Thị trường bất động sản đang đi vào “quỹ đạo” và dần khởi sắc

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, trên cơ sở diễn biến tình hình thị trường bất động sản TPHCM (chiếm khoảng 25-30% thị trường bất động sản cả nước), có thể nhận định thị trường bất động sản năm 2024 đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và chuyển sang giai đoạn phục hồi, tăng trưởng trở lại theo xu thế tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, năm sau tốt hơn năm trước.

Đáng chú ý, không ít "ông lớn" bất động sản vẫn lãi đậm nhờ tiêu thụ thành công lượng hàng tồn kho và bàn giao nhiều dự án trọng điểm. Báo cáo tài chính từ Công ty CP Vinhomes ghi nhận doanh thu thuần quý IV/2024 hơn 33.000 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với cùng kỳ 2023. Khoản lợi nhuận ròng trong quý của doanh nghiệp hơn 14.000 tỷ đồng, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, lợi nhuận hợp nhất sau thuế năm ngoái của Vinhomes đạt khoảng 35.052 tỷ đồng, tăng 4,5%.

Tương tự, Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang cũng ghi nhận kết quả kinh doanh 2024 khả quan, đạt doanh thu gần 3.280 tỷ đồng, tăng 57% và lợi nhuận ròng 810 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023. Các chỉ số này đều vượt kế hoạch đề ra, phần lớn doanh thu của công ty đến từ chuyển nhượng và bàn giao dự án bất động sản.

Công ty CP Đầu tư Nam Long cũng có một năm kinh doanh tích cực có gần 7.200 tỷ đồng doanh thu và khoảng 1.382 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2024, tăng lần lượt 126% và 73%, đồng thời vượt 68% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Nhiều "ông lớn" khác cũng có một năm bứt phá ngoạn mục như: Công ty CP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân đạt lợi nhuận ròng 33 tỷ đồng, cao nhất từ năm 2020. Công ty CP Đầu tư Văn Phú Invest tăng trưởng ấn tượng với doanh thu 749 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 101 tỷ đồng, tăng lần lượt 457% và 305%. An Gia lãi ròng gần 298 tỷ đồng, tăng 70% và vượt 19% kế hoạch năm…

Từ góc độ vĩ mô, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, sức bật của thị trường đang được trợ lực bởi nhiều yếu tố. Tiêu biểu là đà tăng trưởng kinh tế ổn định của Việt Nam trong giai đoạn 2024 - 2025. Song hành với đó là việc lạm phát được kiểm soát và lãi suất duy trì ở mức thấp.

Ngoài ra, những đột phá về thể chế, sự hoàn thiện trong quy hoạch các cấp và việc đẩy mạnh đầu tư công cũng được kỳ vọng sẽ trở thành đòn bẩy cho sự bứt phá của thị trường bất động sản. Đặc biệt, những áp lực về tài chính của doanh nghiệp địa ốc đã được gỡ bỏ dần và nhiều công ty đã thành công trong việc tiếp cận vốn, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Bên cạnh những thuận lợi, theo các chuyên gia, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn trong năm 2025. Kết quả phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn một số tỉnh, thành phố đông dân cư như TPHCM từ năm 2021 - 2024 quá khiêm tốn, chưa đạt chỉ tiêu đã đề ra.

Thời gian qua, hưởng ứng Chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030, đã có khoảng 15 tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản lớn đăng ký tham gia với hơn 1,5 triệu căn hộ.

Để thực hiện hiệu quả, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương bố trí đủ quỹ đất và thực hiện nhiều phương thức để tạo lập quỹ đất, nhất là tạo điều kiện để nhà đầu tư thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất và phương thức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Ngoài ra, để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động chuyển nhượng dự án cho hàng trăm dự án bất động sản, nhà ở thương mại “trùm mền” mà vẫn bảo đảm không làm thất thu ngân sách nhà nước, không làm thất thoát tài sản công là nguồn lực đất đai, HoREA kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét trình Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định trường hợp chủ đầu tư chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai thì chủ đầu tư nhận chuyển nhượng có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ này thay cho chủ đầu tư chuyển nhượng, không làm tăng giá bất động sản một cách bất hợp lý.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn