Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán hồi phục trên nền thanh khoản yếu

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC sau khi mở cửa sáng nay ngày 2/7 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 5,1 USD lên 2.331,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng rung lắc quanh ngưỡng 2.325 USD/ounce cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 106,02 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 2/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.253 đồng/USD, tăng nhẹ 1 đồng so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.245 – 25.465 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng từ 61.500 USD lên 63.000 USD, thì sang ngày hôm nay đã chững lại và lùi về 62.500 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,66 USD (+0,79%), lên 84,04 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,66 USD (+0,76%), lên 87,19 USD/thùng.

VN-Index tăng lên 1.270 điểm

Phiên giao dịch sáng khép lại với mức tăng khá mạnh, nhưng thanh khoản èo uột đã khiến sự thận trọng gia tăng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng không vội bán, trong khi một số cổ phiếu ngân hàng nới thêm đôi chút đà tăng đã giúp VN-Index nhích dần và lên ngưỡng 1.270 điểm khi đóng cửa.

Thanh khoản toàn thị trường dù gia tăng, nhưng không đáng kể và vẫn thấp hơn mức trung bình, qua đó, không đủ để giúp xua tan sự thận trọng về xu hướng hồi phục.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 0,89 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng 19,6 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 2/7: VN-Index tăng 15,23 điểm (+1,21%), lên 1.269,79 điểm; HNX-Index tăng 2,24 điểm (+0,94%), lên 240,8 điểm; UpCoM-Index tăng 0,28 điểm (+0,28%), lên 97,58 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ nhích nhẹ trong phiên thứ Hai (1/7), với các cổ phiếu Megacap do Apple và Tesla dẫn đầu, trong khi giới đầu tư cũng có phần thận trọng chờ đợi dữ liệu thị trường lao động Mỹ để tìm manh mối về triển vọng lãi suất.

Cổ phiếu Apple tăng 2,9%, Microsoft, tăng 2% và Amazon.com tăng 2,2% và Tesla nhích gần 7% là động lực lớn nhất đối với Nasdaq Composite.

Hiện tại, giới đầu tư sẽ đặc biệt quan tâm tới báo cáo việc làm tháng 6, dự kiến công bố vào thứ Sáu, nhằm tìm kiếm thêm tín hiệu suy yếu của thị trường lao động, qua đó níu giữ hy vọng về khả năng Fed sớm cắt giảm lãi suất.

Kết thúc phiên 1/7: Chỉ số Dow Jones tăng 50,66 điểm (+0,13%), lên 39.169,52 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 14,61 điểm (+0,27%), lên 5.475,09 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 146,70 điểm (+0,83%), lên 17.879,30 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng, được thúc đẩy bởi cổ phiếu ngành tài chính tăng do suy đoán rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể tăng lãi suất trong bối cảnh đồng yên suy yếu.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,12% lên 40.074,69 điểm. Chỉ số Topix tăng 1,15% lên 2.856,62 điểm.

Với việc đồng yên trượt xuống mức yếu nhất trong gần 38 năm vào thứ Hai, sự chú ý của thị trường đã trở lại về việc liệu BOJ có tăng lãi suất vào cuối tháng này để cố gắng làm chậm sự suy giảm của đồng nội tệ hay không.

Các nhà đầu tư cũng đang xem xét lại kết quả của cuộc khảo sát "tankan" được công bố hôm thứ Hai, cho thấy các công ty có kế hoạch tăng chi tiêu vốn và dự báo lạm phát sẽ ở quanh mục tiêu 2% trong những năm tới.

Chứng khoán Trung Quốc giằng co, rung lắc và đóng cửa tăng nhẹ, khi giới đầu tư tập trung theo dõi cuộc họp trong tháng này.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,07% lên 2.997,01 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,18% xuống 3.471,79 điểm.

Các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ Hội nghị Trung ương lần thứ ba của Trung Quốc để tìm manh mối về kế hoạch của các quan chức nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến lĩnh vực bất động sản, Roman Ziruk, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính toàn cầu Ebury cho biết.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, khi các nhà giao dịch quay trở lại sau ngày nghỉ lễ và phản ứng với dữ liệu PMI lạc quan của Trung Quốc được thông báo trước đó.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,29% lên 17.769,14 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,68% lên 6.374,91 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi chịu ảnh hưởng của việc trái phiếu kho bạc Mỹ tăng và khiến các cổ phiếu lớn đều giảm.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 23,45 điểm, tương đương 0,84% xuống 2.780,86 điểm.

Sự suy yếu trên diện rộng trên thị trường tài chính Hàn Quốc diễn ra bất chấp dữ liệu cho thấy chỉ số tiêu dùng của nước này đã hạ nhiệt xuống mức thấp nhất trong 11 tháng vào tháng 6, thấp hơn dự báo của thị trường.

Hầu hết các cổ phiếu lớn đều giảm, với các nhà sản xuất ô tô giảm hơn 2% và các công ty thương mại điện tử giảm hơn 1%.

Kết thúc phiên 2/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 443,63 điểm (+1,12%), lên 40.074,69 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 2,28 điểm (+0,07%), lên 2.997,01 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 50,53 điểm (+0,29%), lên 17.769,14 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 23,45 điểm (-0,84%), xuống 2.780,86 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tín dụng chính sách: Vai trò nhân văn cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa

Để phục vụ xây dựng Đề án tổng kết Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 02/7/2024 Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức Hội thảo khoa học “Định hướng, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới mới”..>> Chi tiết

- Quý III, kỳ vọng thị trường có sóng tăng

Đó là nhận định của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam về xu hướng thị trường chứng khoán thời gian tới..>> Chi tiết

- Đu sóng trên UPCoM dễ mắc kẹt

Giá trị giao dịch trên thị trường UPCoM trong nhiều phiên đã vượt qua sàn HNX, khi không ít cổ phiếu có sóng, giá tăng mạnh, nhưng gần đây có dấu hiệu điều chỉnh..>> Chi tiết

- Đồng đô la mạnh ảnh hưởng đến hiệu suất của thị trường chứng khoán châu Á trong nửa đầu năm 2024

Ảnh hưởng của Mỹ lên thị trường tài chính châu Á đã trở nên rõ ràng hơn trong nửa đầu năm nay khi đồng đô la mạnh và lãi suất tương đối cao đã kéo lùi mọi thứ, từ tiền tệ khu vực đến hiệu suất của các thị trường chứng khoán trong khu vực..>> Chi tiết

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn