Thanh tra thị trường vàng; phát hành trái phiếu bất động sản nóng trở lại
Doanh nghiệp địa ốc rầm rộ phát hành trái phiếu trở lại
Những dấu hiệu tích cực đã xuất hiện trên thị trường trái phiếu khi hoạt động phát hành bắt đầu sôi động trở lại. Dù vậy, thị trường vẫn trong cảnh “vàng thau lẫn lộn” khi lượng trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm ở mức thấp.
Báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho thấy, 4 tháng đầu năm nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 36.088 tỷ đồng, với 6 đợt phát hành ra công chúng và 30 đợt phát hành riêng lẻ. Riêng trong tháng 4/2024, có 12 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Không chỉ phát hành mới tăng trở lại, mà lượng mua lại trước hạn cũng giảm, cho thấy áp lực đáo hạn trái phiếu với doanh nghiệp đã bớt nặng nề. Tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu được mua lại trước hạn đạt 37.054 tỷ đồng, giảm 29,7% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, lượng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành trong 4 tháng đầu năm chiếm tới 51,2%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 22,5% của năm 2023.
Trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023, Bộ Tài chính cho biết, giai đoạn 2015 - 2023, có 330 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước, với tổng giá trị phát hành 726.335 tỷ đồng, kỳ hạn phát hành bình quân đạt 3,69 năm, lãi suất phát hành bình quân đạt 10,15%/năm. Như vậy, trung bình mỗi năm, các doanh nghiệp bất động sản phát hành gần 100.000 tỷ đồng trái phiếu.
Ngoài ra, giai đoạn 2015 - 2023, có 4 doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trái phiếu riêng lẻ ra thị trường quốc tế với tổng khối lượng là 2,18 tỷ USD.
Cũng theo Bộ Tài chính, dư nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ của doanh nghiệp bất động sản tại thời điểm ngày 5/3/2024 là gần 351.000 tỷ đồng. Không chỉ doanh nghiệp bất động sản, mà doanh nghiệp xây dựng cũng rầm rộ phát hành trái phiếu trở lại. Trong quý I/2024, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp ngành xây dựng và vật liệu xây dựng tăng cao gấp 2,6 lần cả năm 2023.
Giao dịch trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường thứ cấp cũng sôi động hơn. Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings cho hay, trong quý I/2024, giá trị giao dịch trung bình theo ngày đạt gần 4.000 tỷ đồng, cao gấp 22,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy sự chào đón của nhà đầu tư. Trong đó, ngành bất động sản chiếm gần 29% tổng giá trị giao dịch của thị trường.
Điểm đáng lưu ý nhất lúc này là áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vẫn rất lớn. Theo FiinRatings, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2024 và 2025 lần lượt là 254.900 tỷ đồng và 298.600 tỷ đồng, chủ yếu ở 2 nhóm ngành chính là ngân hàng và bất động sản. Tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp khó khăn trả nợ vẫn còn cao, hơn 66% trong số này thuộc về ngành bất động sản.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, cần phải đưa trái phiếu doanh nghiệp thành một thị trường huy động vốn chủ chốt của nền kinh tế. Về lâu dài, trái phiếu doanh nghiệp phải là kênh huy động vốn trung, dài hạn chính của doanh nghiệp.
“Hiện nay, ở Mỹ và châu Âu, tỷ lệ cho vay tiêu dùng chiếm 50-71% tổng dư nợ cho vay, tức ngân hàng chủ yếu cho vay ngắn hạn. Với nguồn vốn dài hạn, doanh nghiệp chủ yếu huy động qua thị trường trái phiếu, cổ phiếu. Ở Việt Nam, chúng ta còn phải làm rất nhiều điều để xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, đặc biệt là đẩy mạnh trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng và tăng xếp hạng tín nhiệm. Nếu thiết kế thị trường bài bản, Việt Nam sẽ có thị trường trái phiếu doanh nghiệp hàng đầu khu vực”, TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc phát triển văn hóa xếp hạng tín nhiệm sẽ góp phần tăng tính minh bạch, cải thiện niềm tin của nhà đầu tư, giúp hình thành đường cong lợi suất, định giá trái phiếu. Từ đó, tạo đà phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh và bền vững hơn, hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ nâng quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030 từ mức 10% GDP như hiện nay.
Dù vậy, tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm ở nước ta còn thấp. Theo FiinRatings, tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng ở các quốc gia ASEAN là 51%, cao nhất là Indonesia, Thái Lan, Malaysia (54-82%). Trong khi đó, tại Việt Nam, năm 2023 chứng kiến sự đột phá về khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành bởi các tổ chức đã được xếp hạng trên thị trường với 26.700 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần giá trị năm 2022, song chỉ chiếm khoảng 9% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
Riêng trong 4 tháng đầu năm nay, có 30 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá hơn 27.000 tỷ đồng, song lượng trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm chỉ chiếm 7,5% giá trị phát hành. Đáng mừng là, các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức, như các công ty quản lý quỹ, bảo hiểm, bắt đầu quan tâm và ứng dụng xếp hạng tín nhiệm trong hoạt động phân bổ danh mục tài sản, công tác quản trị đầu tư và quản trị rủi ro.
Ông Nguyễn Quang Thuân khuyến nghị, các nhà đầu tư cần hiểu ý nghĩa và vai trò của xếp hạng tín nhiệm để đưa ra quyết định đầu tư và quản trị rủi ro cho danh mục của mình.
5 bộ, ngành cùng thanh tra thị trường vàng; tổ chức 2 phiên đấu thầu vàng tuần sau
Ngày 17/5/2024, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 324/QĐ - TTGSNH2 thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng của các tổ chức tín dụng doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng.
Các nội dung thanh tra là: Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền; Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ; về kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế.
Nội dung của Quyết định của ngân hàng Nhà nước (NHNN) nêu rõ, thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2020 đến ngày 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.
Đoàn thanh tra có sự tham gia của đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ tài chính, Bộ Công thương. Thời gian thanh tra 45 ngày. Đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra theo đúng quy định của Luật thanh tra và các quy định có liên quan.
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính Phủ, NHNN đã triển khai giải pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua các phiên đấu thầu bán vàng miếng nhằm tăng cung trên thị trường. NHNN thực hiện công bố rộng rãi các thông tin liên quan đến việc đấu thầu, kết quả đấu thầu vàng miếng trên Cổng thông tin điện tử của NHNN. Từ 19/4/2024 đến nay, NHNN đã tổ chức 07 phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC với tổng khối lượng trúng thầu là 27.200 lượng (tương đương khoảng 1,02 tấn).
NHNN sẽ tiếp tục tổ chức 2 phiên đấu thầu vàng vào các ngày 21/5/2024 và 23/5/2024. Khối lượng vàng đặt thầu tối thiểu ở mức 500 lượng và khối lượng đặt tối đa là 4.000 lượng. Khối lượng vàng đấu thầu vẫn ở mức 16.800 lượng.
Thời gian tới đây, NHNN phối hợp cùng các cơ quan hữu quan sẽ tiếp tục quyết liệt triển khai các giải pháp tổng thể và toàn diện theo quy định với mục tiêu xử lý dứt điểm tình trạng chênh lệch ở mức cao giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế. Người dân cần thận trọng khi tham gia giao dịch vàng để giảm thiểu rủi ro.
Chỉ nên coi vàng là mặt hàng có tính thương mại hơn là có tính chất tiền tệ
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, nhập khẩu vàng là giải pháp căn cơ nhất để tăng cung, giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế. Không cần lo lắng về việc nếu được phép thì doanh nghiệp sẽ ào ào nhập khẩu vàng.
Đánh giá về các phiên đấu thầu vàng của ngân hàng Nhà nước, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra là tăng cung vàng, từ đó giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế.
Tuy vậy, đấu thầu không phải là giải pháp vẹn toàn để đạt mục tiêu này. Đấu thầu vàng, nếu có hiệu quả, cũng chỉ là ngắn hạn. Về lâu dài, mất cân bằng cung - cầu vẫn sẽ diễn ra, chênh lệch giá vàng vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao.
Câu hỏi đặt ra là tại sao từ năm 2020 đến nay chênh lệch giá vàng lại tăng mạnh? Theo các chuyên gia, có mấy nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Thứ nhất, cầu vàng trong nước hơn 3 năm qua tăng mạnh cùng với “sóng vàng” diễn ra trên thế giới.
Thứ hai, kiểm soát nhập lậu vàng từ năm 2020 đến nay diễn ra chặt chẽ hơn, dẫn tới nguồn cung khan hiếm hơn.
Ngoài ra, độc quyền vàng miếng SJC cũng khiến tình trạng khan vàng SJC trở nên căng thẳng.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, ngoài đấu thầu vàng, Ngân hàng Nhà nước cần sớm xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, bỏ độc quyền nhập khẩu và xuất khẩu vàng nguyên liệu, cho phép doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên liệu theo hạn ngạch. Nhà nước có thể quản lý vàng nhập khẩu thông qua chính sách thuế.
Với ý kiến lo ngại cho phép nhập khẩu vàng sẽ khiến vàng nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng: “Chả doanh nghiệp nào dại để nhập khẩu vàng nhiều, vì nhập nhiều, ế thì doanh nghiệp sẽ có nguy cơ thua lỗ”.
Theo chuyên gia này, các nước trên thế giới đều quản lý cung vàng trong nước thông qua chính sách thuế. Việt Nam cũng chỉ nên coi vàng là mặt hàng có tính thương mại hơn là mặt hàng có tính chất tiền tệ.
“Vàng không có ý nghĩa nào về chính sách tiền tệ, ngoại trừ khía cạnh dự trữ. Thay vì quá quan tâm đến vàng, chúng ta nên dành sự quan tâm cho các mặt hàng thiết yếu hơn, ví dụ xăng dầu. Theo tôi, quản lý vàng không quan trọng bằng quản lý giá xăng dầu. Vì xăng dầu tăng lập tức làm tăng lạm phát chi phí đẩy. Còn với vàng, do độc quyền, cấm nhập khẩu nên mới gây ra tình trạng này. Nếu chúng ta để tự do hóa thị trường vàng, thúc đẩy xuất khẩu vàng trang sức thì cân đối ngoại tệ không đáng lo”, ông Nghĩa nhận định.
Tổng giám đốc SJC: Độc quyền vàng miếng không mang lợi đến cho SJC?
Bà Lê Thúy Hằng, Tổng giám đốc Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn (SJC) khẳng định như vậy tại buổi họp báo ngày 16/5.
Tại buổi họp báo, bà Hằng đã có những trao đổi về việc được chọn là thương hiệu quốc gia cũng như biến động giá vàng miếng SJC.
Theo bà Hằng, năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Sau 12 năm thực thi, Nghị định này đã thành công nhất định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.
Đối với Công ty SJC, vàng miếng của doanh nghiệp được chọn làm thương hiệu quốc gia. Nhưng cũng từ đó, Công ty SJC không được nhập khẩu vàng, không được dập vàng miếng. Hiện chỉ được gia công vàng mót và kinh doanh vàng, bạc, đá quý đơn thuần.
Theo bà, các hoạt động gia công vàng miếng SJC đều được quản lý, giám sát bởi ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM.
Trong thời gian qua, giá vàng liên tục biến động, chênh lệch lớn với vàng thế giới. Bà Hằng khẳng định, SJC cũng như Ngân hàng Nhà nước không nhận được lợi ích gì từ biến động giá vàng, chênh lệch giá vàng thế giới.
Về tình trạng giá vàng trong nước tăng so với thế giới, CEO Công ty SJC cho rằng, trước biến động của tình hình thế giới như chiến tranh, lạm phát, còn trong nước các kênh chứng khoán, gửi tiết kiệm không còn hấp dẫn nên người dân lựa chọn vàng làm kênh đầu tư.
Theo bà Hằng, người dân có quyền mua vàng và đây là quyền lợi hợp pháp, còn các cơ quan chức năng chỉ chống đầu cơ.
“Nguồn cung không có, trong khi nhu cầu quá lớn, và là doanh nghiệp kinh doanh vàng, nên SJC phải cân đối. Nhiều doanh nghiệp vàng treo bảng giá mà có thể không bán. Nhưng đối với SJC, doanh nghiệp buộc phải bán cho mỗi người 1 lượng để có nguồn cung ra thị trường”, bà Hằng nói.
Theo bà Hằng, không bao giờ có chuyện khách đến mua mà không bán, đến bán mà không mua. Bên cạnh đó, đặc thù của doanh nghiệp kinh doanh vàng là khi mua về phải bán ngay nên tất cả số lượng vàng đấu thầu thành công phải bán liền cho người dân.
Tổng giám đốc Công ty SJC cũng cho rằng, SJC là doanh nghiệp được giao bình ổn thị trường, nếu gặp khó khăn nhất thì sẽ báo cáo cấp thẩm quyền để đảm bảo nguồn cung. Do đó, bà cho rằng nguồn cung vàng vẫn ổn định, người dân nên cân nhắc, lựa chọn thời điểm mua bán để tránh thiệt thòi.
Tuy vậy, từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thị trường vàng được thực thi, Tổng giám đốc SJC nhận định đây thể hiện sự thành công của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về chống vàng hóa nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô. Nhưng, hơn 12 năm qua, việc không dập thêm vàng miếng SJC dẫn đến việc cầu tăng nhiều hơn cung, dẫn đến áp lực cung cầu thị trường.
Do đó, bà cho rằng, Nhà nước cần xóa bỏ độc quyền vàng miếng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh vàng được dập vàng miếng, giúp đa dạng nguồn cung. Khi đó, người dân dựa vào uy tín, thương hiệu doanh nghiệp để lựa chọn mua sản phẩm.
“Độc quyền vàng miếng của SJC không mang lợi đến cho SJC”, bà Hằng một lần nữa khẳng định.
Tổng giám đốc SJC cũng đề nghị cho doanh nghiệp được nhập vàng để có nguồn nguyên liệu, giúp tránh tình trạng nhập lậu vàng. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần thanh kiểm tra để thị trường vàng phát triển lành mạnh, công bằng. Tất cả doanh nghiệp bán vàng phải xuất hóa đơn theo quy định.
Thông tin thêm về tình hình thị trường vàng, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết giá vàng biến động trong thời gian qua có nguyên nhân khách quan từ thị trường thế giới.
Trong đó, do sự xung đột địa chính trị quốc tế khiến các ngân hàng trung ương trên thế giới gom mua vàng, đẩy giá vàng lên cao. Từ đó, giá vàng trong nước bị tác động từ giá vàng thế giới.
Bên cạnh đó, vàng cũng được coi là một kênh đầu tư tài chính được ưa chuộng hơn một số loại hình đầu tư khác trong thời gian qua. Nhà đầu tư có xu hướng mua vàng, từ đó gây áp lực lên cung cầu, đẩy giá vàng lên cao.
Trước biến động giá vàng tăng cao, Ngân hàng Nhà nước đã và đang thực thi các chỉ đạo của Chính phủ trong đó có hoạt động tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC. Ông Lệnh cho rằng, đây là giải pháp nghiệp vụ của ngân hàng trung ương nhằm tăng nguồn cung vàng miếng cho thị trường, góp phần đảm bảo ổn định thị trường.
Ngoài ra, hoạt động này nhằm mục đích phát ra tín hiệu định hướng điều hành, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường vàng, không gây tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Trong trung và dài hạn, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quan sát, đánh giá toàn diện diễn biến thị trường vàng, từ đó có cơ sở điều chỉnh, bổ sung, khắc phục những hạn chế tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thị trường vàng.
“Bất kỳ cơ chế chính sách nào cũng vậy, sau một thời gian dài áp dụng, cần có những chỉnh sửa, bổ sung để phù hợp với thực tiễn”, ông nói và đồng thời cho biết trước mắt, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng miếng, tác động tới nguồn cung, ổn định thị trường.
Đồng thời, nâng cao công tác quản lý, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, đảm bảo các cơ sở kinh doanh vàng thực thi đúng theo quy định pháp luật, đảm bảo tính công khai minh bạch. Cùng với đó là đẩy mạnh kiểm tra việc xuất hóa đơn, chứng từ kế toán đúng theo quy định của Bộ Tài chính, triển khai đồng bộ xuất hóa đơn điện tử, đảm bảo giao dịch công khai, minh bạch.
Tín dụng cải thiện, lãi suất tiết kiệm thoát “đáy”
PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) phân tích, gần đây, lãi suất tiết kiệm bắt đầu tăng do tín dụng cải thiện, các ngân hàng chuẩn bị vốn để đón đầu nhu cầu tín dụng, đồng thời lãi suất tiền gửi tăng cũng nhằm giảm áp lực tỷ giá. Nhưng trước mắt, mặt bằng lãi suất tiền gửi khó tăng cao.
Vì sao gần đây, hầu hết ngân hàng đều tăng lãi suất tiền gửi trở lại, thưa ông?
Thời gian qua, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã xuống khá sâu, với kỳ hạn ngắn 1 - 3 tháng, lãi suất chỉ còn 1 - 2%/năm. Lãi suất xuống quá thấp khiến dòng tiền nhàn rỗi không còn mặn mà vào ngân hàng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê đến ngày 25/3/2024, huy động vốn (từ dân cư và tổ chức) của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với đầu năm. Trong khi đó, tín dụng bắt đầu tăng trưởng dương trở lại từ tháng 3 (đến cuối quý I/2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng gần 1,5%, sau khi âm 2 tháng đầu năm 2024).
Vì thế, để chuẩn bị thanh khoản đón đầu nhu cầu vốn thường cải thiện vào các quý cuối năm, các ngân hàng bắt đầu điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền gửi.
Mặt khác, nếu lãi suất giảm mạnh sẽ tác động lên tỷ giá khiến áp lực tỷ giá gia tăng. Trên thực tế, chỉ trong hơn 3 tháng đầu năm nay, tỷ giá đã tăng khoảng 5%. Đó cũng là lý do nhà điều hành mạnh tay hút tiền trong lưu thông, nhằm giảm áp lực tỷ giá.
Theo ông, liệu lãi suất tiết kiệm có tăng cao trong thời gian tới?
Như tôi vừa đề cập, lãi suất tiết kiệm tăng do tín dụng cải thiện, các ngân hàng chuẩn bị vốn để đón đầu nhu cầu tín dụng, đồng thời cũng nhằm giảm áp lực tỷ giá, song theo tôi, mặt bằng lãi suất tiền gửi khó tăng cao, ít nhất từ nay đến quý III/2024 và mức tăng cũng chỉ khoảng 1%.
Lý do là, để kích cầu dòng chảy tín dụng, các ngân hàng phải cạnh tranh về lãi suất cho vay, trong đó không ít ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay xuống thấp hơn lãi suất huy động ở kỳ hạn dài.
Vì thế, trong lúc này, khả năng nhà điều hành sẽ cân nhắc việc không đánh đổi lãi suất để cứu tỷ giá. Tôi cho rằng, để vực dậy nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, cần tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp ít nhất từ nay đến cuối năm 2024, nên lãi suất tiết kiệm khó lên cao.
Tín dụng bắt đầu tăng trưởng dương và được kỳ vọng tiếp tục cải thiện. Ông đánh giá thế nào về khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay?
Tăng trưởng tín dụng giảm trong 2 tháng đầu năm nay chủ yếu do tính chất mùa vụ đầu vào, thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán và do dư nợ đã tăng cao trong quý IV/2023. Thông thường, nhu cầu vốn của khách hàng sẽ tăng trở lại từ quý II và cải thiện dần trong các quý sau đó, nhất là từ đầu quý IV - mùa kinh doanh cao điểm.
Tín dụng được kỳ vọng sẽ cải thiện dần trong các tháng tới, nhất là khi mặt bằng lãi suất cho vay đang duy trì ở mức thấp. Nhưng theo quan điểm của tôi, khả năng cao tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ không đạt 15%, mà chỉ ở mức 10 - 11%, do kinh tế phục hồi chậm, nhu cầu vốn của khách hàng doanh nghiệp chưa cao, sức mua thị trường còn yếu, doanh nghiệp chưa mặn mà sử dụng vốn vay mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Trong khi đó, với khách hàng cá nhân, tuy nhu cầu vay vốn mua nhà, vay tiêu dùng luôn tăng cao, nhưng do thu nhập bị ảnh hưởng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nên chưa nhiều người dám nghĩ đến việc vay vốn mua nhà, cho dù lãi suất đã giảm.
Quay trở lại vấn đề tỷ giá, theo ông, tỷ giá sẽ diễn biến như thế nào trong thời gian tới, nhất là mùa cao điểm cuối năm?
Lãi suất tăng sẽ giúp giảm áp lực tỷ giá, song theo chu kỳ mùa vụ, thì áp lực tỷ giá sẽ còn quay trở lại từ cuối quý III và quý IV hằng năm.
Hiện không chỉ có các yếu tố bên ngoài tác động lên tỷ giá, như lộ trình cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Fed (dự kiến chưa sớm cắt giảm lãi suất USD vì lạm phát còn cao). Sức nóng của giá vàng thế giới đang tác động mạnh lên giá vàng trong nước. Thị trường vàng Việt Nam hiện nay vẫn độc quyền vàng miếng SJC, cung khan hiếm, nên chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lên đến hàng chục triệu đồng. Vì thế, khó có thể loại trừ nguồn vàng không chính ngạch vào thị trường, gây áp lực lên tỷ giá, bởi phải gom ngoại tệ mới mang được vàng qua biên giới…
Theo tôi, để ổn định thị trường vàng, giảm áp lực lên tỷ giá, nên xem xét cho nhập một lượng vàng chính ngạch trong hạn mức cho phép và sẽ không ảnh hưởng tới tỷ giá.
Chính sách tiền tệ liệu có đảo chiều khi lãi suất tăng, thưa ông?
Lãi suất tiết kiệm tăng chủ yếu do áp lực tỷ giá. Đồng thời, khả năng Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh lại lãi suất, bởi nếu chênh lệch lãi suất USD cao hơn lãi suất VND sẽ gây nhiều áp lực lên tỷ giá.
Vừa qua, áp lực tỷ giá lớn, nên nhà điều hành phải tăng hút tiền qua tín phiếu, nâng lãi suất để hạn chế việc rút vốn của khối ngoại cũng như hiện tượng đầu cơ tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước hút mạnh tiền về, nhưng hạn chế bơm tiền ra để giảm áp lực tỷ giá, trong khi việc sử dụng tiền tệ trong nền kinh tế bắt đầu tăng lên, tăng trưởng dư nợ tín dụng tăng dần từ tháng 3, thanh khoản của các ngân hàng bớt dồi dào, nên lãi suất bắt buộc phải tăng trở lại. Nếu duy trì mức lãi suất quá thấp sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá và ổn định vĩ mô, tỷ giá tăng và lạm phát sẽ quay trở lại cùng với nhiều yếu tố khác. Vì vậy, tăng lãi suất sẽ là xu hướng dài hạn.
Tăng trưởng kinh tế phục hồi trở lại, dù còn yếu. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng nỗ lực giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ, chia sẻ cùng khách hàng trong bối cảnh khó khăn. Do dó, khả năng chính sách tiền tệ tiếp tục duy trì nới lỏng để hỗ trợ kinh tế.
Tín dụng bất động sản tăng trong quý đầu năm 2024
Tín dụng bất động sản vẫn tăng trong hai tháng đầu năm nay trong bối cảnh dư nợ toàn ngành ngân hàng tăng trưởng âm. Tại một số nhà băng tăng trưởng dư nợ bất động sản tích cực.
Theo thống kê mới nhất của ngân hàng Nhà nước, tín dụng cho bất động sản và chứng khoán là hai lĩnh vực tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm 2024. Cụ thể, tín dụng bất động sản tăng 0,23% và tín dụng chứng khoán tăng 2,56% so với cuối năm 2023.
Trong báo cáo mới được công bố, Bộ Xây dựng dẫn số liệu của NHNN cũng cho biết, tính đến 29/2/2024 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt gần 1,114 triệu tỷ đồng, tăng hơn 20.700 tỷ đồng so với cuối năm 2023 (tương đương tăng 1,86%).
Trước đó, NHNN cho biết, dư nợ bất động sản đến cuối năm 2023 khoảng 2,88 triệu tỷ đồng, trong đó vay kinh doanh bất động sản khoảng 1,09 triệu tỷ đồng; vay tiêu dùng, tự sử dụng trong lĩnh vực bất động sản 1,79 triệu tỷ đồng. So sánh 2 dữ liệu trên, trong 2 tháng đầu năm, riêng cho vay kinh doanh bất động sản đã tăng dư nợ thêm ước khoảng hơn 20 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, mức tăng trưởng tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản cao hơn nhiều mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn nền kinh tế.
Theo số liệu của NHNN đưa ra, quy mô tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 2/2024 đạt 13.467.585 tỷ đồng, giảm 0,75% so với cuối năm 2023, tương ứng mức thu hẹp gần 101.393 tỷ đồng. Nhưng đến tín dụng tăng trưởng dương trở lại trong tháng 3/2024, lũy kế đến gần cuối tháng 3/2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng gần 1,4%.
Thực tế cũng cho thấy, kết thúc quý I/2024, cho vay bất động sản vẫn là lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao trong tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng bất chấp thị trường còn nhiều khó khăn. Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý I/2024, tín dụng Techcombank tăng 6,4% lên 563,9 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, tín dụng cho hoạt động kinh doanh bất động sản tăng hơn 17.000 tỷ đồng, lên hơn 194.000 tỷ đồng. Đây cũng là mảng chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng dư nợ cho vay của ngân hàng này, tương đương 35,98%. Ngoài Techcombank, bất động sản cũng góp phần không nhỏ trong tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng khác.
Còn tại MSB, lĩnh vực cho vay bất động sản và cơ sở hạ tầng tăng từ 8,83% ở cuối quý IV/2023 lên 13,42% vào cuối quý I/2024, tương đương khoảng hơn 7.792 tỷ đồng. Trong khi đó, tại SHB, kinh doanh bất động sản cũng là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 trong tăng trưởng tín dụng của ngân hàng, chiếm 16,65%.
Cho vay kinh doanh bất động sản vẫn là một trong những lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao nhất trong dư nợ tín dụng của VPBank tính đến hết quý I/2024, với mức tăng từ 19,53% cuối quý IV/2023 lên 20,25% trong quý I/2024.
Nhưng không chỉ lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhiều ngân hàng cũng mạnh tay trong cho vay bất động sản tiêu dùng. Cut thể, VPBank cho vay cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà ở cũng chiếm tới 16,88% trong tăng trưởng tín dụng quý I/2024.
Tương tự, tại Sacombank, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng giám đốc cũng cho vay, hiện dư nợ bất động sản khoảng 100.000 tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ cho vay nhưng phần lớn là cho vay bất động sản cá nhân. Còn dư nợ cho vay bất động sản Dự án của ngân hàng này chỉ có 9.000 tỷ đồng.
Về phía nhà điều hành, NHNN cũng đã có nhiều chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp thúc đẩy tín dụng, hỗ trợ tín dụng bất động sản, cho vay tiêu dùng (trong đó có cho vay bất động sản với khách hàng cá nhân), tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Đề xuất doanh nghiệp được kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất gia hạn thời gian cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN thêm 6 tháng, đến hết năm 2024.\
NHNN vừa công bố lấy ý kiến về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23 tháng 4 năm 2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Theo quy định hiện hành của Thông tư 02, thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ được thực hiện đến hết ngày 30/6/2024. Theo dự thảo Thông tư sửa đổi, thời hạn cơ cấu nợ được kéo dài thêm 6 tháng. Theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hết ngày 31/12/2024.
Theo NHNN, mặc dù kinh tế vĩ mô 2 tháng đầu năm 2024 cơ bản ổn định, nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, dự báo tiếp tục kéo dài trong năm 2024.
Chủ trương của Quốc hội và Chính phủ là tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2024. Do vậy, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư 02 sẽ góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, góp phần hỗ trợ phục hồi phát triển nền kinh tế.
Đối với hệ thống TCTD, Thông tư 02 quy định TCTD phải xác định số tiền dự phòng cụ thể phải trích đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng như trong trường hợp không áp dụng quy định giữ nguyên nhóm nợ và phải thực hiện trích lập bổ sung đầy đủ vào 31/12/2024.
Do vậy, đến 31/12/2024, TCTD đã có đủ nguồn tài chính để xử lý rủi ro như trong trường hợp TCTD thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định hiện hành (Thông tư 11/2021/TT-NHNN).
Vì vậy, NHNN cho rằng trường hợp kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư đến hết 31/12/2024 sẽ không ảnh hưởng đến cơ chế trích lập dự phòng rủi ro do kéo dài thời gian cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với hệ thống.
Ngoài ra, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến 31/12/2024 sẽ góp phần làm giảm mức độ gia tăng nợ xấu nội bảng của TCTD và tạo điều kiện cho TCTD thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, góp phần hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.
Xem thêm tại baodautu.vn