Thị trường tài chính 24h: Định giá các cổ phiếu “vua” vẫn đang ở mức hấp dẫn

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 26/7 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 77,50 – 79,50 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 33,1 USD xuống 2.364,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục lên 2.370 USD đi ngang cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,34 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 26/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.249 đồng/USD, giảm 16 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.121 – 25.461 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng nhẹ từ 66.400 lên 64.900 USD, thì sang ngày hôm nay đã tăng tốc và lên gần 67.400 USD/BTC.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,40 USD (-0,51%), xuống 77,88 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,39 USD (-0,45%), xuống 82,00 USD/thùng.

VN-Index hồi phục lên trên 1.240 điểm

Áp lực bán suy giảm giúp VN-Index nhích lên, nhưng đà hồi phục trong suốt cả phiên và “tìm lại” được mốc 1.240 điểm với động lực chính đến từ nhóm cổ phiếu bluechip.

Tuy nhiên, thanh khoản thị trường tiếp tục sụt giảm và khối lượng giao dịch trên sàn HOSE trong phiên hôm nay đã rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm, kể từ phiên 20/4/2023, còn giá trị giao dịch thuộc top 3 phiên thấp nhất kể từ đầu năm 2024.

Kết thúc phiên giao dịch 26/7: VN-Index tăng 8,92 điểm (+0,72%), lên 1.242,11 điểm; HNX-Index tăng 1,4 điểm (+0,6%), lên 236,66 điểm; UPCoM-Index tăng 0,67 điểm (+0,71%), lên 95,18 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ ít thay đổi trong phiên thứ Năm (25/7), khi giới đầu tư thận trọng sau những diễn biến lao dốc gần đây của nhóm cổ phiếu megacap.

Các cổ phiếu công nghệ tiếp tục sụt giảm, với Nvidia giảm 1,7%, AMD sụt hơn 4%. Chứng chỉ quỹ VanEck Semiconductor ETF mất gần 2%, trong khi cổ phiếu Meta Platforms giảm 1,7%, Microsoft giảm 2,5% và Alphabet rớt hơn 3%.

Kết thúc phiên 25/7: Chỉ số Dow Jones tăng 81,20 điểm (+0,20%), lên 39.935,07 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 27,91 điểm (-0,51%), xuống 5.399,22 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 160,69 điểm (-0,93%), xuống 17.187,72 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản đảo chiều giảm về cuối phiên, khi các nhà đầu tư điều chỉnh vị thế, trong bối cảnh không chắc chắn về diễn biến của Phố Wall những phiên gần đây.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,53% xuống 37.667,41 điểm. Trong tuần, chỉ số này đã giảm 5,48%. Chỉ số Topix giảm 0,38% xuống 2.699,54 điểm và mất 5,28% trong tuần.

Thị trường cũng thận trọng về quyết định về chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) trong cuối tháng này, trong bối cảnh kỳ vọng ngày càng tăng rằng BOJ có thể tăng lãi suất chính sách, Ông Shoichi Arisawa - Tổng giám đốc bộ phận nghiên cứu đầu tư tại IwaiCosmo Securities cho biết.

Các cổ phiếu liên quan đến chip tiếp tục yếu đi, với Tokyo Electron giảm 4,77% và Advantest mất 3,56% và Renesas Electronics giảm 5,48%.

Cổ phiếu đáng chú ý là Hino Motors tăng 12,76% để trở thành cổ phiếu tăng mạnh nhất trên Nikkei 225 tăng sau khi lỗ ròng quý vừa qua được thu hẹp.

Cổ phiếu Canon tăng 6,67% sau khi nhà sản xuất máy ảnh báo cáo lợi nhuận hoạt động đạt 465 tỷ yên (3,02 tỷ USD), tăng 24% so với một năm trước đó.

Cổ phiếu Fujitsu tăng 10,8% sau khi nhà sản xuất máy tính cho biết lợi nhuận ròng quý vừa qua tăng gấp 4 lần lên 16,8 tỷ yên.

Chứng khoán Trung Quốc đảo chiều tăng nhẹ về cuối phiên, nhưng những lo ngại về sự phục hồi kinh tế chậm và thiếu các chính sách kích thích lớn vẫn đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,14% lên 2.890,90 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,29% lên 3.409,29 điểm.

Những lo ngại về sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn dai dẳng, ngay cả khi các nhà chức trách cho biết hôm thứ Năm rằng Bắc Kinh sẽ phân bổ 300 tỷ nhân dân tệ Trung Quốc (tương đương 41,5 tỷ USD) vào trái phiếu chính phủ đặc biệt siêu dài hạn để mở rộng chính sách trao đổi và nâng cấp thiết bị hiện có, nhằm kích thích tiêu dùng nội địa.

Chứng khoán Hồng Kông rung lắc và đóng cửa tăng nhẹ, khi các nhà đầu tư thận trọng chờ đợi các biện pháp nới lỏng chính sách hơn, sau khi ngân hàng trung ương nước Trung Quốc này bất ngờ cắt giảm lãi suất trong tuần này.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,05% lên 17.013,99 điểm và giảm 2,3% trong tuần. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,08% xuống 6.011,56 điểm.

Các nhà đầu tư hiện đang chờ đợi một cuộc họp Bộ Chính trị Trung Quốc, dự kiến được tổ chức vào cuối tháng này, để tìm manh mối về cách Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ khắc phục các vấn đề kinh tế như sụt giảm doanh số bán nhà và chi tiêu tiêu dùng yếu.

Chứng khoán Hàn Quốc hồi phục, khi nhóm cổ phiếu lớn có tín hiệu hồi phục.

Đóng cửa, chỉ số Kospi tăng 21,25 điểm, tương đương 0,78% lên 2.731,90 điểm.

Các cổ phiếu lớn như Samsung Electronics tăng 0,62%, trong khi SK hynix tăng 0,95%. Tuy nhiên, hai nhà sản xuất ô tô hàng đầu tiếp tục giảm, với Hyundai Motor giảm 3,2%, Kia Motors giảm 2,52%.

Kết thúc phiên 26/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 202,10 điểm (-0,53%), xuống 37.667,41 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 4,16 điểm (+0,14%), lên 2.89090 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 13,46 điểm (+0,08%), lên 17.018,43 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 21,25 điểm (+0,78%), lên 2.731,90 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Ngân hàng: Ngành tiêu điểm đầu tư

Với dự báo lợi nhuận năm 2024 của các ngân hàng trong danh sách theo dõi tăng trưởng 15,3%, định giá của các cổ phiếu “vua” vẫn đang ở mức hấp dẫn khi P/B hiện là 1,6 lần, thấp hơn so với trung bình 3 năm gần đây..>> Chi tiết

- Giao dịch “chui” vẫn tái diễn

Thời gian gần đây, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) liên tục ban hành quyết định xử phạt nhiều lãnh đạo doanh nghiệp mua bán cổ phiếu nhưng không công bố thông tin..>> Chi tiết

- Nhận diện động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán nửa cuối năm

Thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm 2024 được nhận định sẽ có xu hướng đi lên, với bệ đỡ là triển vọng của kinh tế vĩ mô cùng kết quả kinh doanh tăng trưởng của các doanh nghiệp..>> Chi tiết

- Đà hồi phục của đồng yên đang gây biến động trên khắp các thị trường

Sự phục hồi đáng kinh ngạc của đồng yên đang làm đảo lộn thị trường toàn cầu, kéo đồng nhân dân tệ tăng cao hơn và tác động mạnh đến tài sản từ cổ phiếu Nhật Bản sang vàng và Bitcoin khi các nhà đầu tư đánh giá lại tỷ lệ đòn bẩy..>> Chi tiết

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn