Thị trường chứng khoán trong nước quay lại đà giảm sau tuần phục hồi về điểm số tuần trước. Thị trường trong nước khởi đầu tuần với thông tin tiêu cực từ xung đột tại Trung Đông. VN-Index chịu sức ép bán rất lớn khiến chỉ số VN-Index mất gần 60 điểm và chính thức mất mốc 1.250 điểm. Thị trường tiếp tục bị gia tăng sức ép từ bên bán nên điểm số vẫn giảm khá mạnh và đóng cửa phiên cuối tuần lùi xa khỏi mốc kháng cự 1.200 điểm.
Đóng cửa phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index giảm mạnh 101,75 điểm (-7,97%) và đóng cửa ở 1.174,85 điểm - đây là tuần giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 10/2022 đến nay. |
Theo đó, đóng cửa phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index giảm mạnh 101,75 điểm (-7,97%) và đóng cửa ở 1.174,85 điểm. Như vậy, đây là tuần giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 10/2022 đến nay. Trên sàn Hà Nội, các chỉ số chính cũng trải qua một tuần biến động rất mạnh theo chiều hướng giảm. Theo đó, chỉ số HNX-Index kết thúc tuần tại 220,8 điểm, giảm -8,51% so với tuần trước; chỉ số UPCoM-Index cũng giảm -4,44%, chỉ còn 87,16 điểm.
Không chỉ có điểm số, các nhóm ngành phần đa cũng giảm và mặt bằng giá các cổ phiếu cũng giảm sâu. Sắc đỏ bao trùm khi các cổ phiếu giảm trên diện rộng.
Trong tuần, nhóm cổ phiếu bất động sản dẫn đầu đà giảm với thanh khoản tăng đột biến. Ngoại trừ mã QCG tăng bất ngờ +23,45%, thì nhiều mã bất động sản giảm trên 20% trong tuần như: FIR (-23,45%), CEO (-21,33%), DXG (-21,21%)…
Dù mức giảm nhẹ hơn, song các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp trong tuần cũng có diễn biến giảm sâu như: DTD (-16,20%), KBC (-16,17%), BCM (-15,41%), VGC (-13,23%)…
Cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính, chứng khoán cũng không ngoại lệ và có mức giảm sâu, điển hình như: BSI (-20,70%), FTS (-18,70%), VDS (-17,31%), VIX (-16,41%)... Các cổ phiếu ngân hàng hầu hết cũng chịu áp lực bán mạnh và giảm khá sâu như: CTG (-11,98%), TPB (-11,23%), NVB (-10,68%), BID (-9,46%)... Trong khi đó, trong nhóm ngân hàng cũng có một số cổ phiếu “lội ngược dòng” so với thị trường chung như: LPB (+2,81%), SGB (+0,68%)…
Các nhóm ngành khác như cổ phiếu dầu khí cũng chịu áp lực bán mạnh với CNG (-17,47%), POS (-16,48%), PVC (-13,41%), PVS (-10,70%)... Nhóm cổ phiếu xây dựng, vật liệu xây dựng cũng giảm sâu như: DPG (-18,28%), KSB (-18,26%), HHV (-17,22%), FCN (-16,88%)...
Ngoài ra, các mã cổ phiếu nhóm phân bón, hóa chất cũng giảm như: LAS (-12,89%), DPM (-10,09%), BFC (-9,92%), CSV (-14,94%), DGC (-9,40%)... Các mã ngành thủy sản, nông nghiệp cũng không ngoại lệ như: SBT (-16,02%), DBC (-15,86%), PAN (-13.53%), IDI (-12,35%), ANV (-10,84%)...
Thanh khoản thị trường chứng khoán tuần qua tăng mạnh và trở về mức rất cao như hồi tháng 3/2024. Tổng giá trị giao dịch bình quân trên cả 3 sàn đạt 30.075 tỷ đồng/phiên, tăng khoảng +40,8% so với thanh khoản bình quân phiên tuần kế trước. Mức tăng của thanh khoản khá tốt trên cả 3 sàn, trong đó: giá trị giao dịch bình quân phiên trên HOSE, HNX, UPCoM đạt lần lượt 26.640 tỷ đồng/phiên, 2.635 tỷ đồng/phiên, 800 tỷ đồng/phiên, tương đương với mức tăng +40,4%, +50,6%, và +25,2%.
Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng giao dịch, nhưng cũng gia tăng về giá trị bán ròng. Dù mua ròng khá trong phiên cuối tuần, nhưng tính chung cả tuần, khối ngoại vẫn bán ròng 1.468 tỷ đồng, tăng khá lớn so với tuần trước (-971 tỷ đồng). Khối ngoại chủ yếu bán ròng mạnh trên HOSE với -1.519 tỷ đồng; trong khi mua ròng +15 tỷ đồng trên HNX và +36 tỷ đồng trên UPCoM.
Như vậy, khối ngoại tiếp tục gia tăng con số bán ròng tính từ đầu năm, khi giá trị lũy kế đạt 16.024 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán trong nước tuần qua chịu tác động của nhiều thông tin tiêu cực, trong đó, điểm nhấn là các yếu tố quốc tế. Ở trong nước, trong thông tin mùa đại hội cổ đông và kết quả kinh doanh có vẻ mờ nhạt, thì thông tin tỷ giá “rất nóng” đã tác động lớn tới tâm lý của nhà đầu tư.
Trong khi đó, trên thế giới, xung đột leo thang ở Trung Đông đã tác động mạnh tới thị trường. Bên cạnh đó, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết nền kinh tế Mỹ vẫn chưa cho thấy dấu hiệu lạm phát sẽ quay trở lại mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.
Với nội tại thị trường chứng khoán, những thông tin không thuận lợi, kết hợp với tính chu kỳ điều chỉnh sau giai đoạn tăng dài đã tạo sức ép bán rất lớn. Về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index giảm đột ngột với biên độ lớn và nhanh chóng để mất các ngưỡng hỗ trợ quan trọng khiến tâm lý nhà đầu tư chuyển nhanh sang tiêu cực.
Chỉ số VN-Index có thể sẽ “test” ngưỡng hỗ trợ cứng hơn tại 1.150 điểm hoặc xa hơn là 1.100 điểm. Lực cầu nhiều khả năng sẽ xuất hiện ở các vùng điểm này bởi nhiều cổ phiếu đã về mặt bằng giá rất hấp dẫn. |
Điểm đáng chú ý là thanh khoản vẫn khá tốt. Mặt bằng giá giảm sâu và nhanh có nghĩa là khả năng hồi phục cũng có thể nhanh hơn. Minh chứng là thanh khoản tăng tốt với lượng khớp lệnh cao. Thực tế, ngay trong các phiên giảm đều có lực cầu bắt đáy xuất hiện. Điều đáng tiếc là lực cầu chưa đủ mạnh để lấn át lực bán, tuy nhiên điều đó cũng khá bình thường khi thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh mạnh.
Thị trường chứng khoán tuần mới có thể áp lực bán sẽ giảm đáng kể, mặc dù xu hướng giảm ngắn hạn vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Chỉ số VN-Index có thể sẽ “test” ngưỡng hỗ trợ cứng hơn tại 1.150 điểm hoặc xa hơn là 1.100 điểm. Lực cầu nhiều khả năng sẽ xuất hiện ở các vùng điểm này bởi nhiều cổ phiếu đã về mặt bằng giá rất hấp dẫn. Bên cạnh đó, thông tin tích cực liên quan tới hệ thống công nghệ thông tin KRX có thể giúp nhà đầu tư lấy lại kỳ vọng.
Ngoài ra, tỷ giá có thể sẽ dịu bớt nếu việc bán USD của Ngân hàng Nhà nước mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, tất cả đó chỉ là giả thiết, quan trọng nhất của thị trường lúc này là bên bán giảm lực và bên mua tăng lực. Dòng tiền đang chờ nhập cuộc nếu lên tiếng thì thị trường sẽ sáng cửa để phục hồi và ngược lại.
Trong bối cảnh rủi ro ngắn hạn vẫn hiện hữu, sự bình tĩnh và duy trì tỷ trọng an toàn danh mục sẽ là quan trọng nhất. Tuy nhiên, mặt bằng giá đã giảm sâu, chiến lược mua gom có thể sẽ được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Bởi nhiều ý kiến đều cho nhận định, thị trường đang chịu sức ép điều chỉnh ngắn hạn, nhưng xu hướng tăng trung, dài hạn vẫn đang duy trì./.