TCBS tích hợp bảng giá tài sản mã hóa trước thềm IPO
Công ty CP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) mới đây đã tích hợp bảng giá tài sản mã hoá trên nền tảng giao dịch chứng khoán trực tuyến. Bên cạnh bảng giá thị trường cơ sở và phái sinh, giờ đây nhà đầu tư có thể theo dõi biến động của hơn 100 đồng tiền mã hóa phổ biến như Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH), XRP, BNB, DOGE...

Dù mới chỉ dừng lại ở việc hiển thị các thông tin cơ bản như giá giao dịch, khối lượng, tổng vốn hóa và tỷ lệ thanh khoản mà chưa cho phép thực hiện giao dịch mua bán, động thái này được đánh giá là bước “nhá hàng” của TCBS. Trước đó, công ty chứng khoán này không hề giấu diếm tham vọng chinh phục sân chơi mới khi khung pháp lý về tài sản số tại Việt Nam dần hình thành. Tại hội thảo “Kinh nghiệm vận hành các sàn giao dịch tài sản mã hóa” do Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức, bà Đoàn Mai Hạnh, Giám đốc cao cấp phụ trách Kinh doanh và tự doanh thị trường tài chính TCBS từng chia sẻ, khi hành lang pháp lý trở nên rõ ràng, công ty sẽ nhanh chóng tích hợp tài sản mã hóa vào hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ.
Động thái của TCBS càng trở nên đáng chú ý khi công ty chứng khoán này đang chuẩn bị cho một sự thay đổi mang tính “bản lề”: chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 diễn ra mới đây, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh tiết lộ, nhà băng này đã làm việc với hai nhà đầu tư lớn và khả năng cao hai nhà đầu tư sẽ tham gia vào giai đoạn trước IPO của TCBS.
Về thời điểm IPO, ông Hồ Hùng Anh cho biết kế hoạch đặt ra là vào cuối năm nay, tuy nhiên tiến độ có thể linh hoạt tùy thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến thị trường tài chính quốc tế, chính sách thuế đối ứng và quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Techcombank hiện đã thuê các đơn vị tư vấn và xây dựng nhiều kịch bản ứng phó, thể hiện sự thận trọng cần thiết trong bối cảnh thị trường toàn cầu còn nhiều biến động khó lường.
Chủ tịch Techcombank cũng khẳng định, không chỉ chuẩn bị cho việc phát hành cổ phần, TCBS cùng Techcombank cũng tính toán kỹ lưỡng cách sử dụng nguồn vốn huy động được sau IPO. Bài toán đặt ra không chỉ là tối ưu hóa hiệu quả đầu tư mà còn phải đảm bảo lợi ích dài hạn cho cổ đông – một thách thức đòi hỏi sự cẩn trọng và chiến lược bền vững.
Thực tế, kế hoạch IPO của TCBS đã được "khởi động" từ năm 2022 với mục tiêu đạt vốn hóa 5 tỷ USD và lợi nhuận sau thuế 5.000 tỷ đồng vào năm 2025. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều thay đổi lớn về môi trường kinh doanh và quy định, kế hoạch này đang được điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tiễn.
Cùng với chiến lược IPO, TCBS cũng đang đẩy mạnh đổi mới sản phẩm dịch vụ nhằm gia tăng trải nghiệm khách hàng. Theo ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT TCBS, sau tháng 5/2025, công ty chứng khoán này dự kiến ra mắt tính năng kiểm thử danh mục đầu tư với chu kỳ tái cân bằng theo tuần thay vì theo tháng như hiện tại, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn.
Về kết quả kinh doanh, năm 2024, TCBS ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 4.802 tỷ đồng, tăng trưởng 59% so với năm trước đó và vượt 23% kế hoạch đề ra. Các chỉ số hiệu quả như ROE và ROA cũng ghi nhận sự cải thiện rõ rệt, đạt lần lượt 15% và 8% vào cuối năm. Tính đến quý I/2025, TCBS giữ vị trí thứ ba về thị phần môi giới trên sàn HOSE (7,49%) và đứng thứ hai trên HNX (8,24%).
Hiện nay, Việt Nam là một trong ba quốc gia có số lượng người tham gia giao dịch tài sản mã hóa cao nhất thế giới. Tuy nhiên, sự thiếu vắng hành lang pháp lý rõ ràng khiến thị trường này vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng không nhỏ đến nhà đầu tư và công tác quản lý vĩ mô.
Nhận diện vấn đề này, vừa qua, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan liên quan, nghiên cứu và đề xuất khung pháp lý cho tài sản mã hóa. Một trong những đề án then chốt là xây dựng Nghị quyết thí điểm triển khai sàn giao dịch tài sản mã hóa trong nước. Theo Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng, việc thí điểm này không chỉ giúp Nhà nước kiểm nghiệm thực tiễn và kiểm soát rủi ro, mà còn mở ra cơ hội tận dụng nguồn lực từ nền kinh tế số đang bùng nổ.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn