Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán trở lại trạng thái ảm đạm

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC sau khi mở cửa sáng nay ngày 11/7 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 7,3 USD lên 2.371,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích lên 2.380 USD/ounce và đi ngang quanh ngưỡng này cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,88 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 11/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.253 đồng/USD, tăng 6 đồng so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.245 – 25.465 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua gần như không đổi ở 57.700 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục rung lắc và lên trên 58.200 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,10 USD (+0,12%), lên 82,20 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,18 USD (+0,21%), lên 85,26 USD/thùng.

VN-Index tiếp tục giảm nhẹ

Sau khi bị đẩy về gần tham chiếu vào cuối phiên sáng, thị trường bước vào phiên chiều với diễn biến tiếp tục là ảm đạm với dòng tiền yếu, chỉ số VN-Index rung lắc, đảo chiều liên tục quanh tham chiếu, nhưng chỉ với biên độ hẹp và đóng cửa giảm nhẹ khi sắc đỏ có phần lấn át trên bảng điện tử.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 14,87 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng 206,47 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 11/7: VN-Index giảm 2,14 điểm (-0,17%), xuống 1.283,8 điểm; HNX-Index tăng 0,84 điểm (+0,35%), lên 245,39 điểm; UpCoM-Index giảm 0,38 điểm (-0,38%), xuống 98,32 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên thứ Tư (10/7), được thúc đẩy bởi mức tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ trước khi các dữ liệu lạm phát và một số báo cáo kết quả kinh doanh sẽ công bố trong tuần này.

Chỉ số bán dẫn Philadelphia tăng 2,4% và cũng thiết lập mức cao kỷ lục mới, sau khi TSMC tăng 3,5% nhờ công bố doanh thu quý vừa qua đạt 20,67 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, giới đầu tư cũng chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ sẽ công bố trong tuần này bao gồm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào thứ Năm và chỉ số giá sản xuất (PPI) vào thứ Sáu.

Kết thúc phiên 10/7: Chỉ số Dow Jones tăng 429,39 điểm (+1,09%), lên 39.721,36 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 56,92 điểm (+1,02%), lên 5.633,91 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 218,16 điểm (+1,18%), lên 18.647,45 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản đã tăng lên mức cao kỷ lục mới, ảnh hưởng tích cực từ phiên đêm qua trên Phố Wall.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,94% lên 42.224,02 điểm/ Đây là lần đầu tiên chỉ số này vượt mốc 42.000 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,69% lên 2.929,17 điểm.

Cổ phiếu liên quan đến chất bán dẫn của Nhật Bản khởi sắc khi các cổ phiếu cùng hơn cùng ngành ở Mỹ tăng mạnh đêm qua, được thúc đẩy từ kết quả doanh thu quý vừa qua của TSMC.

Các nhà phân tích kỳ vọng chứng khoán Nhật Bản sẽ có thêm động lực mới khi các công ty báo cáo kết quả kinh doanh quý II trong tháng này.

"Lợi nhuận các doanh nghiệp Nhật Bản có thể sẽ tốt hơn dự kiến do mức độ mất giá của đồng yên và có khả năng đẩy Nikkei 225 lên tới 42.600 hoặc 42.700 điểm”, Kenji Abe, chiến lược gia trưởng tại Daiwa Securities cho biết.

Trong số các cổ phiếu liên quan đến chip, gã khổng lồ thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron tăng 1,2% và Disco Corp tăng khoảng 3%.

Socionext tăng 4,7% để trở thành một trong những cổ phiếu hoạt động tốt nhất, chỉ sau Sumco, tăng 5,1%. Tập đoàn Sony đứng thứ ba, với mức tăng 3,7%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, sau khi cơ quan quản lý chứng khoán công bố thêm các hạn chế về bán khống để củng cố tâm lý thị trường.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,06% lên 2.970,39 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,14% lên 3.468,17 điểm.

Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cho biết vào tối thứ Tư rằng, họ sẽ tăng tỷ lệ ký quỹ đối với hoạt động bán khống và cam kết sẽ giám sát kỹ lưỡng hơn đối với các khoản đầu tư định lượng (giao dịch bằng Robot).

Trung Quốc là một trong những nước tích cực nhất ở châu Á trong việc hạn chế bán khống và các chiến lược giao dịch định lượng trong nỗ lực thúc đẩy giá cổ phiếu.

Tuy nhiên, các động thái này cho thấy những kết quả rất hạn chế để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của thị trường yếu kém, bao gồm những lo ngại dai dẳng về cuộc khủng hoảng nhà ở, căng thẳng thương mại với phương tây và niềm tin của người tiêu dùng thấp.

Theo các quy định mới, các nhà đầu tư cần ký quỹ tương đương 100% giá trị chứng khoán mà họ muốn vay để bán khống. Thực tế cho đến khi thay đổi được thực thi, tỷ lệ này đã ở mức nhất 80%.

Trong khi đó, CSRC hiện cũng đang xem xét tăng các khoản phí đối với lưu lượng truy cập của các giao dịch định lượng tần suất cao (HFT).

Chứng khoán Hồng Kông tăng điểm nhờ tâm lý thị trường được cải thiện sau khi cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc thực hiện các bước bổ sung để hạn chế bán khống và hạn chế giao dịch định lượng.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 2,06% lên 17.832,33 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,93% lên 6.371,78 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, sau khi Chủ tịch Fed báo hiệu cắt giảm lãi suất ngay cả khi lạm phát chưa về mục tiêu 2%.

Thị trường mở cửa bật lên nhờ đà tăng của Phố Wall phiên đêm qua, sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, Fed sẽ không đợi cho đến khi lạm phát "giảm xuống 2%" để cắt giảm lãi suất. Đóng cửa, chỉ số Kospi tăng 23,36 điểm, tương đương 0,81%, lên 2.891,35 điểm.

Trong một động thái đáng chú ý khác, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) đã giữ nguyên lãi suất cơ bản lần thứ 12 liên tiếp.

Trọng tâm của nhà đầu tư là cuộc họp báo của Thống đốc BOK, ông Rhee Chang-yong để tìm manh mối về thời điểm cắt giảm lãi suất.

Cổ phiếu nổi bật trong phiên hôm nay là của công ty game Shift Up đã tăng 33% phiên đầu tiên trên thị trường sau khi IPO.

Kết thúc phiên 11/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 392,03 điểm (+0,94%), lên 42.224,02 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 31,02 điểm (+1,06%), lên 2.970,39 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 360,66 điểm (+2,06%), lên 17.832,33 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 23,36 điểm (+0,81%), lên 2.891,35 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Áp lực tăng trưởng lợi nhuận của các nhà băng

Tính đến ngày 24/6/2024, dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng mới đạt mức tăng trưởng 4,4% so với đầu năm, cách xa mục tiêu từ 14 - 15% đề ra cho cả năm..>> Chi tiết

- Doanh nghiệp phân bón, lọc dầu hé lộ lợi nhuận

Quý II/2024 được coi là không thuận lợi với các doanh nghiệp chế biến sâu ngành dầu khí, do giá đầu vào tăng cao trong khi nhu cầu ở mức thấp..>> Chi tiết

- Tiếp sức cho dòng tiền

Thông thường, thị trường chứng khoán phản ánh trước các yếu tố vĩ mô, cũng như kết quả kinh doanh của toàn bộ các doanh nghiệp niêm yết trong 3 - 6 tháng, thậm chí 1 - 2 năm tới. Do đó, dòng tiền sẽ hướng đến các doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tích cực..>> Chi tiết

- OPEC nâng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 lên 2,9%

Báo Arab News của Saudi Arabia ngày 10/7 dẫn báo cáo hàng tháng vừa công bố của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết, liên minh các nhà sản xuất dầu mỏ này đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 lên 2,9%, từ mức dự báo 2,8% được đưa ra trước đó..>> Chi tiết

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn