Thị trường tài chính 24h: Cần thêm nhiều chính sách để hút dòng vốn ngoại

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 29/11 tăng 200.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng thêm 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện đứng ở mức 83,30 – 85,80 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng nhẹ 1,5 USD lên 2.637,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng mạnh lên trên 2.660 USD, trước khi lùi nhẹ về dưới mốc này vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,91 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 29/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.251 đồng/USD, giảm 20 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.160 – 25.463 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm từ 95.800 USD xuống 95.000 USD, thì sang ngày hôm nay đã bật hồi và lên 96.700 USD, trước khi lùi về 96.300 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,10 USD (-0,15%), xuống 68,62 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,48 USD (-0,66%), xuống 72,80 USD/thùng.

VN-Index tăng lên trên 1.250 điểm

Sau nửa đầu phiên sáng giao dịch lình xình, thị trường đã khởi sắc hơn, với dòng tiền đã tìm cơ hội ở một số nhóm ngành mới, đặc biệt là cổ phiếu bảo hiểm.

Bước sang phiên chiều, tâm lý tích cực tiếp tục được duy trì khá tốt, giúp VN-Index vẫn trong xu hướng đi lên và chinh phục lại mốc 1.250 điểm khi đóng cửa.

Kết thúc phiên giao dịch 29/11: VN-Index tăng 8,35 điểm (+0,67%), lên 1.250,46 điểm; HNX-Index tăng 1,08 điểm (+0,48%), lên 224,64 điểm;UPCoM-Index tăng 0,39 điểm (+0,43%), lên 92,74 điểm.

Chứng khoán Mỹ nghỉ giao dịch ngày Lễ Tạ ơn.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, ảnh hưởng bởi đồng yên mạnh lên do kỳ vọng ngày càng tăng về việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tăng lãi suất.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,37% xuống 38.208,03 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,24% xuống 2.680,71 điểm.

Đồng Yên đã đạt mức cao nhất trong hơn một tháng qua, vượt qua ngưỡng quan trọng 150 yên/USD. Nguyên nhân chính là do dữ liệu lạm phát tại Tokyo cho thấy giá cả tăng mạnh hơn dự kiến.

Điều này đè nặng lên cổ phiếu của các nhà xuất khẩu, với nhà sản xuất ô tô Toyota Motor và tập đoàn công nghệ và giải trí Sony Group lần lượt giảm 2,1% và 1,7%. Trong khi đó, Nissan Motor là cổ phiếu giảm mạnh nhất trên Nikkei 225, giảm 4%.

Trái lại, cổ phiếu ngân hàng và bảo hiểm được thúc đẩy bởi triển vọng tăng lãi suất, đưa Dai-ichi Life Holdings tăng 3,5% và Chiba Bank tăng 4,2%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, với hy vọng dữ liệu công nghiệp sắp được công bố sẽ cho thấy sự phục hồi và khi các nhà đầu tư đặt cược vào các gói kích thích mới sau cuộc họp chính sách quan trọng vào tháng tới.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,93% lên 3.327,46 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,14% lên 3.916,58 điểm.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 11 chính thức của Trung Quốc, sẽ được công bố vào thứ Bảy dự kiến sẽ ở mức 50,2 điểm, cao hơn mức 50,1 điểm của tháng 10.

Các nhà đầu tư cũng đang chú ý đến Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương vào tháng 12, có thể cung cấp thêm chi tiết về ngân sách tài khóa và quy mô kích thích tiêu dùng cho năm tới, Kevin Liu, giám đốc điều hành tại CICC Research, cho biết.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, nhưng tâm lý giới đầu tư vẫn đang chìm trong thất vọng của họ đối với các kế hoạch kích thích tài khóa của Trung Quốc và lo lắng về mức thuế quan trong năm tới từ chính quyền Trump.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,29% lên 19.423,61 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,32% lên 6.946,68 điểm.

“Chúng tôi dự đoán rằng sẽ có nhiều trở ngại hơn đối với thị trường đến từ môi trường bên ngoài với thuế quan, đồng tiền yếu hơn và các mối quan ngại về địa chính trị”, Laura Wang, một chiến lược gia tại Morgan Stanley ở Hồng Kông cho biết

Chứng khoán Hàn Quốc giảm mạnh, khi việc cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương làm dấy lên lo ngại suy thoái kinh tế.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 48,76 điểm, tương đương 1,95% xuống 2.455,91 điểm. Chỉ số này đã giảm 3,9% trong tháng 11 này, mức giảm trong một tháng lớn nhất kể từ tháng 1 năm nay.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) hôm nay đã bất ngờ thông báo cắt giảm lãi suất và báo hiệu sẽ có nhiều đợt cắt giảm hơn nữa, khi các nhà hoạch định chính sách cảnh giác với rủi ro xung đột thương mại từ nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Donald Trump.

"Việc cắt giảm lãi suất và hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của BOK đã làm xấu đi quan điểm của nhà đầu tư về nền kinh tế Hàn Quốc", Seo Sang-young, nhà phân tích tại Mirae Asset Securities, cho biết.

Theo đó, BOK đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2024 xuống 2,2% từ 2,4% và xuống 1,9% từ 2,1% cho năm 2025. Dự báo tăng trưởng kinh tế tiếp tục suy yếu xuống còn 1,8% vào năm 2026.

Kết thúc phiên 29/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 141,03 điểm (-0,37%), xuống 38.208,03 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 30,76 điểm (+0,93%), lên 3.326,46 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 56,65 điểm (+0,29%), lên 19.423,61 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 48,76 điểm (-1,95%), xuống 2.455,91 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tăng trưởng âm không hẳn là vấn đề

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu mỏng đi cũng là một trong các lý do khiến mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế tốt, gần như gấp đôi mức tăng trưởng của tổng thu nhập hoạt động. Tuy nhiên, về dài hạn, đặc biệt khi Thông tư 06 về giãn nợ hết hạn trong cuối năm nay, lợi nhuận của các ngân hàng này phải chịu áp lực gia tăng chi phí dự phòng cao hơn..>> Chi tiết

- Cần nhiều nỗ lực hơn để vốn ngoại quay lại

Ông Park Won Sang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, để thị trường vốn phát triển, cần thêm nhiều chính sách so với hiện nay..>> Chi tiết

- Nhiều kế hoạch hút vốn ngoại được đẩy mạnh trong năm 2025

Mua bán, sáp nhập (M&A) lĩnh vực tài chính, ngân hàng hứa hẹn còn sôi động trong thời gian tới khi nhiều nhà băng có chủ trương hút thêm vốn ngoại để nâng cao năng lực tài chính..>> Chi tiết

- Thị trường dầu mỏ đang có một số tín hiệu khả quan

Với việc giá dầu hướng đến đợt giảm giá trong năm thứ hai và tình trạng dư cung dự kiến vào năm 2025 đang đến gần, thị trường dầu mỏ vẫn có một số tín hiệu tích cực ở các thị trường hạ nguồn..>> Chi tiết

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn