Thế giới Di động (MWG): Điều chờ đợi trong 8 năm qua sắp thành hiện thực?

Sau thành công của 2 chuỗi Thế giới Di động và Điện Máy Xanh, MWG đã bước chân vào mảng Bách Hóa Xanh với kỳ vọng mang về doanh thu tỷ USD và dẫn đầu ngành bán lẻ hàng tiêu dùng trong nước.

Sau 8 năm mở rộng, Bách Hóa Xanh sắp mang về được “trái ngọt” đầu tiên sau quá trình tái cấu trúc và lựa chọn chiến lược kinh doanh đúng đắn.

Cái giá phải trả cho những sai lầm

Vào tháng 11/2015, Thế giới Di động quyết định dấn thân sang Bách Hóa Xanh bằng việc mở cửa hàng đầu tiên tại quận Bình Tân - nơi có mật độ dân cao nhất tại TP. HCM với mặt hàng kinh doanh rau củ quả, hàng tươi sống và FMCGs.

Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau, chuỗi này mở rộng lên 238 cửa hàng nhưng đi kèm là khoản lỗ 556 tỷ đồng, gấp 10 lần so với khoản lỗ năm 2016.

Công ty sau đó bắt tay chuyển đổi mô hình từ truyền thống sang thiết kế “mở” bằng cách mở rộng diện tích cửa hàng từ 100m2 lên 450-500m2. Chuỗi cũng tiếp tục nâng số lượng cửa hàng lên 1.500.

Tuy nhiên, chiến lược này lại “phản tác dụng” khiến cho khoản lỗ của Bách Hóa Xanh tiếp tục phình to. Kết thúc năm 2020, công ty lỗ 1.734 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với 2018, gấp 31 lần so với 2016. Đây cũng là năm chuỗi bán lẻ này lỗ nặng nhất.

Bất chấp kết quả kinh doanh thua lỗ, công ty vẫn kiên trì với chiến lược mở rộng quy mô. Cuối năm 2022, Bách Hóa Xanh chốt sổ với con số 2.106 cửa hàng với lỗ lũy kế 7.395 tỷ đồng.

Thế giới Di động (MWG): Điều chờ đợi trong 8 năm qua sắp thành hiện thực?
Lũy kế đến cuối năm 2023, Bách Hóa Xanh ghi nhận khoản lỗ lên đến 8.300 tỷ đồng

Bước chuyển mình trong chặng đường tái cấu trúc

Trước những sai lầm về việc mở rộng mạng lưới quá nhanh, vào quý II/2022, Bách Hóa Xanh quyết định tái cấu trúc chuỗi. Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Hội đồng quản trị Thế Giới Di động - trở lại tiếp quản trực tiếp Bách Hóa Xanh sau đơn từ nhiệm của ông Trần Kinh Doanh - CEO gắn bó với chuỗi này từ những ngày đầu đặt nền móng.

Theo đó, ông Tài đã dừng việc mở rộng mạng lưới, đóng cửa 400 cửa hàng kinh doanh yếu kém và chỉ giữ lại hơn 1.697 chi nhánh.

Bách Hóa Xanh cũng thay đổi định vị từ mô hình chợ hiện đại sang “siêu thị mini” và đẩy mạnh thực hiện chiến lược giá tốt. Doanh nghiệp cũng chuyển hướng lựa chọn các nhà cung cấp lớn với chất lượng hàng ổn định. Nhờ đó, doanh số bán lẻ của hãng đã có nhiều cải thiện.

Bên cạnh đó, vào đầu tháng 4/2024, công ty đã công bố hoàn tất bán 5% cổ phần CTCP Đầu tư và Công nghệ Bách Hóa Xanh - doanh nghiệp sở hữu chuỗi Bách Hóa Xanh cho đối tác CDH Investment.

Dựa theo số liệu trên báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2024, công ty đã thu về 1.773,4 tỷ đồng tương ứng với 5% cổ phần Công ty Đầu tư và Công nghệ Bách Hóa Xanh, ứng với định giá 35.468 tỷ đồng.

Số tiền thu được từ thương vụ trên Thế giới Di động sẽ dùng để tài trợ nhu cầu hoạt động và phát triển kinh doanh của chuỗi Bách Hóa Xanh.

Thế giới Di động (MWG): Điều chờ đợi trong 8 năm qua sắp thành hiện thực?
Bách Hóa Xanh ghi nhận doanh thu tăng trưởng theo từng tháng hậu tái cấu trúc

Bách Hóa Xanh sắp thoát lỗ?

Trong ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào tháng 4/2024, ông Vũ Đăng Linh, Giám đốc Tài chính công ty cho biết: “Trong năm 2023, Bách Hóa Xanh ghi nhận khoản lỗ là 1.215 tỷ đồng. Năm nay, chúng tôi đặt mục tiêu tối thiểu của Bách Hóa Xanh là có lời và chúng tôi chạy theo mục tiêu đó”.

Nhờ sự cái cấu trúc toàn diện đã đưa doanh thu Bách Hóa Xanh tăng trưởng trở lại theo từng tháng. Đặc biệt, trong tháng 5/2024, doanh thu bình quân trên mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh đã cán mốc 2 tỷ đồng/tháng. Con số này ghi nhận ở mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Sự cải thiện đó đến từ chiến lược tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống và FMCGs giúp thu hút khách hàng mới và tăng tần suất khách hàng cũ quay trở lại. Qua đó, Bách Hóa Xanh được kỳ vọng là động lực tăng trưởng trong dài hạn của MWG.

Với con số doanh thu bình quân mỗi cửa hàng đạt 2 tỷ đồng/tháng nhiều khả năng chuỗi bách hóa của MWG sẽ có lãi trong năm nay theo nhận định của nhiều công ty chứng khoán như VCBS, BSC, ABS…

Xem thêm tại nguoiquansat.vn