Thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2024 sẽ ra sao?
Nhìn lại thị trưởng nửa đầu năm
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) tại Hội thảo đầu tư trực tuyến với chủ đề “TTCK nửa cuối 2024 – Chốt đơn với những ngôi sao nào”, với việc kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định, lãi suất tiết kiệm giảm xuống mức thấp… TTCK Việt Nam đã có một đợt tăng trưởng khá mạnh.
Theo đó, chỉ số VN-Index đã nhanh chóng vượt đỉnh năm 2023 (ở mốc 1.245 điểm), đã có lúc chỉ số VN-Index vọt lên gần mốc 1.290 điểm (tại thời điểm tháng 3), đóng cửa thị trường quý I ở mức 1.284,09 điểm, tăng 154,16 điểm (13,6%) so với cuối năm 2023.
Cụ thể, tính từ đầu tháng 11/2023 đến hết ngày 29/3/2024, TTCK đã duy trì được chuỗi tăng điểm ở tháng thứ 5 liên tiếp, với mức tăng của chỉ số VN-Index đạt trên 280 điểm, tương đương 25%. Trong đó, có rất nhiều mã cổ phiếu tăng mạnh trên 25%, thậm chí có mã tăng trên 50%.
Mặc dù vậy, trong tháng 4/2024, TTCK đón nhận nhiều thông tin không tích cực như như lạm phát của Mỹ chưa giảm như kỳ vọng nên Fed không giảm lãi suất trong quý II/2024. Vì thế, USD tăng giá, dẫn đến tỷ giá USD/VND tăng theo, VND mất giá ảnh hưởng tiêu cực đến TTCK. Nhiều căng thẳng địa chính trị thế giới đã làm việc điều hành tỷ giá, vàng, lãi suất, lạm phát trong nước của Ngân hàng Nhà nước càng thêm khó khăn.
Tốc độ giảm đột ngột của chỉ số VN-Index đã gây bất ngờ cho giới phân tích và nhà đầu tư. Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 15/4, thị trường chứng kiến cú “sốc” mạnh khi VN-Index giảm mạnh nhất tính từ tháng 5/2022 đến nay khi “bay mất” 59,99 điểm (- 4,7%), chấm dứt chuỗi tăng 5 tháng liên tiếp kéo dài từ tháng 11/2023.
Động lực nào thúc đẩy thị trường?
Tại hội thảo, các chuyên gia chứng khoán cũng chỉ ra một số triển vọng của TTCK, dự báo sẽ tiếp tục khả quan trong những tháng còn lại của năm 2024 nhờ các động lực, cụ thể:
Thứ nhất, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp được kỳ vọng tiếp tục phục hồi nhờ triển vọng kinh tế toàn cầu cải thiện, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu và tiêu dùng.
Thứ hai, Chính phủ tiếp tục duy trì môi trường lãi suất thấp, dù lãi suất chính sách có thể tăng nhẹ, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nguồn vốn FDI được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng tốt, đặc biệt là với tiềm năng từ ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Thứ ba, chính sách đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thứ tư, quyết tâm của chính phủ và cơ quan quản lý trong việc nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong thời gian tới. Ngân hàng Nhà nước định hướng điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Thứ năm, nhờ việc khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Bà Bùi Thị Quỳnh Nga - Chuyên viên Phân tích Cao cấp vĩ mô và chiến lược PHS cho biết, nửa cuối năm 2024 là thời điểm vàng cho các doanh nghiệp trong nước bứt phá khi mà các điều kiện kinh tế được cải thiện trong bối cảnh mà các ngân hàng trung ương trên toàn cầu sẽ bắt đầu quay trở lại chu kỳ tiền rẻ.
Đặc biệt, với việc 4 luật mới sẽ đi vào áp dụng thì nhóm các doanh nghiệp bất động sản sẽ chứng kiến sự thanh lọc và bứt phá mạnh hơn trong nửa cuối năm 2024. Qua đó góp phần thúc đẩy TTCK sôi nổi hơn trong thời gian tới.
“Chúng tôi vẫn kỳ vọng TTCK là kênh đầu tư đáng quan tâm. Chúng tôi dự báo tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường sẽ tăng 18% trong năm 2024 tương ứng với P/E forward (giá ước tính trên thu nhập trong tương lai) là 12,2. Đây là mức khá hấp dẫn và dự đoán trong kịch bản tích cực VN-Index có thể chạm 1.452 điểm. Chính phủ cũng thể hiện sự chỉ đạo sát sao với quyết tâm nâng hạng thị trường. Đây là cơ sở cho sự phát triển trong dài hạn của TTCK bên cạnh sự phát triển của nền kinh tế”, bà Nga nhận định.
Xem thêm tại tapchitaichinh.vn