỷ USD của Việt Nam
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Singapore, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã tiếp Tổng Giám đốc Sembcorp Development, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị VSIP Group Lee Ark Boon.
Tập đoàn Sembcorp đã đầu tư 18 dự án Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) tại 13 tỉnh, thành phố và tạo việc làm cho hơn 300.000 lao động tại Việt Nam; VSIP là một ví dụ điển hình về sự kết hợp giữa phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại và thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả.
Theo Tổng Giám đốc Sembcorp Development Lee Ark Boon, Sembcorp đã có 28 năm đầu tư hoạt động tại Việt Nam. VSIP chính là biểu tượng thành công trong hợp tác giữa Singapore và Việt Nam.
Ông Lee Ark Boon khẳng định Sembcorp tiếp tục đầu tư thêm các khu công nghiệp tại Việt Nam. Tập đoàn này cũng có kế hoạch phát triển khu công nghiệp carbon thấp, công nghệ cao, trung tâm dữ liệu xanh để đồng hành với định hướng chuyển đổi xanh của Việt Nam.
CEO Sembcorp mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện các kế hoạch này.
Thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam được quan tâm đầu tư
Theo Research and Markets, thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam dự kiến đạt mức 1,03 tỷ USD vào năm 2028, hơn 1,26 tỷ USD năm 2030 , tốc độ tăng trưởng kép bình quân 10,8% mỗi năm. Các dự án trung tâm dữ liệu đang được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm.
Cụ thể, Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel) có đề xuất gửi UBND TP HCM và một số đơn vị liên quan thực hiện đầu tư Dự án trung tâm dữ liệu tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP HCM.
Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM cũng đã có văn bản số 3081/BQL-ĐT gửi Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP HCM có ý kiến rằng, Dự án trung tâm dữ liệu tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung theo đề xuất của Saigontel là phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của TP HCM và quy hoạch Khu công nghiệp Tân Phú Trung.
Ngoài dự án nói trên, TP HCM cũng đang mời gọi nhà đầu tư tại Dự án trung tâm dữ liệu tại Khu Công nghệ cao. Hiện dự án này đang nhận được sự quan tâm của 5 nhà đầu tư lớn gồm Tập đoàn CMC (Việt Nam); Tập đoàn Evolution (Singapore); Tập đoàn NTT Data (Nhật Bản); Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc); Liên doanh Công ty Coteccons (Việt Nam), Eaton (Hoa Kỳ).
Viettel cũng góp mặt bằng một trung tâm dữ liệu tại Viettel Hòa Lạc (Hà Nội), với 60.000 máy chủ, hơn 2.400 rack, 21.000 m2 mặt sàn. Đây cũng là trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, Tập đoàn này cũng đang đầu tư xây dựng một trung tâm dữ liệu khác tại TP HCM, với vốn đầu tư 14.700 tỷ đồng, dự kiến đưa vào hoạt động từ quý IV/2025.
Hay FPT Telecom cũng đang phát triển trung tâm dữ liệu HN03, có tổng mức đầu tư trước thuế 3.000 tỷ đồng, dự kiến triển khai từ năm 2024 đến năm 2032. Ngoài ra, doanh nghiệp này hiện đang có 3 trung tâm dữ liệu khác đang vận hành và 2 dự án đang xây dựng tại TP HCM và Đà Nẵng.
Với sự quan tâm nói trên đối với ngành trung tâm dữ liệu, nhiều đơn vị nghiên cứu nhìn nhận Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới. Một số thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có 32 data center vừa và nhỏ, với tổng số hơn 20.000 rack.
Theo tính toán, mỗi năm Việt Nam phải đầu tư xây dựng 3 data center loại trung bình thì mới có thể đáp ứng nhu cầu thực tế.
Phát triển các trung tâm dữ liệu thuộc Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 của Việt Nam, với mục tiêu xây dựng và phát triển hạ tầng số của nước ta tiên tiến, hiện đại ngang tầm các nước phát triển trên thế giới, được Nhà nước ưu tiên phát triển và bảo vệ như hạ tầng giao thông, năng lượng.
Chiến lược cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hình thành các trung tâm dữ liệu hỗ trợ ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đồng thời phát triển các trung tâm dữ liệu mới đạt tiêu chuẩn xanh theo tiêu chuẩn quốc tế. Phát triển nền tảng cung cấp công nghệ số (IoT, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, an ninh mạng) như dịch vụ, đóng vai trò là hạ tầng mềm để phát triển kinh tế, xã hội.
Xem thêm tại cafef.vn