Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia đồng loạt điều tra chống bán phá giá thép không gỉ Việt Nam, Hòa Phát rút lui vì thiếu lợi thế
Ngày 8/11, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết Bộ Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI) đã thông báo khởi xướng điều tra rà soát hành chính lệnh áp thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội có xuất xứ từ Việt Nam.
Việc rà soát hành chính được cơ quan này tự khởi xướng trên cơ sở thông tin về việc nguyên đơn Bahru Stainless Sdn. Bhd, công ty sản xuất duy nhất sản phẩm bị áp thuế, đã dừng sản xuất từ ngày 30/6/2024. Hàng hóa bị điều tra là thép không gỉ cán nguội dạng cuộn, tấm hoặc hình dạng khác, với mức thuế CBPG đang áp dụng cho Việt Nam là 7,81% - 23,84%.
Trước đó, giai đoạn tháng 6 - 10/2024, Hàn Quốc và Thái Lan cũng lần lượt khởi xướng điều tra thép không gỉ cán nguội có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam theo yêu cầu của Công ty TNHH Posco-Thainox Public và Công ty TNHH Posco.
Ảnh minh họa |
Theo Bộ Công Thương, việc các nước gia tăng điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây là do Việt Nam tiếp tục tận dụng hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng và gia tăng quy mô xuất khẩu hàng hóa. Trong khi đó, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm hơn nhiều so với dự báo. Mặt khác, sự gia tăng về lượng và quy mô này đã tạo ra sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa sản xuất nội địa của nước nhập khẩu. Các nước nhập khẩu nhận được nhiều yêu cầu điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất nội địa.
Tại Việt Nam, từ năm 2014 đến hiện tại, Bộ Công Thương đã áp dụng và duy trì thuế chống bán phá giá đối với thép không gỉ nhập khẩu từ 4 nước: Malaysia, Đài Loan, Indonesia và Trung Quốc.
Hòa Phát "buông tay" thép không gỉ
Về bức tranh thị trường, hiện nay, Việt Nam sản xuất khoảng gần 1 triệu tấn thép không gỉ cán nguội mỗi năm, so với toàn thế giới là 55 triệu tấn. Trong đó, nguồn tiêu thụ nội địa khoảng hơn 120.000 tấn (chiếm 12% - 15% sản lượng), còn lại là xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều không mặn mà với mặt hàng này. Hai cái tên nổi bật hiện tại đang sản xuất là Hòa Bình (Hưng Yên) và Posco (Đồng Nai).
Trước đó, Tập đoàn Hòa Phát từng đầu tư nghiên cứu thép không gỉ một cách bài bản trong thời gian khá dài, đồng thời hợp tác với Danieli - nhà sản xuất thép danh tiếng hàng đầu Italia. Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Chủ tịch Trần Đình Long bất ngờ công bố đã ngừng việc nghiên cứu và sản xuất thép không gỉ tại Việt Nam.
Nguyên nhân chính mà ông Long đưa ra là “Việt Nam không có lợi thế trong việc sản xuất thép không gỉ, do Việt Nam không có nguồn cung quặng nickel”. Nickel là một trong những nguyên liệu quan trọng nhất để chế tạo và đảm bảo chất lượng của thép không gỉ. Ở châu Á, hai nước có nguồn cung quặng nickel lớn là Trung Quốc và Indonesia. “Nếu Hòa Phát làm thì sẽ thua” - ông Long nhấn mạnh.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn