Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 11/12 tăng 1 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 1,5 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã giảm 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện đứng ở mức 84,40 – 86,90 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng mạnh 33,6 USD lên 2.693,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng trên 2.700 USD, trước khi hạ nhiệt nhẹ về dưới mốc này vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 106,67 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 11/12 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.253 đồng/USD, giảm 5 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.165 – 25.465 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm từ 97.700 USD xuống 94.600 USD, thì sang ngày hôm nay đã dần hồi phục và lên 97.800 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,73 USD (+1,06%), lên 69,32 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,77 USD (+1,07%), lên 72,96 USD/thùng.
VN-Index tiếp tục giảm nhẹ
Sau khi mở cửa khá tích cực lên trên 1.275 điểm, VN-Index đã bị đẩy ngược trở lại về tham chiếu khá nhanh khi dòng tiền yếu và sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện tử.
Bước sang phiên chiều, chỉ số bất ngờ có nhịp giảm khá sâu xuống dưới 1.265 điểm do tác động từ một số mã bluechip, đặc biệt là VCB. Nhưng VN-Index sau đó đã bật hồi, thu hẹp đà giảm về cuối phiên. Thanh khoản toàn thị trường vẫn chỉ ở mức thấp.
Kết thúc phiên giao dịch 11/12: VN-Index giảm 3,21 điểm (-0,25%), xuống 1.268,86 điểm; HNX-Index giảm 1,06 điểm (-0,46%), xuống 228,18 điểm; UPCoM-Index đứng mức tham chiếu 92,74 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Ba (10/12), khi giới đầu tư vẫn thận trọng chờ đợi dữ liệu CPI tháng 11, có khả năng ảnh hưởng lớn đến cách Fed quyết định đối với lãi suất tại cuộc họp trong hai ngày 17 và 18/12.
Các chuyên gia kinh tế dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ sẽ tăng 0,3% trong tháng 11 và tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.
Kết thúc phiên 10/12: Chỉ số Dow Jones giảm 154,10 điểm (-0,35%), xuống 44.247,83 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 17,94 điểm (-0,30%), xuống 6.034,91 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 49,45 điểm (-0,25%), xuống 19.687,24 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản đã đảo chiều tăng về cuối phiên, khi lực cầu bắt đáy mạnh dần.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,01% lên 39.372,23 điểm, sau khi giảm 0,65% trước đó trong phiên. Chỉ số Topix tăng 0,29% lên 2.749,31 điểm.
"Có rất ít tín hiệu chuyển động thị trường hôm nay nhưng các nhà đầu tư đã mua lại các cổ phiếu giảm xuống mức hợp lý. Nhưng mức tăng bị hạn chế bởi sự thận trọng đối với báo cáo giá tiêu dùng của Mỹ sắp được công bố”, Shuutarou Yasuda, nhà phân tích thị trường tại Tokai Tokyo cho biết.
Các nhà đầu tư cũng chờ đợi quyết định chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vào ngày 19/12.
Thống đốc BOJ, ông Kazuo Ueda đã báo hiệu sẵn sàng tăng lãi suất một lần nữa trong thời gian tới nếu có những bằng chứng chắc hơn rằng lạm phát sẽ duy trì ở mức 2%.
Chứng khoán Trung Quốc rung lắc và giằng co, khi sự lạc quan về việc thay đổi chính sách của Bắc Kinh đã bù đắp cho dữ liệu hải quan ảm đạm.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,29% lên 3.432,49 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,17% xuống 3.988,83 điểm.
Tâm lý thị trường ban đầu khá tích cực, sau khi Bộ Chính trị Trung Quốc thay đổi lập trường chính sách tiền tệ sang "nới lỏng một cách thích hợp" từ "thận trọng" lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Các nhà chức trách cũng cam kết sẽ ổn định thị trường chứng khoán và nhà ở, áp dụng các điều chỉnh ngược chu kỳ để mở rộng nhu cầu trong nước và thúc đẩy tiêu dùng.
Tuy nhiên, sự lạc quan đó nhanh chóng suy yếu sau khi dữ liệu thương mại chỉ ra sự yếu kém trong nền kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh rủi ro thuế quan của Mỹ.
Theo đó, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 11, không đạt ước tính 8,5%, trong khi nhập khẩu bất ngờ giảm 3,9%, mức thấp nhất 9 tháng và ngược với dự báo của giới phân tích là tăng 0,3%.
Chứng khoán Hồng Kông giằng co, khi thị trường vẫn trong trạng thái chờ đợi cuộc họp quan trọng tại Đại lục.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,64% xuống 20.182,21 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,59% xuống 7.262,96 điểm.
Mọi con mắt đều đổ dồn vào hội nghị công tác kinh tế của Trung Quốc đang diễn ra. Các nhà đầu tư đang mong chờ các biện pháp kích thích kinh tế chi tiết hơn, sau khi bản báo cáo từ cuộc họp của Bộ Chính trị vào đầu tuần này ám chỉ đến nỗ lực lớn hơn để cải thiện tăng trưởng.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng phiên thứ hai liên tiếp sau những biến cố chính trị gần đây ảnh hưởng mạnh đến thị trường.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 24,67 điểm, tương đương 1,02%, ở mức 2.442,51.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nói chuyện với Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Sang-mok hôm thứ Ba và thảo luận về tình trạng hỗn loạn chính trị của Hàn Quốc sau nỗ lực áp đặt thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol vào tuần trước.
Kết thúc phiên 11/12: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 4,65 điểm (+0,01%), lên 39.372,23 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 9,83 điểm (+0,29%), lên 3.432,49 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 129,07 điểm (-0,64%), xuống 20.182,21 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 24,67 điểm (+1,02%), lên 2.442,51 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Thị trường tiền tệ ổn định cuối năm
Tốc độ giải ngân đang tăng nhanh, nhưng lãi suất sẽ ổn định vì nguồn vốn dồi dào..>> Chi tiết
- Đầu tư 2025: Giải mã biến số - Nhận diện cơ hội
Ngày 12/12/2024, Báo Đầu tư tổ chức Hội thảo “Đầu tư 2025: Giải mã biến số - Nhận diện cơ hội” dự báo tình hình phát triển kinh tế năm 2025 và chỉ ra những cơ hội đầu tư tiềm năng trong thời gian tới..>> Chi tiết
- Điểm danh các động lực chính cho thị trường năm 2025
Theo Mirae Asset, bên cạnh các động lực chính sẽ tác động đến thị trường năm 2025 như hoạt động xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, nợ xấu và thị trường trái phiếu; sẽ có nhiều rủi ro vĩ mô toàn cầu mà nhà đầu tư cần theo dõi..>> Chi tiết
- ADB: Châu Á sẽ cảm nhận được tác động đáng kể từ các chính sách của chính quyền ông Trump vào năm 2026
Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các nền kinh tế mới nổi của châu Á sẽ cảm nhận được tác động đáng kể từ các chính sách của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump vào năm 2026 và sau đó..>> Chi tiết