Thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ bước vào giai đoạn tăng tốc và bứt phá mạnh mẽ

Những kết quả tích cực

Thứ nhất, về quy mô thị trường. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức huy động vốn thực tế trên thị trường chứng khoán ước đạt 181.345 tỷ đồng (theo báo cáo sơ kết 6 tháng của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - UBCK), trong khi con số này cả năm 2023 đạt 418.271 tỷ đồng. Điều này cho thấy khả năng chống chịu, phục hồi nhanh chóng của thị trường chứng khoán sau một năm đầy biến động và rủi ro từ nền kinh tế thế giới cũng như một số vấn đề nội tại.

Bên cạnh đó, số lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới tăng dần đều qua các năm, cho thấy sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán. Cụ thể, số lượng nhà đầu tư tăng từ 3.000 tài khoản năm 2000 lên hơn 8 triệu tài khoản tính đến hết tháng 6/2024, tương đương 8% dân số.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Chiến lược & vĩ mô, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Chiến lược & vĩ mô, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam

Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng vốn hóa thị trường cổ phiếu niêm yết tính đến ngày 28/6/2024 đạt 7,06 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2023; tương đương 69,1% GDP ước tính năm 2023. Mặc dù con số này vẫn thấp hơn một số thị trường trong khu vực, nhưng tăng mạnh so với mức 20 - 30% cách đây một thập kỷ, thể hiện thị trường từng bước lớn mạnh, khẳng định vai trò trong hệ thống tài chính Việt Nam.

Cùng với đó, số lượng các doanh nghiệp niêm yết không ngừng gia tăng và hiệu quả hoạt động kinh doanh được cải thiện đáng kể, thể hiện qua những có số tăng trưởng ổn định về doanh thu và lợi nhuận qua từng năm.

Thứ hai, sự thay đổi của thị trường chứng khoán được thể hiện rõ qua việc có nhiều sản phẩm mới ra đời. Ngoài cổ phiếu, trên thị trường đã có thêm các sản phẩm đầu tư khác như chứng chỉ quỹ đầu tư, chứng chỉ quỹ ETF, chứng quyền có bảo đảm, hợp đồng tương lai chỉ số VN30… Các công ty chứng khoán đầu tư nhiều hơn vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) để cung cấp các tính năng, sản phẩm mới, nhằm nâng cao trải nghiệm cho người dùng (nhà đầu tư). Với kênh trái phiếu, một bước tiến lớn là hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đã được đưa vào vận hành từ ngày 19/7/2023, giúp nhà đầu tư yên tâm khi tham gia kênh dẫn vốn này.

Thứ ba, thị trường chứng khoán được xây dựng, phát triển theo định hướng hài hòa cả hai yếu tố là chất và lượng. Trong đó, các doanh nghiệp niêm yết tăng cường hoạt động kết nối, giao lưu và giải đáp thắc mắc cho nhà đầu tư thông qua hình thức online và trực tiếp. Sử dụng lợi thế của truyền thông, doanh nghiệp và nhà đầu tư có cơ hội được kết nối với nhau nhiều hơn. Kiến thức, kinh nghiệm và trình độ của các nhà đầu tư cũng ngày được nâng lên, một phần là nhờ các công ty chứng khoán tổ chức nhiều buổi đào tạo, hướng dẫn, cung cấp kiến thức cho nhà đầu tư, đặc biệt dành cho những nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

Ngưỡng cửa phát triển mới

Phát triển thị trường chứng khoán là một yêu cầu khách quan và tất yếu, đi cùng với sự phát triển của nền kinh tế. Với mục tiêu đến năm 2025, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 4.700 - 5.000 USD, đây sẽ là cơ hội lớn cho một thị trường chứng khoán còn nhiều dư địa phát triển. Do đó, trong thập kỷ phát triển tiếp theo của thị trường chứng khoán, chắc chắn sẽ có thêm nhiều sự thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ hơn.

Đặc biệt, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước một ngưỡng cửa quan trọng. Năm 2024 được coi là năm bản lề cho sự phát triển của thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn, góp phần hiện thực hóa mục tiêu thu hút dòng vốn ngoại một cách bền vững.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan khẩn trương phối hợp rà soát, có biện pháp xử lý nhanh chóng những sai phạm, vướng mắc còn tồn tại. Đứng về phía chủ thể là nhà đầu tư tham gia thị trường, UBCK đã phối hợp với các bên có liên quan để đẩy mạnh công tác làm sạch dữ liệu nhà đầu tư, nhằm tạo ra môi trường đầu tư chuyên nghiệp và công khai, qua đó từng bước nâng cao trình độ, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia vào thị trường. Không những vậy, những quy định được đưa ra còn nhằm tối ưu trách nhiệm, vai trò của những người làm tư vấn đầu tư. Việc làm sạch dữ liệu chứng khoán là cần thiết để minh bạch hóa thị trường, tránh tạo kẽ hở cho các hành vi thao túng giá cổ phiếu.

Nhìn lại năm 2000, khi thị trường chứng khoán được thành lập với hai doanh nghiệp được niêm yết đầu tiên (REE và SAM), đến nay thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức thị trường cận biên và hướng tới năm 2025 sẽ trở thành thị trường mới nổi, góp phần thực hiện mục tiêu thu hút hàng chục tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài mỗi năm. Một trong những mắt xích quan trọng nhất để tiến tới mục tiêu này là việc gấp rút đưa vào triển khai hệ thống giao dịch mới. Dù còn một số vướng mắc và vấn đề cần xử lý, nhưng những nỗ lực của các chủ thể trên thị trường chứng khoán là không thể phủ nhận. Điều này đã được các tổ chức/định chế tài chính đánh giá cao trong các buổi hội thảo, hợp tác với Bộ Tài chính, UBCK… Vì vậy, các tháng còn lại của năm 2024 và năm 2025 được kỳ vọng sẽ là giai đoạn tăng tốc và bứt phá mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn