Tháng 7 đen tối của SMC: Cổ phiếu giảm 43% sau 1 tháng, bán trụ sở chính vẫn lỗ hơn 100 tỷ, hàng trăm tỷ nợ xấu với Novaland, lỗ 23% với cổ phiếu HBC
Ngay từ đầu phiên giao dịch đầu tiên của tháng 8, cổ phiếu SMC của CTCP Ðầu tư Thương mại SMC đã kịch biên độ 7% về mức 11.600 đồng/cp. Đây đã là phiên giảm sàn thứ ba liên tiếp của cổ phiếu này. Nhìn xa hơn, kể từ đầu tháng 7 cho tới nay thị giá của SMC đã giảm đến 43%.
KẾT THÚC CƠN HƯNG PHẤN CỦA CỔ PHIẾU ĐẦU CƠ NGÀNH THÉP
Trước đó, từ giữa tháng 4/2024 đến đầu tháng 7/2024, cổ phiếu SMC ghi nhận mức tăng 'phi mã' 100%, đạt hơn 20.000 đồng/cp - cao nhất trong 2 năm qua. SMC tăng mạnh trong bối cảnh BCTC quý 1 đã ẩn chứa những rủi ro từ các khoản phải thu, nợ xấu và kết quả kinh doanh chưa có nhiều khởi sắc từ hoạt động cốt lõi. Ngắt chuỗi thua lỗ nhiều quý trước, doanh nghiệp này báo lãi đậm trong quý 1/2024 nhưng là nhờ việc bán cổ phiếu NKG.
Đến cuối quý 1, tiến độ thu hồi các khoản nợ xấu vẫn “giậm chân tại chỗ” với các khoản nợ xấu lớn của nhóm Novaland: Công ty TNHH Delta-Valley Bình Thuận (440,7 tỷ), Công ty TNHH BĐS Đà Lạt Valley (169 tỷ), Công ty TNHH The Forest (131,5 tỷ) hay của Hưng Thịnh INCONS (63 tỷ).
Trong thời gian đó, ngoài yếu tố đầu cơ theo nhóm ngành thì nhà đầu tư cũng đã đặt một phần kỳ vọng vào câu chuyện nhà máy SMC Phú Mỹ - chuyên gia công vỏ máy giặt và vỏ tủ lạnh cho Samsung - dự kiến sẽ bắt đầu mang lại hiệu quả từ tháng 4/2024. Theo lãnh đạo SMC, công ty là nhà cung ứng nội địa 100% cho Samsung và là một bước tiến vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Theo kế hoạch, nhà máy này sẽ sản xuất 2 triệu sản phẩm trong năm nay và bắt đầu vào giai đoạn "hái quả" từ tháng 4/2024. Ngoài ra, SMC cũng đã bắt đầu tìm kiếm các khách hàng mới cho nhà máy này.
Gia công thép đang là mảng đóng góp 65% doanh thu của SMC bên cạnh thương mại thép xây dựng.
Báo cáo phân tích của ACBS còn kỳ vọng vào việc Doanh nghiệp dự kiến phát hành riêng lẻ 73 triệu cổ phiếu với giá 10.000đ/cp (mang về 730 tỷ đồng) và loại bỏ 1 số ngành nghề kinh doanh để tăng room khối ngoại – qua đó gia tăng dòng tiền để trả nợ vay, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
Qua giai đoạn hứng khởi, cổ phiếu SMC giảm mạnh trong bối cảnh bức tranh tài chính thực tế không mấy 'sáng sủa'. Cụ thể, trong quý 2/2024, Thép SMC doanh thu thuần đạt 2.240 tỷ, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước. Kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty này lỗ gộp 67 tỷ đồng.
Đáng chú ý, SMC ghi nhận thu nhập khác tăng đột biến lên hơn 172 tỷ đồng nhờ khoản thanh lý, nhượng bán tài sản cố định. Phần lớn đến từ việc bán trụ sở tại địa chỉ 681 Điện Biên Phủ, cũng thuộc phường 25, quận Bình Thạnh.
Dù vậy, SMC vẫn lỗ ròng 107 tỷ đồng trong quý vừa qua. Tính đến cuối quý 2/2024, SMC đã lỗ lũy kế hơn 92 tỷ đồng.
NỢ XẤU CHIẾM 25% TỔNG TÀI SẢN, LỖ 23% VỚI HBC
Tại thời điểm 30/6, SMC ghi nhận khoản ngắn hạn với 1.289 tỷ, trích lập 553 tỷ; còn lại là nợ xấu dài hạn 20 tỷ, đã trích lập toàn bộ. Tổng số nợ xấu của công ty này chiếm đến 25% tổng tài sản của công ty này. Trong danh sách nợ xấu của công ty này vẫn là các tên tuổi quen thuộc như Hưng Thịnh hay Novaland.
Trước đó, tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên của Thép SMC, lãnh đạo công ty cho biết khoản trích lập nợ xấu sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận. Do đó, công ty đang làm việc quyết liệt với Novaland và các đối tác khác.
Vị lãnh đạo này cũng khẳng định rằng SMC nhất định phải xử lý trong năm nay, có thể là trước thời điểm ngày 30/6. "Các phương án xử lý nợ bao gồm cả thu bằng tiền, hoán đổi cổ phiếu, nhận tài sản để cấn trừ công nợ. Nếu khả thi, SMC đều chấp nhận. Mục tiêu là phải xử lý trong năm nay để không phải trích lập thêm".
Đặc biệt, Thép SMC còn chịu lỗ khi sở hữu cổ phiếu HBC của Xây dựng Hòa Bình - doanh nghiệp sắp bị hủy niêm yết trên HoSE. Cụ thể, doanh nghiệp này đang sở hữu 105 tỷ đồng cổ phiếu HBC, hiện phải trích lập dự phòng 24 tỷ đồng, tức tạm lỗ khoảng 23% vào thời điểm cuối quý 2/2024. Được biết, Xây dựng Hoà Bình đã phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ, một trong những chủ nợ mua hoán đổi có SMC.
Thép SMC được thành lập từ năm 1988, tiền thân là cửa hàng vật liệu xây dựng số 15 thuộc trung tâm Bán buôn bán lẻ vật liệu xây dựng miền nam. Năm 2004, đơn vị này cổ phần hóa và chính thức hoạt động dưới tên gọi CTCP Đầu tư Thương mại SMC. Hai năm sau, công ty niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) với mã chứng khoán là SMC.
Lĩnh vực hoạt động chính của SMC là thương mại, gia công Coil Center và sản xuất các sản phẩm thép. Trong đó, thương mại thép (Thép xây dựng, thép tấm lá, thép hình, xà gồ) là lĩnh vực mũi nhọn, đóng góp tích cực về cả sản lượng và hiệu quả kinh doanh của công ty.
Xem thêm tại cafef.vn