Thị trường chứng khoán cần bước chuyển mới

Sau 24 năm, hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán (TTCK) đã mang một diện mạo mới, một sự phát triển mạnh mẽ trên nhiều khía cạnh như cung - cầu chứng khoán, tổ chức hoạt động, vốn hoá, thanh khoản thị trường…

"Chiếc áo" đã chật

Từ 2 mã chứng khoán ban đầu, đến hết tháng 5/2024 trên thị trường đã có 2.183 mã chứng khoán giao dịch, trong đó 1.589 mã chứng khoán niêm yết và đăng ký trên 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM, 15 mã chứng chỉ quỹ ETF, 4 mã chứng chỉ quỹ đóng, 114 chứng quyền có bảo đảm, 395 mã trái phiếu chính phủ, 66 mã trái phiếu doanh nghiệp.

Khối lượng chứng khoán niêm yết và đăng ký giao dịch tăng từ mức 32,1 triệu cổ phiếu vào cuối năm 2000 lên 237,6 tỷ chứng khoán vào cuối tháng 5/2024, trong đó tính riêng cổ phiếu là 170,8 tỷ đơn vị.

-2253-1721728185.png

TTCK đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Bên cạnh thị trường cơ sở, các sản phẩm phái sinh ra đời từ năm 2017 và ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ. Sau 7 năm hoạt động, TTCK phái sinh đã có bước tăng trưởng rất tốt, ổn định và thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư tham gia. Qua đó, quy mô thị trường và thanh khoản của sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30 có sự tăng trưởng mạnh mẽ, với mức tăng bình quân 38,6%/năm trong giai đoạn 2018 - 2022, trong đó năm 2020 có tốc độ tăng trưởng cao nhất là 79,9%, năm 2022 tăng trưởng 43,8%. Tính từ đầu năm 2024 đến hết tháng 5, khối lượng giao dịch bình quân đạt 21.900 hợp đồng/phiên, giá trị giao dịch bình quân đạt 27.200 tỷ đồng. Số tài khoản nhà đầu tư phái sinh đạt 1,5 triệu vào cuối năm 2023.

Vốn hoá toàn thị trường ghi nhận tăng trưởng vượt bậc, vượt mục tiêu đặt ra. Tính đến cuối quý II/2024, vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM đạt 7,1 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2023 và tương đương 69,1% GDP ước tính năm 2023. Riêng xét về giá trị giao dịch mỗi phiên trên 3 sàn, thanh khoản TTCK Việt Nam gần như đứng nhất nhì tại Đông Nam Á.

Nhìn chung, TTCK đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Quy mô huy động vốn qua TTCK giai đoạn 2011 - 2020 đạt gần 2,9 triệu tỷ đồng, gấp gần 10 lần so với giai đoạn 2001 - 2010, đóng góp bình quân 19,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; góp phần cơ cấu lại hệ thống tài chính Việt Nam theo hướng cân đối, bền vững hơn.

Hiện nay, TTCK Việt Nam đang tiến gần hơn với các chuẩn mực quốc tế, phát triển theo hướng ngày càng hiện đại, bền vững, công khai, minh bạch hơn, thể hiện qua sự tham gia tích cực vào các sáng kiến tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Thị Chân Phương, với độ lớn đạt được, chứng khoán Việt Nam "giống như người mặc chiếc áo đã chật" và cần bước tiến mới. Trong đó, vấn đề nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi đang là mối quan tâm hàng đầu.

Việc nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi được kỳ vọng không những sẽ góp phần nâng cao hình ảnh môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung mà còn giúp hình thành một TTCK Việt Nam phát triển sôi động hơn, minh bạch hơn, có thêm nhiều doanh nghiệp mới niêm yết, thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia; từ đó giúp TTCK thực sự trở thành một kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế và đem lại nhiều cơ hội cho các chủ thể tham gia thị trường.

Đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm

Để đạt được mục tiêu chiến lược đề ra, các chuyên gia đã đưa ra một số nhóm giải pháp trọng tâm cần tập trung thực hiện.

Trước hết, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật: nghiên cứu, đề xuất và xây dựng các văn bản pháp luật nhằm kịp thời khắc phục các bất cập trong thực tiễn hoạt động TTCK và đáp ứng yêu cầu phát triển mới, bảo đảm tính toàn diện của khung pháp lý quản lý hoạt động trên TTCK, phù hợp với tình hình trong nước và thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, mở rộng cung hàng hoá trên thị trường. Về phát triển thị trường cổ phiếu: khuyến khích các loại hình doanh nghiệp thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK; thu hút các doanh nghiệp có quy mô lớn, tình hình tài chính, quản trị công ty tốt thực hiện niêm yết trên TTCK; hỗ trợ việc hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa.

Về phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: thúc đẩy việc chào bán trái phiếu ra công chúng gắn với niêm yết; khuyến khích các doanh nghiệp phát hành đa dạng các loại trái phiếu phù hợp với nhu cầu huy động vốn; phát triển các sản phẩm trái phiếu cho mục tiêu thực hiện dự án, dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Về phát triển sản phẩm chứng khoán phái sinh và các sản phẩm mới: tiếp tục triển khai sản phẩm hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số chứng khoán và hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ; từng bước triển khai hợp đồng quyền chọn chỉ số chứng khoán, các sản phẩm hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn dựa trên cổ phiếu đơn lẻ hoặc nhóm cổ phiếu; cải tiến chất lượng chỉ số hiện hành, sửa đổi bộ quy tắc chỉ số phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời phát triển thêm các chỉ số cơ sở để làm tài sản cơ sở cho TTCK phái sinh, hướng tới phát triển đa dạng các sản phẩm phái sinh dựa trên nhiều tài sản cơ sở khác nhau.

Cùng với đó, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư trong nước và thu hút nhà đầu tư nước ngoài: phát triển các nhà đầu tư tổ chức trong nước, trong đó chú trọng phát triển các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán; nghiên cứu xây dựng các văn bản pháp luật đối với loại hình quỹ đầu tư vào thị trường tiền tệ (money market funds), các loại hình chứng chỉ quỹ ETF phức hợp (leverage/inverse ETF), quỹ của quỹ (fund of funds)... phù hợp với trình độ phát triển của TTCK, hướng tới cơ cấu hợp lý giữa nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, thúc đẩy TTCK phát triển theo hướng bền vững.

Cuối cùng, tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào TTCK Việt Nam; tăng cường tính minh bạch trong hoạt động thị trường, đảm bảo quyền bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc khuyến khích các tổ chức niêm yết, công ty đại chúng thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh; đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp nhằm nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Chú trọng phát triển nhà đầu tư tổ chức

Trong các biện pháp trọng tâm, để tăng tính ổn định của TTCK, nhiều ý kiến cho rằng tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức cần được nâng lên, dư địa hút vốn từ nhóm này còn rất lớn.

“TTCK muốn phát triển bền vững thì nhà đầu tư tổ chức phải chiếm tỷ trọng lớn. Hiện, số lượng tài khoản nhà đầu tư trên thị trường gần 8 triệu, nhưng nhìn về cơ cấu, lượng tài khoản của nhà đầu tư tổ chức rất khiêm tốn. Đây là điểm chưa mạnh, chưa bền vững của TTCK Việt Nam. Bộ Tài chính, UBCKNN đã nhận ra vấn đề này từ lâu, báo cáo Chính phủ và xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển thị trường giai đoạn tới là phát triển nhà đầu tư tổ chức”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch UBCKNN cũng cho rằng việc nhà đầu tư cá nhân đang chiếm tỷ trọng hơn trên 90% cũng là một trong những yếu tố khiến TTCK chưa ổn định, chịu ảnh hưởng nhiều bởi tâm lý nhà đầu tư. Tại các thị trường phát triển, tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức thường chiếm tới 50-60%.

Chủ tịch UBCKNN nhấn mạnh, việc nâng hạng phụ thuộc vào đánh giá khách quan của các tổ chức xếp hạng quốc tế thông qua trải nghiệm thực tế của nhà đầu tư nước ngoài, cần sự chung sức của nhiều bên.

"Thị trường muốn phát triển bền vững thì nhà đầu tư tổ chức phải chiếm tỷ trọng lớn. Hiện, số lượng tài khoản nhà đầu tư trên thị trường gần 8 triệu. Nhưng nhìn về cơ cấu, lượng tài khoản của nhà đầu tư tổ chức rất khiêm tốn”, Chủ tịch UBCKNN nói.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho rằng việc xây dựng giải pháp thu hút nhà đầu tư tổ chức cần tập trung và ưu tiên một số nhóm nhà đầu tư tổ chức nhất định. Việt Nam hiện có khoảng 110 quỹ nội địa nhưng giá trị tài sản quản lý mới đạt 74.000 tỷ đồng, quá nhỏ trong khi tiềm năng rất lớn. Nhóm các công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư bảo hiểm có tổng tài sản 906 nghìn tỷ đồng (tính đến cuối năm 2023), nhưng tỷ lệ phân bổ vào trái phiếu doanh nghiệp và cổ phiếu còn rất nhỏ.

Bên cạnh đó, tỷ lệ sở hữu được tự do chuyển nhượng (free-float) trên TTCK Việt Nam ở mức tương đối thấp, ước tính khoảng 45,5%. Cùng với tiến trình thoái vốn nhà nước ở nhiều doanh nghiệp, dư địa để thu hút thêm nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước còn rất lớn.

Dự thảo Thông tư về thanh toán bù trừ mới được UBCKNN công bố đã bỏ điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải ký quỹ đủ 100% trước khi giao dịch. Đây vốn là một trong những điểm nghẽn trong tiến trình nâng hạng thị trường được các tổ chức xếp hạng khuyến nghị Việt Nam gỡ bỏ.

Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), các nhà đầu tư tổ chức trong và nước ngoài muốn tham gia mua bán cổ phần nhà nước không dễ. Nhiều nhà đầu tư tổ chức nước ngoài muốn thực hiện giao dịch theo phương thức thỏa thuận trong khi việc thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện thông qua đấu giá, công bố thông tin theo quy định.

Hải Giang

Xem thêm tại vnbusiness.vn