Thị trường đã nhanh chóng trở lại trạng thái lình xình sau phiên giao dịch bùng nổ ngày 5/12. Phiên sáng ngày 9/12 khá ảm đạm khi dòng tiền tham gia tiếp tục sụt giảm và với sự suy yếu của nhóm cổ phiếu bluechip, chỉ số VN-Index trở lại diễn biến giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu, ngoại trừ điểm sáng tập trung ở một số cổ phiếu vừa và nhỏ.
Bước sang phiên giao dịch chiều, sau khoảng 1 giờ giao dịch cầm chừng, lực cầu dần cải thiện đã giúp một số mã lớn và bé giao dịch khởi sắc hơn, giúp VN-Index tiếp tục hướng tới mốc 1.280 điểm.
Tuy nhiên, dòng tiền chưa đủ mạnh và sự thiếu đồng thuận chung của các cổ phiếu bluechip hay các nhóm cổ phiếu trụ cột, đã khiến VN-Index khó tăng mạnh. Thị trường khép lại phiên giao dịch đầu tuần tiếp tục tăng nhẹ với trạng thái đã cải thiện hơn khi sắc xanh chiếm ưu thế hơn trên bảng điện tử.
Việc chỉ số chung lình xình sau phiên bùng nổ theo đà cũng là diễn biến thường thấy và rất có thể, thị trường cần tích lũy thêm một vài phiên trước khi đà tăng ngắn hạn quay trở lại, để hướng đến gần hơn vùng kháng cự mạnh 1.300 điểm.
Đóng cửa, sàn HOSE có 235 mã tăng và 146 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 3,7 điểm (+0,29%), lên 1.273,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 761 triệu đơn vị, giá trị 16.781,8 tỷ đồng, tăng 9,53% về khối lượng nhưng giảm nhẹ gần 5% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 6/12. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 176,35 triệu đơn vị, giá trị 3.966,4 tỷ đồng.
Cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất tới thị trường là VCB khi đóng góp hơn 1,5 điểm cho chỉ số chung. Kết phiên, VCB tăng 1,2% lên mức giá cao nhất trong ngày 95.300 đồng/CP với thanh khoản đạt gần 2 triệu đơn vị.
Trái lại, trong nhóm VN30, cổ phiếu FPT là gánh nặng lớn nhất khi lấy đi gần 0,9 điểm của chỉ số chung, kết phiên mã này giảm 1,7% xuống mức 147.000 đồng/CP khi chịu áp lực khá lớn từ cung ngoại, với khối lượng bán ròng lên tới gần 2,5 triệu đơn vị.
Trong khi nhóm VN30 không mấy khả quan khi kết phiên giảm 1,1 điểm, thì ở nhóm cổ phiếu nhỏ, dòng tiền vẫn “nâng đỡ” giúp nổi sóng. Bên cạnh VCA có phiên tăng trần thứ 8 liên tiếp, hàng loạt mã thị giá vừa và nhỏ cũng đua nhau khoe sắc tím và kết phiên trong trạng thái dư mua trần khá lớn như CTI, YEG, FIR, TTA, ABS, HCD, LDG, HTN…
Tâm điểm đáng chú ý là cổ phiếu HAG, dù không giữ được sắc tím nhưng đóng cửa mã này vẫn tăng khá tốt, đạt 5,9% lên mức 12.600 đồng/CP và thanh khoản vượt trội trên thị trường khi có gần 30 triệu đơn vị khớp lệnh. Tương tự, SCR cũng có thời điểm tăng kịch trần và đóng cửa tăng 6,1% lên mức 5.730 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh hơn 8,1 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, nhóm ngân hàng với sự dẫn dắt của VCB chỉ giữ được mức tăng nhẹ khi hầu hết các mã khác trong ngành chỉ tăng trên dưới 0,5%, bên cạnh một số mã như ACB, LPB điều chỉnh giảm, hay TCB, SHB đứng giá tham chiếu.
Nhóm bất động cũng tăng nhẹ khi VHM đảo chiều giảm, VIC và VRE đứng giá tham chiếu, trong khi PDR, DXG, HDG, KDH, DIG, HDC, NTL, NVL… đóng cửa xanh nhạt.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán giao dịch phân hóa. Bên cạnh SSI, VND, BSI đảo chiều giảm, các mã HCM, VCI, VIX, FTS đóng cửa tăng nhẹ. Điểm sáng ngành thuộc về cổ phiếu thị giá vừa và nhỏ ORS. Kết phiên, ORS tăng 4,8% lên mức 15.200 đồng/CP với thanh khoản thuộc top 10 mã sôi động nhất thị trường, đạt hơn 15 triệu đơn vị khớp lệnh. Các mã khác như SSI, VIX, VND cũng có thanh khoản trên 10 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, sự suy yếu của nhóm HNX30 khi nhiều mã đảo chiều hoặc nới rộng biên độ giảm, đã khiến thị trường chung thu hẹp biên độ tăng.
Chốt phiên, sàn HNX có 92 mã tăng và 69 mã giảm, HNX-Index tăng 0,28 điểm (+0,12%) lên 229,21 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt xấp xỉ 49 triệu đơn vị, giá trị 909,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm xấp xỉ 10 triệu đơn vị, giá trị 136,2 tỷ đồng.
Trong nhóm HNX30, cổ phiếu DHT tiếp tục lao dốc, đóng cửa giảm 9,7% xuống sát mức giá sàn và cũng là mức giá thấp nhất trong ngày 88.500 đồng/CP, còn các cổ phiếu khác chỉ giảm quanh mức 1-2%.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu TMB tăng tốt nhất là 6,1%, tiếp theo là cặp đôi L14 và L18 lần lượt tăng 4,5% và 2,3%...
Tâm điểm trên sàn HNX cũng là các mã thị giá vừa và nhỏ, điển hình như AAV đóng cửa tăng 8% và khớp hơn 1,5 triệu đơn vị, NRC và API cùng tăng 6,5% và thanh khoản đều đạt hơn 1 triệu đơn vị, VC7 có thời điểm chạm trần và đóng cửa tăng 7,8%, TVC tăng 2,9%, VC2 tăng 2,1%...
Xét về nhóm ngành, cùng xu hướng lình xình của thị trường chung, nhóm cổ phiếu chứng khoán giao dịch khá yếu. Trong đó, SHS đứng giá tham chiếu với thanh khoản sôi động nhất, đạt gần 5,5 triệu đơn vị; còn MBS giảm 0,3% và khớp 4,2 triệu đơn vị, VFS đóng cửa giảm 1,3% và khớp 1,15 triệu đơn vị, IVS giảm 4,2%…
Trên UPCoM, mặc dù phần lớn lình xình dưới mốc tham chiếu, nhưng UPCoM-Index đã hồi phục thành công về cuối phiên.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,1 điểm (+0,11%) lên 92,91 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 27,1 triệu đơn vị, giá trị 402 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 12,5 triệu đơn vị, giá trị đạt 180,8 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR vẫn duy trì diễn biến khởi sắc. Đóng cửa, BSR tăng 2,9% lên mức 21.200 đồng/CP với khối lượng giao dịch dẫn đầu thị trường, đạt hơn 5,7 triệu đơn vị.
Các mã có thanh khoản cao tiếp theo là BCR khớp 2,6 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 2%, VGT và HNG khớp gần 1,5 triệu đơn vị, đóng cửa lần lượt tăng 0,7% và 1,9%...
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm nhẹ, với VN30F2412 giảm 2,1 điểm, tương đương -0,2% xuống 1.339,9 điểm, khớp lệnh hơn 168.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 52.920đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế, tuy nhiên, CVPB2315 có thanh khoản cao nhất đạt 5,88 triệu đơn vị, đóng cửa đứng giá tham chiếu 30 đồng/cq. Đứng ở vị trí thứ 2 là CVHM2405 khớp hơn 2 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 75% xuống 10 đồng/cq.