Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán đảo chiều giảm mạnh từ vùng giá cao

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 23/2 tăng 300.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã đảo chiều giảm 500.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 76,30 – 78,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm nhẹ 1,5 USD xuống 2.024,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng đảo chiều và lùi xuống 2.015 USD trước khi bật trở lại gần 2.020 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,97 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 23/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.996 đồng/USD, tăng 15 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.450 – 24.790 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giằng co quanh 51.400 USD thì sang phiên hôm nay đã giảm dần và lùi về 51.100 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,99 USD (-1,26%), xuống 77,62 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,95 USD (-1,14%), xuống 82,72 USD/thùng.

VN-Index lao dốc

Dòng tiền sôi động trên thị trường giúp VN-Index tiếp tục tăng và có thời điểm chạm mốc 1.240 điểm. Tuy nhiên, áp lực ở vùng giá cao khiến thị trường quay đầu giảm mạnh, khi nhóm cổ phiếu ngân hàng chịu sức ép lớn.

Đà giảm của nhóm này đã lan rộng hơn và khiến VN-Index giảm về gần 1.210 điểm khi đóng cửa, mức thấp nhất ngày.

Điểm đáng chú ý khác là thanh khoản thị trường tăng vọt. Trên sàn HOSE, khối lượng giao dịch đã vượt 1,3 tỷ đơn vị, với tổng giá trị giao dịch trên 1,2 tỷ USD trước khi thị trường bước vào đợt khớp lệnh ATC, cao nhất kể từ cuối tháng 9/2023 đến nay.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 33,98 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt 797,34 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 23/2: VN-Index giảm 15,31 điểm (-1,25%), xuống 1.212 điểm; HNX-Index giảm 2,93 điểm (-1,25%) xuống 231,08 điểm; UPCoM-Index giảm 0,41 điểm (-0,46%), xuống 90,16 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng vọt trong phiên thứ Năm (22/2), với các chỉ số thiết lập đỉnh mới, sau khi Nvidia công bố kết quả kinh doanh cao hơn nhiều so với dự báo.

Cổ phiếu Nvidia tăng tới hơn 16% lên mức cao lịch sử mới, nhờ báo cáo tổng doanh thu quý IV/2023 tăng gần 270% so cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ hoạt động kinh doanh trí tuệ nhân tạo (AI) đang bùng nổ. Lợi nhuận ròng tăng tới 770% lên 12,3 tỷ USD.

Cổ phiếu của các công ty liên quan đến trí tuệ nhân tạo khác cũng tăng mạnh với Advanced Micro Devices (AMD), nhà cung cấp linh kiện máy chủ Super Micro Computer và Arm Holdings tăng từ 4,2% đến 32,9%.

Kết thúc phiên 22/2: Chỉ số Dow Jones tăng 456,87 điểm (+1,18%), lên 39.069,11 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 105,23 điểm (+2,11%), lên 5.087,03 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 460,75 điểm (+2,96%), lên 16.041,62 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch ngày sinh nhật Thiên Hoàng.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, được dỡ bỏ bởi các biện pháp của chính quyền đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và niềm tin thị trường.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,55% lên 3.004,88 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,09% lên 3.489,74 điểm và tăng 3,7% trong tuần.

"Đó là một động thái quan trọng, chỉ số chuẩn đã tăng trên mức quan trọng 3.000 điểm. Điều này nhấn mạnh niềm tin trên thị trường đang dần trở lại”, Yang Delong, chuyên gia kinh tế tại First Seafront Fund Management cho biết

"Tâm lý nhà đầu tư cổ phiếu đã được cải thiện sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của, trong bối cảnh các biện pháp hỗ trợ thị trường được tăng cường và dữ liệu du lịch tích cực của nước này", Morgan Stanley cho biết trong một lưu ý.

Hiện tại, giới đầu tư có phần thận trọng chờ đợi động thái chính sách tiếp theo của Trung Quốc, khi Quốc hội nước này bắt đầu cuộc họp thường niên vào ngày 5/3, mặc dù chưa có các dấu hiệu sẽ tung thêm các gói kích thích lớn hoặc kế hoạch cải cách lớn nào đang được thực hiện.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi các nhà đầu tư đã chốt lời sau đà tăng gần đây.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,1% xuống 16.725,86 điểm, nhưng vẫn tăng 2,4% trong tuần. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,12% lên 5.765,10 điểm.

Cổ phiếu các gã khổng lồ công nghệ mất 0,3% và các công ty năng lượng giảm 0,6% là những nhóm chính khiến chỉ số mất điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, được thúc đẩy bởi đà tăng trên toàn cầu, với các thị trường Mỹ tại Nhật Bản đạt mức cao nhất mọi thời đại trong tuần này.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI chuẩn tăng 3,43 điểm, tương đương 0,13%, lên 2.667,70 điểm.

Kết thúc phiên 23/2: Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 16,52 điểm (+0,55%), lên 3.004,88 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 17,09 điểm (-0,10%), xuống 16.725,86 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 3,43 điểm (+0,13%), lên 2.667,70 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Chặn lũng đoạn ngân hàng

Đưa ra các chốt chặn, ngăn thao túng ngân hàng của cổ đông lớn và nhóm cổ đông lớn được xem là một trong những mục tiêu quan trọng của Luật Các tổ chức tín dụng 2024, có hiệu lực từ ngày 1/7 tới..>> Chi tiết

- SSI: VN-Index sẽ có một số bước nhảy vọt nhờ dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân

Theo CTCK SSI, do nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 92,2% khối lượng giao dịch trung bình ngày toàn thị trường năm 2023, bước sang năm 2024, dự đoán VN-Index sẽ có một số bước nhảy vọt nhờ dòng vốn từ nhóm này..>> Chi tiết

- Chứng khoán Mỹ và Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục trong bối cảnh bùng nổ AI

Chỉ số chứng khoán Nhật Bản, châu Âu và Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục mới vào thứ Năm (22/2) khi kết quả kinh doanh khả quan từ nhà sản xuất chip Nvidia đã khơi dậy niềm phấn khởi của nhà đầu tư trước sự bùng nổ đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) trên toàn thế giới..>> Chi tiết

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn