Thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc tăng vì sao?

Ngày 14/6, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) thông báo hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ của Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh đầy đủ và hợp lệ. Trong vòng 45 ngày, tức chậm nhất ngày 29/7, Bộ Công Thương sẽ ra quyết định cuối cùng về việc có khởi xướng điều tra chống bán phá giá với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ hay không.

Việc xem xét điều tra chống bán phá giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh lượng HRC nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 đều ghi nhận sự tăng trưởng.

Tại buổi làm việc với Cục Phòng vệ thương mại, nhóm 8 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép trong đó có đại diện Hoa Sen (HSG), Thép Nam Kim (NKG), Tôn Đông Á (GDA)… khẳng định việc không có căn cứ pháp lý để khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ vì Tập đoàn Hòa Phát (HPG) hoặc một trong số các công ty con của Hòa Phát không đủ tư cách đại diện hợp pháp cho ngành sản xuất HRC trong nước để nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Các doanh nghiệp tôn mạ dẫn dữ liệu Hải quan cho biết, lượng HRC nhập khẩu từ Trung Quốc của các công ty con của Hòa Phát trong năm 2022 và 2023 lần lượt là 9.776 tấn và 305.400 tấn, tăng 295.624 tấn, tăng 3.024% so với năm 2022. Trong 3 tháng đầu năm 2024, các công ty con của Hòa Phát tiếp tục nhập khẩu 140.065 tấn HRC từ Trung Quốc, tăng 30.528 tấn, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023.

Thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc tăng vì sao?- Ảnh 1.

Một lần nữa, nhóm doanh nghiệp tôn mạ và ống thép cũng khẳng định việc không có thiệt hại và không bị đe doạ gây thiệt hại đáng kể cho các doanh nghiệp sản xuất HRC tại Việt Nam, ngược lại ngành HRC Việt Nam đang có nhiều lợi thế và dư địa phát triển.

Theo các doanh nghiệp tôn mạ, Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh hưởng lợi khi bán HRC cho các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam khi một số thị trường xuất khẩu đặc thù như Hoa Kỳ và Mexico đang có một số yêu cầu đặc biệt về nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu để sản xuất thành phẩm, khiến cho các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam luôn phải sử dụng và chấp nhận mua HRC có nguồn gốc từ Việt Nam với giá cao để sản xuất các lô hàng xuất khẩu sang 02 thị trường này.

Việc Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh giảm giá bán được lý giải do giá bán HRC trên thế giới chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó 2 yếu tố chính là chi phí sản xuất HRC của từng quốc gia và quan hệ cung cầu HRC tại từng thời điểm.

Thực trạng HRC nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh, lý do được viện dẫn gây “thiệt hại đáng kể”, hoặc là yếu tố “đe doạ gây ra thiệt hại đáng kể” hoặc “ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước” để Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ, theo các doanh nghiệp tôn mạ, nguyên nhân cốt lõi khiến cho lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh nằm ở nguồn cung HRC nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu HRC tại Việt Nam.

Dẫn số liệu Hải quan và Báo cáo Hiệp hội Thép Việt Nam, nhóm 8 doanh nghiệp tôn mạ cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, nhu cầu HRC tại Việt Nam lần lượt là 4.992.657 tấn và 7.429.755 tấn, nguồn cung HRC nội địa lần lượt là 1.696.004 tấn và 2.131.026 tấn, chỉ đáp ứng được lần lượt là 34% và 29% nhu cầu HRC tại Việt Nam.

Trong khi nhu cầu nội địa tăng, Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh tăng sản lượng HRC xuất khẩu nên sản lượng HRC bán tại thị trường nội địa trong năm 2022 và năm 2023 đã giảm mạnh khiến nguồn cung nội địa vốn không đáp ứng đủ nhu cầu HRC tại Việt Nam lại càng thiếu hụt nghiêm trọng hơn nữa.

Nửa đầu năm 2024, nhu cầu sử dụng nguyên liệu HRC tăng trong bối cảnh Chính phủ và các bộ, ngành đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong chính sách cho thị trường bất động sản; các địa phương, bộ, ngành đồng loạt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong triển khai các dự án hạ tầng giao thông.

Thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc tăng vì sao?- Ảnh 2.

Tuy nhiên, số lượng HRC mà Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh bán tại thị trường nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu HRC tại Việt Nam. Cụ thể, nguồn cung HRC nội địa trong 6 tháng đầu năm 2023 và 06 tháng đầu năm 2024 lần lượt là 1.696.004 tấn và 2.131.026 tấn, tăng nhẹ 435.022 tấn so với 06 tháng đầu năm 2023.

Việc HRC nhập từ Trung Quốc tăng do các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam bắt buộc phải tăng cường nhập khẩu HRC từ Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu tăng nhập khẩu 2.002.076 tấn HRC do nguồn cung HRC nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu, và bù đắp cho mức giảm nhập khẩu HRC từ các quốc gia khác là 165.632 tấn.

Trường hợp áp thuế chống bán phá giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ, theo các doanh nghiệp tôn mạ, mặt bằng giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc chắc chắn sẽ tăng lên vì cộng thêm thuế chống bán phá giá, và như vậy nguồn cung HRC từ Trung Quốc chắc chắn sẽ giảm xuống.

Trong khi đó, cung HRC nội địa từ Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh hiện không đáp ứng được nhu cầu HRC của Việt Nam. Hệ quả tất yếu là nguồn cung HRC vốn đã không đáp ứng đủ nhu cầu sẽ càng thiếu hụt trầm trọng nếu Việt Nam áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc. “Khi đó, theo quy luật cung cầu, giá HRC nội địa mua từ Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh chắc chắn sẽ tăng thêm bằng mức thuế chống bán phá giá so với mặt bằng giá HRC khi không có thuế chống bán phá giá”, nhóm doanh nghiệp tôn mạ nêu giả thuyết.

Xem thêm tại cafef.vn