Techcombank (TCB) điều chỉnh tăng lãi suất huy động từ ngày 12/8
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB) vừa thông báo điều chỉnh tăng lãi suất huy động thêm 0,2%/năm tại kỳ hạn 1-2 tháng kể từ ngày 12/8.
Cụ thể, đối với gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng tăng từ 2,75-3,2%/năm lên 2,95-3,4%/năm. Trong đó, lãi suất 3,4%/năm áp dụng cho khách hàng Private gửi từ 3 tỷ đồng trở lên.
Lãi suất huy động các kỳ hạn còn lại từ 3 tháng – 36 tháng được giữ nguyên mức cũ. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 3-5 tháng là 3,15-3,6%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 4,15-4,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng – 36 tháng là 4,85-5,2%/năm.
Đối với gửi tiết kiệm online, lãi suất thấp nhất là 3,05%/năm (áp dụng cho khách hàng thường, tiền gửi dưới 1 tỷ đồng). Lãi suất cao nhất là 5,2%/năm (áp dụng cho khách hàng gửi tiền từ 12 tháng trở lên, số tiền từ 3 tỷ đồng và là khách hàng Private).
Tính từ đầu tháng 8/2024 đến nay, nhiều ngân hàng đã tiến hành tăng lãi suất bao gồm: Agribank, Eximbank, HDBank, Sacombank, Saigonbank, TPBank, CB, VIB và Dong A Bank.
Dự báo diễn biến lãi suất trong thời gian tới, Chuyên gia KBSV nhận định, lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng thêm 50 điểm từ nay cho tới cuối năm, lên mức quanh vùng đáy Covid-19 giai đoạn 2020-2021. Theo đó, các yếu tố trọng yếu tác động tới mặt bằng lãi suất huy động bao gồm:
Thứ nhất, tỷ giá trong quý III vẫn sẽ có các biến động trồi sụt, mặc dù rủi ro tăng mạnh trở lại không còn đáng ngại. Theo đó, NHNN vẫn sẽ duy trì định hướng giữ nền lãi suất liên ngân hàng ở mức cao vừa đủ để hạn chế giao dịch chênh lệch lãi suất, song song với nghiệp vụ bán USD để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong bối cảnh nhập khẩu được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Những điều này sẽ tác động trực tiếp đến thanh khoản hệ thống và làm tăng lãi suất huy động ở thị trường 1, đặc biệt là ở nhóm ngân hàng thương mại tư nhân vừa và nhỏ có nguồn huy động kém linh hoạt và các ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng tốt.
Thứ hai, cầu tín dụng kỳ vọng hồi phục kéo theo nhu cầu huy động vốn, từ đó khiến đà tăng của lãi suất huy động tiếp diễn vào cuối năm. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ phục hồi rõ nét hơn theo sự ấm lên của nền kinh tế trong nửa cuối năm 2024 trước những động lực chính như: (1) Kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh trong những tháng gần đây là dấu hiệu cho thấy triển vọng tích cực của ngành sản xuất và hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới; (2) Sự thẩm thấu của chính sách tiền tệ và tài khóa khiến nhu cầu nội địa cải thiện; và (3) Thị trường BĐS khởi sắc. Trên thực tế, tín dụng trong quý II đã ghi nhận sự cải thiện, tính đến ngày 30/6 đạt 6% tính từ đầu năm (xét riêng quý II tín dụng tăng thêm 4,6 điểm % so với quý trước, cao hơn hẳn mức tăng của quý II cùng kỳ ở 2,1 điểm % so với quý trước), chủ yếu được dẫn dắt bởi nhóm bất động sản và cho vay phát triển cơ sở hạ tầng.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn