Thị trường tài chính 24h: Một số nhóm ngành tạo ra cơ hội đầu tư đáng chú ý

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 25/11 không đổi so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày hôm nay đã giảm 400.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện đứng ở mức 84,60 – 86,60 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng 47,2 USD lên 2.715,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng đảo chiều và lao dốc giảm về dưới 2.660 USD, trước khi hồi phục lên 2.670 USD/ounce.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 107,09 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 25/11 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.292 đồng/USD, giảm nhẹ 3 đồng so với ngày cuối tuần qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.197 – 25.506 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm từ 97.800 USD xuống 95.900 USD, thì sang ngày hôm nay đã hồi phục dần và lên trên ngưỡng 98.700 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,45 USD (-0,63%), xuống 70,79 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,34 USD (-0,45%), xuống 74,83 USD/thùng.

VN-Index giảm nhẹ

Thị trường đã chuyển qua trạng thái rung lắc nhẹ trong suốt cả phiên và kết thúc tuần này gần mốc 1.230 điểm, thanh khoản phiên này vẫn chỉ dừng lại ở mức thấp.

Điểm tích cực là giao dịch nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển qua trạng thái mua ròng, dù giá trị còn hạn chế chỉ đạt khoảng chục tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 25/11: VN-Index giảm 0,23 điểm (-0,02%) xuống 1.228,1 điểm; HNX-Index giảm 0,47 điểm (-0,21%) xuống 221,29 điểm; UPCoM-Index tăng 0,2 điểm (+0,22%), lên 91,7 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng trong phiên thứ Sáu (22/11), khi giới đầu tư dịch chuyển dòng tiền sang các cổ phiếu nhạy cảm hơn đối với kinh tế của thị trường.

Trong tuần, Dow Jones tăng 2%, còn S&P 500 và Nasdaq Composite đều tăng 1.7%.

Kết thúc phiên 22/11: Chỉ số Dow Jones tăng 426,16 điểm (+0,97%), lên 44.296,51 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 20,63 điểm (+0,35%), lên 5.969,34 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 31,23điểm (+0,16%), lên 19.003,65 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng, khi các nhà đầu tư mua những cổ phiếu được hưởng lợi từ kỳ vọng nền kinh tế Mỹ tiếp đà tăng tốc.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,3% lên 39.780,14 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,71% lên 2.715,60 điểm.

Phiên này, cổ phiếu lớn Fast Retailing tăng 3,5% và tạo ra cú hích lớn nhất cho Nikkei 225. Theo sau là cổ phiếu nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip Tokyo Electron tăng 4% và SoftBank Group tăng 3,4%.

Cổ phiếu Keisei Electric Railway và Keikyu lần lượt tăng 13,8% và 11,1%, sau khi truyền thông đưa tin một nhóm nhà đầu tư đang mua cổ phiếu của các nhà khai thác đường sắt này.

Ngành đường sắt theo đó tăng 2,42% và trở thành nhóm ngành tăng tốt nhất trong số 33 chỉ số phụ ngành của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE).

Chứng khoán Trung Quốc giảm, với chỉ số bluechip giảm xuống mức thấp nhất trong năm tuần, khi giới đầu tư đã cảm nhận rõ một cuộc chiến thương mại sẽ diễn ra với Mỹ.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,11% xuống 3.263,76 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,46% xuống 3.848,09 điểm.

Chúng tôi dự đoán một năm đầy biến động phía trước đối với chứng khoán Trung Quốc với một loạt các lực lượng kéo lùi thị trường. Trong đó, những thách thức ngắn hạn bao gồm thuế quan thương mại của Mỹ, sự không chắc chắn xung quanh các chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc và dòng vốn từ nhà đầu tư cá nhân có dấu hiệu chững lại”, James Wang, người đứng đầu chiến lược Trung Quốc của UBS cho biết.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi các nhà đầu tư đứng ngoài do thiếu các yếu tố hỗ trợ thị trường.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,41% xuống 19.150,99 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,36% xuống 6.862,20 điểm.

Theo dữ liệu, giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán Hồng Kông chỉ bằng 80% so với mức trung bình 30 phiên gần nhất, phản ánh sự thận trọng của giới đầu tư với tâm thế đứng ngoài thị trường.

Những báo cáo kết quả kinh doanh gần đây cho thấy các công ty niêm yết vẫn đang vật lộn với nhu cầu yếu, cũng như những khó khăn kéo dài về bất động sản tại Đại lục. Tính đến thứ Sáu tuần trước, Chỉ số Hang Seng đã giảm 17% so với mức cao nhất trong năm được thiết lập vào tháng 10.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, dẫn đầu bởi mức tăng từ Samsung Electronics và các cổ phiếu công nghệ lớn khác.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 33,10 điểm, tương đương 1,32% lên 2.534,34 điểm.

Đà tăng được thúc đẩy bởi các cổ phiếu lớn như Samsung Electronics tăng 3,4% và LG Energy Solution tăng 3,6% và LG Chem tăng 2,9%. Cổ phiếu sinh học lớn mở cửa cao hơn, với Samsung Biologics tăng 0,43% và Celltrion tăng 0,35%.

Kết thúc phiên 25/11: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 496,29 điểm (+1,30%), lên 38.780,14 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 3,43 điểm (-0,11%), xuống 3.263,76 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 78,98 điểm (-0,41%), xuống 19.150,99 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 33,10 điểm (+1,32%), lên 2.534,34 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tỷ giá USD/VND sẽ giảm dần trong năm 2025

Tỷ giá USD/VND tăng trở lại gần đây, tuy nhiên, theo giới chuyên gia, áp lực tỷ giá trong dịp cuối năm không quá căng thẳng..>> Chi tiết

- Kỳ vọng sự cải thiện của dòng tiền

VN-Index tuần qua tăng điểm có thể chỉ là nhịp hồi phục kỹ thuật, nhưng mở ra kỳ vọng thị trường trở lại xu thế tăng, với vùng cân bằng đầu tiên đã được thiết lập..>> Chi tiết

- Một số nhóm ngành nổi bật với định giá thấp

Dựa trên biểu đồ so sánh P/E và P/B của các ngành với trung bình 5 năm, có một số nhóm ngành nổi bật với định giá thấp, tạo ra cơ hội đầu tư đáng chú ý..>> Chi tiết

- Fed cảnh báo về những thách thức đối với khối doanh nghiệp nhỏ

Hoạt động trong khu vực tư nhân của Mỹ tăng tốc khi các doanh nghiệp đặt kỳ vọng vào chính quyền mới sắp tới..>> Chi tiết

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn