Thị trường dệt may phục hồi, doanh nghiệp tăng tốc

Khởi sắc

Thông tin về tình hình thị trường, ông Phan Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, thị trường dệt may đang phục hồi và đơn hàng dần quay trở lại. Đến thời điểm hiện tại, công ty đã nhận được đơn hàng kéo dài đến hết tháng 9/2024. Tuy nhiên, các đơn hàng hiện nay yêu cầu thời gian giao nhanh chóng từ 45-60 ngày, với thời gian chuẩn bị ngắn và chào mẫu trong 15 ngày. Để đáp ứng các yêu cầu này, Việt Thắng Jean đã chủ động thay đổi một số công đoạn công nghệ, áp dụng công nghệ số trong thiết kế như thiết kế mẫu 3D, giúp nâng cao năng suất và đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Ông Việt cho biết thêm, doanh nghiệp đã thích ứng với các đơn hàng nhỏ, giúp tăng số lượng đơn hàng mới và ký kết đến hết tháng 9.

Ông Phan Văn Việt dự báo các thị trường như châu Âu, Mỹ và Nhật Bản đang hồi phục với lượng hàng tồn kho giảm, nhu cầu nhập hàng mới tăng lên, và các đơn hàng nhỏ từ các thị trường ngách cũng gia tăng, giúp phục hồi đơn hàng tốt hơn trong những tháng cuối năm.

Theo ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, quý 1/2024, May 10 có đơn hàng tốt hơn so với cùng kỳ năm trước. Các đơn hàng quý 2 và nửa đầu quý 3/2024 cũng có những tín hiệu tích cực hơn. Các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, cùng các thị trường mới khai thác như Canada, ASEAN và Trung Quốc đều có lượng đặt hàng khá tốt.

Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Định đã nhận được đơn hàng tăng hơn 30%, đảm bảo việc làm cho người lao động đến tháng 9-10/2024. Để đạt được lượng đơn hàng này, ngoài khách hàng truyền thống từ Mỹ và EU, Tập đoàn Gia Định đã mở rộng khách hàng tại Nhật Bản, Hàn Quốc và khai thác các thị trường ngách như Nam Phi và Mexico.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết ngành dệt may đang có dấu hiệu khởi sắc khi các thị trường truyền thống như Mỹ và châu Âu kiểm soát được lạm phát, dẫn đến sức mua tăng, hàng tồn kho giảm. Một số doanh nghiệp dệt may đã thông qua VITAS để tìm các công ty nhỏ hơn thuê gia công lại đơn hàng. Nếu tình hình kinh tế thế giới không có biến động lớn, hoạt động sản xuất của ngành dệt may dự kiến sẽ phục hồi và phát triển tốt trong năm 2024, với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD.

Đón đầu làn sóng chuyển đổi xanh

Mặc dù ngành dệt may có triển vọng phục hồi, song ông Phan Văn Việt cho rằng ngành vẫn đối diện nhiều thách thức như giá đơn hàng không tăng trong khi chi phí nguyên phụ liệu và logistics vẫn cao do xung đột Biển Đỏ. Các thị trường xuất khẩu kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung ứng từ nguồn lao động đến tác động môi trường, yêu cầu khắt khe về nguồn gốc nguyên phụ liệu và chứng chỉ xanh cho nhà máy và sản phẩm. Doanh nghiệp dệt may còn phải đối diện với các quy định như EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon), cùng với Chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”, và các quy định của EU và Đức về chuỗi cung ứng bền vững.

Để có được đơn hàng và đáp ứng các tiêu chí của thị trường nhập khẩu, ông Phan Văn Việt nhấn mạnh doanh nghiệp cần nỗ lực đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ mới và đáp ứng các tiêu chí về xanh bền vững, giảm thải carbon. Ông Thân Đức Việt cũng cho rằng việc xanh hóa trong sản xuất đã trở thành yêu cầu bắt buộc. Việc thích ứng của doanh nghiệp Việt sẽ giúp xuất khẩu hàng hóa bền vững.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại tại Thụy Điển cho biết, ngành dệt may có thể bị ảnh hưởng bởi Thỏa thuận Xanh EU. Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đón đầu làn sóng chuyển đổi xanh, điều chỉnh quy trình sản xuất và đầu tư vào công nghệ mới để duy trì tính cạnh tranh và tiến xa hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn xanh hóa sẽ giúp doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất xanh một cách chủ động, đồng bộ và toàn diện, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp tiếp cận sớm thị trường sản phẩm xanh của EU.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhấn mạnh, các doanh nghiệp dệt may cần tạo lập thương hiệu Việt Nam ở vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm của mình thay vì xuất khẩu dưới tên các thương hiệu lớn khác. Chuyển đổi số và sản xuất thông minh là yêu cầu bắt buộc. Doanh nghiệp cần từng bước chuyển từ sản xuất truyền thống sang tự động hóa để đạt được sự thay đổi này.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn