Thị trường chứng khoán có lo ngại hiệu ứng tháng Ngâu?
Nhà đầu tư khi quyết định đầu tư lớn thường cho rằng tháng Ngâu là thời gian không tốt. Ảnh tư liệu

Kỳ vọng tâm lý được “cởi bỏ”

Nhận định về diễn biến của thị trường chứng khoán giai đoạn vừa qua, các chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt đánh giá, trong tháng 7, chỉ số VN-Index tiếp tục rung lắc mạnh trong biên độ 1.200 - 1.300 điểm với tâm lý thận trọng bao trùm. Với việc liên tiếp bứt phá thất bại ngưỡng kháng cự gần 1.300 điểm và những tuần giảm điểm mạnh xuất hiện với tần suất cao hơn, rủi ro điều chỉnh sâu đang tiềm ẩn nếu VN-Index xuyên thủng vùng 1.200 - 1.230 điểm. Bên cạnh đó, giá trị giao dịch tính đến ngày 31/7 đạt 349,1 nghìn tỷ đồng, sụt giảm 11,7% so với tháng trước. Thanh khoản tăng cao vào những nhịp điều chỉnh mạnh, trong khi phiên phục hồi diễn ra với thanh khoản thấp. Diễn biến này cho thấy sự thận trọng của dòng tiền với kịch bản tích cực của thị trường.

Lợi nhuận doanh nghiệp tăng khoảng 16,5% - 17%

Theo thập số liệu của BSC với khoảng 80 doanh nghiệp và chiếm phần lớn khoảng hơn 70% vốn hóa của thị trường chứng khoán năm 2024, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp khoảng 16,5% cho đến 17%, kỳ vọng năm 2025 sẽ còn lớn hơn so với số đó. Đây là một yếu tố rất quan trọng và nó đảm bảo cho việc nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ tiếp tục quan tâm đến thị trường, đặc biệt khi Việt Nam có những bước tiến gần hơn đến thị trường mới nổi.

Ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, thị trường chứng khoán giai đoạn vừa qua đang ở trong trạng thái chưa xác định được xu hướng với các phiên giao dịch tăng giảm đan xen ở biên độ hẹp. Bên cạnh đó, giá trị giao dịch sụt giảm, ước tính giảm từ 20 - 30% so với trước, điều này cho thấy tâm tý thận trọng chưa sẵn sàng tham gia vào thị trường của nhà đầu tư.

Bước sang tháng 8, cũng trùng vào tháng 7 âm lịch, theo quan niệm đây còn gọi là tháng Ngâu, là thời điểm kém may mắn. Do đó, giới kinh doanh nói chung và đầu tư chứng khoán nói riêng thường có tâm lý kiêng kỵ. Dù vậy, giới phân tích từ các công ty chứng khoán vẫn cho rằng, tâm lý nhà đầu tư đang được “cởi bỏ” trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp khả quan hơn, cơ quan quản lý cũng đang nỗ lực nâng hạng cho thị trường chứng khoán.

Thực tế cho thấy, thống kê tháng 7 âm lịch bình quân trong 12 năm (2010 - 2021), UPCoM-Index tăng 1,62%, tiếp theo là HNX-Index tăng 0,77%, VN-Index tăng 0,35%, kém nhất là VN30-Index với mức tăng 0,25%. Xét trung bình tháng 7 âm lịch trong khoảng thời gian 5 năm gần đây, VN-Index tăng 1,93%, VN30-Index tăng 2,16%, UPCoM tăng 2,08%, HNX-Index tăng tới 4,18%.

Số liệu trong hai năm gần đây cũng cho thấy, chỉ số VN-Index đều tăng điểm trong tháng 8. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8/2022, chỉ số VN-Index đạt 1.280,51 điểm, tăng 6,15% so với tháng 7/2022. Trong năm 2023, chỉ số VNIndex đạt 1.224,05 điểm, tăng 0,09% so với tháng 7 và tăng 21,54% so với cuối năm 2022. Như vậy, có thể thấy rằng, tháng 7 âm lịch không đáng sợ với thị trường chứng khoán, ngược lại, tháng này xác suất thị trường tăng điểm cao hơn. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán muốn đi lên thì cần căn cứ vào diễn biến hiện tại như yếu tố dòng tiền, kinh tế vĩ mô, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp…

Thị trường có thể dao động trong ngắn hạn

Ông Trương Hiền Phương nhận định, tháng 7 âm lịch thường thị trường chứng khoán cũng có phần giao dịch trầm nắng hơn. Tuy nhiên, khác với mọi năm, thị trường thường tăng điểm tích cực và có phần phấn khởi sau kết quả kinh doanh quý II thì năm nay ngược lại, mặc dù kết quả kinh doanh cũng được công bố gần hết nhưng thị trường khá trầm lắng. Bản thân thị trường cũng tăng giảm đan xen với số lượng giảm nhiều hơn, những phiên tăng điểm đâu đó vẫn có hiện tượng "xanh vỏ đỏ lòng", nghĩa là điểm số tăng nhưng nhiều cổ phiếu giảm giá.

“Tháng Ngâu năm nay, những gì không tích cực đã diễn ra nên chúng ta có thể kỳ vọng thị trường không còn lý do để giảm nữa. Nếu không có những thông tin xấu, bất lợi có thể hiểu đây là vùng định giá hấp dẫn để giải ngân cho trung và dài hạn” - ông Phương kỳ vọng.

Trong khi đó, ông Trần Thăng Long - Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, rất nhiều nhà đầu tư, không chỉ là nhà đầu tư chứng khoán khi xem xét những quyết định đầu tư lớn thường cho rằng tháng Ngâu là thời gian không tốt. Tuy nhiên, một thống kê kể từ khi thành lập thị trường chứng khoán Việt Nam đến nay cho thấy, trong hơn 23 lần tháng Ngâu, chúng ta có khoảng 14 lần thị trường chứng khoán tăng điểm trong giai đoạn này. Đặc biệt trong 5 năm gần đây, tháng 7 âm lịch vẫn là tháng thị trường chứng khoán tăng điểm.

Về bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý II, ông Trần Thăng Long cho biết, BSC đã làm một thống kê, hiện tại đang có khoảng 370 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính trên cả ba sàn. Kết quả kinh doanh đang có sự phân hóa nhất định. Theo đó, khối tài chính chủ yếu bao gồm ngân hàng và các công ty chứng khoán đang có mức độ gia tăng lợi nhuận tốt so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là khối ngân hàng. Còn khối chứng khoán vẫn có tốc độ tăng trưởng dương, khoảng 17,7% là mức khá cao.

Tổng hợp lại thì kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đang phản ánh đúng chiều hướng phục hồi chung của kinh tế vĩ mô Việt Nam. Đặc biệt những ngành ngân hàng, chứng khoán, ngành công nghệ thông tin hay viễn thông, bán lẻ… đều đang có sự tăng trưởng khá tốt. Khối ngành liên quan đến xây dựng và hóa chất cũng tăng mạnh so với năm 2023.

Về triển vọng thị trường chứng khoán, ông Trần Thăng Long cho rằng, trong ngắn hạn, thị trường luôn dao động và đặc biệt khi có những thông tin bất ngờ liên quan đến quốc tế hay những thông tin trong nước thường sẽ tác động đến thị trường. Nhưng trong trung và dài hạn, thị trường luôn được chuyển biến dựa trên cơ sở của việc dòng tiền nhà đầu tư tham gia vào thị trường như thế nào, cũng như diễn biến cơ bản của doanh nghiệp./.