Sau “biến cố” ngày 24/6, chỉ số VN-Index dường như đang tìm điểm cân bằng và đã vận động bám sát đường MA20, duy trì biên độ dao động ở vùng hỗ trợ 1.250 – 1.260 điểm. Trong phiên giao dịch sáng 28/6, thị trường tiếp diễn trạng thái lình xình trong biên độ hẹp nhưng có chút kém lạc quan hơn về cuối phiên do áp lực bán có dấu hiệu gia tăng.
Diễn biến này tiếp tục lan sang phiên giao dịch chiều khiến sắc đỏ ngày càng lan rộng hơn trên bảng điện tử và VN-Index dần rời xa mốc tham chiếu. Chỉ sau hơn 40 phút mở cửa, VN-Index đã xuyên qua mốc 1.250 điểm, nhưng ngay khi chớm thủng ngưỡng hỗ trợ mạnh, lực cầu được kích hoạt đã giúp thị trường bật hồi.
Những tưởng thị trường sẽ tiếp tục có thêm phiên giao dịch an toàn, thậm chí le lói chút hy vọng xanh, nhưng VN-Index đã nhanh chóng quay đầu thoái lui khi chưa kịp tiến về mốc tham chiếu. Áp lực bán tỏ ra dứt khoát hơn và lan rộng khiến thị trường chứng kiến thêm 1 phiên “đỏ lửa”, chỉ số VN-Index thủng đường hỗ trợ MA50, MA100, tương đương vùng giá 1.248 – 1.255 điểm.
Điểm tích cực duy nhất có thể thấy là áp lực bán tháo chưa xảy ra. Dù số mã giảm điểm chiếm áp đảo, nhưng toàn thị trường số mã giảm sàn chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ.
Đóng cửa, sàn HOSE có tới 355 mã giảm (chỉ 10 mã giảm sàn), gấp 4,5 lần số mã tăng (79 mã tăng, trong đó có 2 mã tăng trần), VN-Index giảm 13,77 điểm (-1,09%), xuống 1.245,32 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 840,4 triệu đơn vị, giá trị 20.857 tỷ đồng, tăng 40,78% về khối lượng và 37,46% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 168,86 triệu đơn vị, giá trị 3.976,56 tỷ đồng, trong đó riêng MSN thỏa thuận 13,66 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.017,5 tỷ đồng.
Nhóm VN30 đóng cửa giảm hơn 10 điểm khi chỉ còn 9 mã giữ được sắc xanh, trong khi có tới 18 mã giảm, đặc biệt là GVR có thời điểm giảm kịch sàn và thu hẹp biên độ đôi chút về cuối phiên, đóng cửa vẫn giảm tới 5%, xuống mức 34.200 đồng/CP và là cổ phiếu tác động mạnh nhất khi lấy đi hơn 1,7 điểm của chỉ số chung.
Ngoài ra, các mã lớn như BID, HPG, FPT, VPB đều đóng cửa tại vùng giá thấp nhất trong ngày, cũng thuộc trong top 5 mã có ảnh hưởng lớn nhất tới thị trường. Tổng cộng riêng 4 mã này và GVR đã lấy đi khoảng 5,3 điểm của chỉ số chung.
Ở chiều ngược lại, các mã đều tăng trong biên độ hẹp, trong đó POW tăng 1% lên mức 14.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 11,44 triệu đơn vị, còn lại chỉ nhích nhẹ trên dưới 0,5%.
Xét về nhóm ngành, toàn thị trường không có ngành nào ngược dòng thành công. Trong đó, nhóm thực phẩm – đồ uống là giảm ít nhất chỉ 0,28% bởi diễn biến khởi sắc của cổ phiếu lớn VNM và MSN, cùng các cổ phiếu nhóm đường, với SLS tăng 2,96%, SBT tăng 1,72%, LSS tăng 2,46%, KTS tăng 2,62%.
Trong khi đó, nhóm sản phẩm cao su là giảm mạnh nhất, bởi DRC giảm kịch sàn, CSM giảm 4,75%.
Ở nhóm chứng khoán, một số mã đã ngược dòng thị trường chung và khởi sắc như VCI, VDS, CTS tăng nhẹ trên dưới 0,5%, các mã lớn khác như SSI, HCM, VND vẫn chỉ giảm nhẹ trên 1-2%; cổ phiếu giảm mạnh nhất là TVB giảm 5,5%, tiếp theo là APG giảm 4,94%, còn lại trên dưới 3%. Trong đó, VIX giảm 2,4% xuống mức 16.400 đồng/CP với thanh khoản sôi động nhất ngành, đạt 15,2 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu thép cũng giật lùi, trong đó HPG giảm 1,9% về mức giá thấp nhất trong ngày với thanh khoản đạt 22,18 triệu đơn vị, HSG giảm 3,8% và khớp 17,22 triệu đơn vị, NKG giảm 4,5% và khớp 7,18 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn giao dịch phân hóa và giảm nhẹ, điểm sáng là cổ phiếu EIB có pha đột phá mạnh trong đợt khớp lệnh ATC. Đóng cửa, EIB tăng 3% lên mức giá cao nhất ngày 18.900 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt 6,18 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng trên diện rộng, đặc biệt là sức ép lớn đến từ nhóm cổ phiếu HNX30 khiến thị trường giảm sâu.
Chốt phiên, sàn HNX có 53 mã tăng và 135 mã giảm, HNX-Index giảm 2,48 điểm (-1,03%) xuống 237,59 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 66,38 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.245 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 10 triệu đơn vị, giá trị 171,34 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 chỉ có 5 mã tăng và 20 mã giảm, kết phiên chỉ số nhóm này giảm hơn 8 điểm. Trong đó, LHC và SLS tăng tốt nhất, lần lượt đạt 3,5% và 3%; còn VCS giảm mạnh nhất khi để mất 5,2%, tiếp theo là DVM giảm 4,6%, LAS giảm 4,3%...
Cổ phiếu chứng khoán SHS nới nhẹ biên độ so với cuối phiên sáng, đóng cửa giảm 2,9% xuống mức 16.800 đồng/CP và thanh khoản vẫn vượt trội trên thị trường, đạt 15,76 triệu đơn vị. Tiếp theo là MBS khớp 3,95 triệu đơn vị, đóng cửa giảm nhẹ 0,6% xuống mức 31.100 đồng/CP.
Các cổ phiếu khác trong rổ HNX30 như PVS, CEO, TNG, IDC cũng đều mất điểm với thanh khoản đạt một vài triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, TIG giao dịch tăng mạnh với hơn 3,7 triệu đơn vị khớp lệnh, đứng thứ 3 về thanh khoản trên sàn HNX, đóng cửa tăng nhẹ 0,68% lên mức 14.700 đồng/CP.
Trên UPCOM, thị trường cũng chìm trong sắc đỏ trong suốt cả phiên chiều.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,99 điểm (-1%), xuống 97,54 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 79,45 triệu đơn vị, giá trị 1.191,81 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,5 triệu đơn vị, giá trị 23,63 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR giảm mạnh, đóng cửa giảm 4% xuống mức 21.700 đồng/CP với khối lượng giao dịch vẫn dẫn dầu thị trường với 12,86 triệu đơn vị. Trong khi đó, cổ phiếu cùng ngành là OIL cũng giảm sâu khi để mất 5,5% xuống mức 12.100 đồng/CP, khối lượng giao dịch đạt 2,89 triệu đơn vị.
Một số mã đáng chú ý cũng đua nhau lao dốc mạnh, như VEA giảm 2,9%, VGT giảm 5%, DDV giảm 6%, DRI giảm 7,2%, TVN giảm 7,8%, thanh khoản đều đạt một vài triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm mạnh trên dưới 15 điểm, trong đó VN302407 giảm 14,7 điểm, tương đương 1,1% xuống 1.274,3 điểm, khớp lệnh 233.786 đơn vị, khối lượng mở 56.234 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, giao dịch cũng chìm trong sắc đỏ, trong đó CTCB2310 giao dịch sôi động nhất với hơn 3,3 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 12% xuống mức 1.610 đồng/CP. Tiếp theo là CSTB2327 khớp 1,96 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 22,2% xuống 140 đồng/cq.