TGĐ VPBank: Tiền trong ngân hàng mà thừa hàng chục nghìn tỷ là phí phạm

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), cho biết tình trạng thừa tiền đang diễn ra tại các ngân hàng.

Ông cho rằng tiền trong ngân hàng mà thừa hàng chục nghìn tỷ là phí phạm. Nếu nói rằng ngân hàng không muốn cho vay là không đúng. Ngân hàng rất muốn, nhưng điều kiện nào để cho vay?, ông Vinh đặt vấn đề.

"Chúng tôi có hơn 40.000 doanh nghiệp, hạn mức cấp cho họ là 240.000 tỷ, hiện nay tổng giải ngân hơn 60.000 tỷ, còn lại không giải ngân được do nhiều lý do. Đấy là những doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn nhưng họ không có đầu ra, không có phương án. Lãi suất chỉ là một tròng các yếu tố. Những gì chúng ta đã đạt trong thời gian vừa qua là lãi suất giảm rất nhiều. Tôi cho rằng hiện nay phải tạo cơ hội cho các Hiệp hội", ông Vinh nêu quan điểm.

Theo ông, loạt giải pháp của ngành ngân hàng cùng với các hội nghị được tổ chức trong gần một năm vừa qua đã tạo nên những sự kiện thay đổi rất quan trọng với kết quả cụ thể, tích cực. Tuy nhiên, vấn đề là có tiếp tục duy trì được tất cả các giải pháp để hỗ trợ hay không.

"Tôi cho rằng chúng ta cần có những giải pháp cụ thể, đi vào chi tiết vì rất nhiều đề xuất, giải pháp ở tất cả các Hội nghị đều đưa ra", ông nói.

Ông Vinh bày tỏ mong muốn Nhà nước cần có một chương trình riêng để hỗ trợ bằng các chính sách tài khóa, bởi riêng chính sách tín dụng không thì không thể đủ.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng "cần xem lại lại xem tại sao một số chính sách đưa ra lại không chạy, có chính sách đưa ra giải ngân được ngay nhưng có những chính sách đưa ra 2 năm không giải ngân được. Qua đó rút kinh nghiệm để có một chương trình mới cho khách hàng, doanh nghiệp".

Về lãi suất, ông cho rằng Chính phủ và Ngân hàng nhà nước, các doanh nghiệp cũng muốn lãi suất giảm, điều đó rất chính đáng nhưng để giảm còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Các chuyên gia cũng phân tích lãi suất huy động giảm rất nhiều nhưng còn một yếu tố nữa rất quan trọng là các thủ tục, chi phí liên quan làm kìm hãm không thể giảm được lãi suất.

Ông cũng chỉ ra một vấn đề cần chú trọng mà hiện nay nước ta chưa làm được là kích cầu nội địa. Theo ông cần coi đây là một vấn đề lớn và có những chương trình cụ thể từ phía Chính phủ.

Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc VPBank cũng đề nghị cần có giải pháp cho vấn đề là xử lý nợ. Theo ông, nợ xấu hay còn gọi là nợ không sinh lời là một lĩnh vực sẽ tồn tại mãi mãi của ngành ngân hàng, nền kinh tế. Lĩnh vực xử lý nợ xấu phải là một đối tượng được Nhà nước cực kỳ quan tâm, cần có một bộ luật riêng để xử lý nợ xấu.

Theo ông Vinh, càng ngày các ngân hàng càng vấp phải vấn đề xử lý nợ, không chỉ nợ không thu hồi được tài sản, không dám cho vay mà còn tăng thêm chi phí, vốn. Nghị quyết 42 sẽ hết hạn tháng 12 này, tất cả các ngân hàng hiện nay đang lâm vào tình trạng không ai hỗ trợ ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo, ưu tiên thứ tự thu hồi nợ và các biện pháp khác.

"Ngày xưa chỉ cho vay tín chấp mới mất tiền, giờ cả vay thế chấp cũng phải 2 đến 3 năm mới xử lý được nợ", ông chia sẻ.

Do đó, ông Vinh đề nghị về dài hạn có một Bộ luật về vấn đề xử lý nợ xấu. Trong Bộ luật các tổ chức tín dụng ban hành vừa qua, rất nhiều điều hay nhưng riêng vấn đề xử lý nợ chỉ có 2, 3 điều. Trong lúc chờ đợi, ông Vinh đề nghị gia hạn Nghị quyết 42. 

Xem thêm tại vietnambiz.vn