TGĐ Công ty Trung An: Chỉ cần Ngân hàng cho vay, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ không chỉ ở mức 4,6 tỷ USD như bây giờ mà đảm bảo có thể đạt 10 tỷ USD
Ngày 6/11/2024, đoàn công tác của Ngân hàng Nhà nước đã đến thăm và làm việc với một số doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh vùng đồng bằng Sông Cửu Long để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến chính sách tín dụng.
Tại Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An – mã chứng khoán TAR) - Phường Trung Kiên, Quận Thốt Nốt, Cần Thơ, một doanh nghiệp lúa gạo đang có quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng lớn, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo hiện nay đều phải đầu tư xây dựng nhà máy, kho chứa, máy móc, thiết bị (do hiện nay làm liên kết với các hợp tác xã nên cần cả máy sấy lúa), nếu không thì sẽ không thể hoạt động được, không có gạo để xuất khẩu. Bởi vậy, nhu cầu chính của các doanh nghiệp nói chung, Trung An nói riêng, là rất cần nguồn vốn.
“Nguồn vốn lưu động thì doanh nghiệp dễ sắp xếp, nhưng vốn trung và dài hạn thì khó khăn hơn. Vốn ngắn hạn để doanh nghiệp có nguồn thanh toán tiền lúa cho nông dân; vốn trung, dài hạn để đầu tư máy sấy lúa, kho chứa lúa, cơ cấu thời hạn trả nợ. Cái cần của doanh nghiệp bây giờ là vốn trung và dài hạn”, Tổng giám đốc Công ty Trung An nói về nhu cầu chính của doanh nghiệp hiện nay.
Cũng theo ông Phạm Thái Bình, Đề án 1 triệu ha lúa là rất lớn, khi triển khai thành công thì sẽ nhân rộng mô hình ra 1 triệu ha, 2 triệu ha. Trong điều kiện nguồn vốn được đáp ứng, vừa vay vốn ngắn hạn vừa vay vốn trung, dài hạn, thì chỉ cần các ngân hàng cho vay 4-5 tỷ USD, tất nhiên không phải vay ngay một lúc, mà từ nay đến năm 2030 có dự án nào thì cho vay dự án đó, thì riêng ngành lúa gạo sẽ không chỉ mang về 4,6 tỷ USD như hiện nay (kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước năm 2023) mà đảm bảo sẽ thu về 10 tỷ USD.
“Ngân hàng cho vay thôi, nhưng đất nước lại có thể thu về được luôn 10 tỷ USD xuất khẩu. Với kinh nghiệm 30 năm trong ngành lúa gạo, tôi đảm bảo điều đó”, ông Bình khẳng định với đoàn công tác.
Sau khi lắng nghe ý kiến của đại diện doanh nghiệp, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, các doanh nghiệp nếu cần vốn trung hạn thì sẽ được ngân hàng đáp ứng nhu cầu đầy đủ. Hiện tại Agribank đang thực hiện thí điểm, sẽ lấy đây (ý nói công ty Trung An) là một điểm thí điểm về cho vay trung dài hạn. Agribank sẽ là đầu mối để kêu gọi đồng tài trợ, cùng với ít nhất là 4 ngân hàng thương mại nhà nước, cùng vào cuộc và NHNN sẽ có chỉ đạo cụ thể sau Hội nghị ngày 7/11.
Song song đó, Phó Thống đốc cũng bổ sung, Trung An là một doanh nghiệp lớn về xuất khẩu gạo, mang ngoại tệ về cho đất nước, lại là doanh nghiệp đại chúng thì cần kêu gọi thêm vốn cổ phần, thay vì chỉ tập trung vay ngân hàng như hiện nay.
Tại Hội nghị Triển khai chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long sáng ngày 7/11 tổ chức ở Đồng Tháp, đại diện các doanh nghiệp như Công ty TNHH XNK Phương Thanh (Đồng Tháp); Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam (Vinarice- Kiên Giang); HTX nông nghiệp Phước Hảo (tỉnh Trà Vinh); Công ty Gạo Ông Thọ (Sóc Trăng); Công ty Trung An (Cần Thơ) cũng đều có chung kiến nghị tới Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng có dư nợ cho vay nhiều tại khu vực ĐBSCL như Agribank, BIDV, MB, LPBank, HDBank... về việc tạo điều kiện để cho vay vốn trung, dài hạn. Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định nhu cầu đó là rất cấp thiết và các ngân hàng sẽ triển khai cho vay, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn của bà con.
Phó thống đốc cũng thông tin, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định 1490/QĐ-TTg và tháng 10 vừa qua đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng và NHNN chi nhánh tỉnh, TP vùng ĐBSCL hướng dẫn triển khai Chương trình; Văn bản gửi: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL về phối hợp triển khai một số nội dung liên quan đến nhiệm vụ của Bộ, địa phương để các TCTD có cơ sở thực hiện cho vay theo Chương trình.
Liên quan đến chính sách tín dụng trong Chương trình, các khoản vay sẽ được lãi suất ưu đãi. Phó Thống đốc cũng khẳng định, việc giảm lãi suất này không phải lấy nguồn lực từ Ngân sách nhà nước, mà các TCTD chủ động cân đối nguồn vốn, tiết giảm chi phí để xem xét áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu 1%/năm so với lãi suất cho vay của kỳ hạn tương ứng đang áp dụng đối với khách hàng cùng kỳ hạn/cùng nhóm. Trong giai đoạn thí điểm từ nay (từ là ngày 7/11) tới cuối năm 2025, Agribank sẽ là ngân hàng chủ lực cho vay và giai đoạn mở rộng từ khi kết thúc thí điểm tới năm 2030 sẽ triển khai rộng rãi tại các TCTD.
Xem thêm tại cafef.vn