Thị trường tài chính 24h: Nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng tích cực trong quý II

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 19/7 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 78,50 – 80,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 13,5 USD xuống 2.445,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giảm tiếp và lùi về 2.415 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,33 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 19/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.246 đồng/USD, giảm 5 đồng so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.158 – 25.458 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm nhẹ từ 64.300 xuống 63.900 USD, thì sang ngày hôm nay đã chững lại và đi ngang cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,06 USD (-0,07%), xuống 82,76 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,03 USD (-0,04%), xuống 85,08 USD/thùng.

VN-Index giảm gần 10 điểm

Thị trường khép lại phiên cuối tuần với mức giảm gần 10 điểm khi chịu áp lực chốt lời bởi lượng cổ phiếu giá rẻ trong phiên 17/7 về tài khoản, đã đẩy VN-Index về mức thấp nhất trong 13 phiên giao dịch nhưng vẫn trong vùng giá khá an toàn 1.260 -1.265 điểm.

Kết thúc phiên giao dịch 19/7: VN-Index giảm 9,66 điểm (0,76%), xuống 1.264,78 điểm; HNX-Index giảm 1,97 điểm (-0,81%), xuống 240,52 điểm; UpCoM-Index giảm 0,84 điểm (-0,86%), xuống 96,78 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên thứ Năm (18/7), khi giới đầu tư tiếp tục chốt sau đà tăng mạnh gần đây.

Có đến 10/11 lĩnh vực thuộc S&P 500 chìm trong sắc đỏ, trong khi cứ 10 cổ phiếu thành phần Dow Jones thì có 9 cổ phiếu giảm. Ngay cả chỉ số vốn hoá nhỏ Russell 2000, vốn tăng mạnh trong tuần gần đây cũng mất 1,9%.

Kết thúc phiên 18/7: Chỉ số Dow Jones giảm 533,06 điểm (-1,29%), xuống 40.665,02 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 43,68 điểm (-0,78%), xuống 5.544,59 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 125,70 điểm (-0,70%), xuống 17. điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, ảnh hưởng bởi phiên lao dốc đêm qua trên Phố Wall, mặc dù sự phục hồi của cổ phiếu chất bán dẫn đã hạn chế đà đi xuống của thị trường.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,16% xuống 40.063,79 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,27% xuống 2.860,83 điểm.

Chỉ số Nikkei 225 có thời điểm đã giảm xuống dưới mốc tâm lý quan trọng 40.000 điểm, sau khi giảm hơn 2% vào thứ Năm do cổ phiếu liên quan đến chip giảm và đồng yên mạnh lên.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư dường như suy nghĩ lại về việc bán tháo cổ phiếu liên quan đến chip trong phiên hôm nay và bắt đầu mua trở lại.

Chứng khoán Trung Quốc giằng co và đóng cửa tăng nhẹ, khi các nhà đầu tư thận trọng chờ đợi thông báo chính sách từ cuộc họp của đảng cầm quyền nước này. Tâm lý cũng bị áp lực bởi viễn cảnh leo thang căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,17% lên 2.982,31 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,51% lên 3.539,02 điểm.

Hy vọng của nhà đầu tư rất cao trong bốn ngày của Hội nghị toàn thể lần thứ 3 về việc bơm niềm tin vào nền kinh tế, đặc biệt là sau GDP quý II tăng chậm và suy thoái lĩnh vực bất động sản vẫn đang dai dẳng.

Chứng khoán Hồng Kông lao dốc, sau khi hội nghị trung ương lần thứ ba của Trung Quốc kết thúc.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,13% xuống 17.400,37 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 2,35% xuống 6.158,32 điểm.

Phiên họp kéo dài 4 ngày của Đảng cộng sản Trung Quốc, được gọi là hội nghị toàn thể lần thứ ba, đã kết thúc vào đêm qua và không đưa ra bất kỳ thông báo quan trọng nào nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm mạnh, ảnh hưởng bởi xung đột thương mại tiềm tàng giữa Mỹ và Trung Quốc đối với ngành chip.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 28,89 điểm, tương đương 1,02% xuống 2.795,46 điểm. Trong tuần, chỉ số này giảm 2,2% và đánh dấu mức giảm tuần lớn nhất kể từ giữa tháng 4.

Kết thúc phiên 19/7: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 62,56 điểm (-0,16%), xuống 40.063,79 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 5,18 điểm (+0,17%), lên 2.982,31 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 360,58 điểm (-2,03%), xuống 17.417,83 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 28,89 điểm (-1,02%), xuống 2.795,46 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Lợi nhuận ngân hàng sẽ phân hóa

SSI Research dự báo, trong số 13 ngân hàng, gồm Vietcombank, BIDV, MB, VietinBank, Techcombank, ACB, VPBank, HDBank, Sacombank, TPBank, VIB, MSB và OCB, nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tích cực, tuy nhiên cũng có hai ngân hàng bị đánh giá sẽ có lợi nhuận đi lùi trong quý II..>> Chi tiết

- Quỹ đầu tư “kiếm bộn”

Các quỹ ghi nhận hiệu suất đầu tư vượt trội trong nửa đầu năm 2024 có điểm chung là tập trung vào nhóm cổ phiếu của doanh nghiệp đầu ngành, có nền tảng tốt và đa phần nắm giữ một số cổ phiếu quen thuộc..>> Chi tiết

- Sàn trái phiếu thứ cấp: Thanh khoản gần 4.100 tỷ đồng/phiên, tăng vọt sau một năm

Từ mức chỉ hơn 250 tỷ đồng mỗi phiên trong tháng đầu đi vào hoạt động, thanh khoản sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bình quân 6 tháng đầu năm nay đã đạt 4.092,9 tỷ đồng/phiên..>> Chi tiết

- ECB giữ nguyên lãi suất và chờ dấu hiệu lạm phát được kiểm soát

Sau đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định giữ nguyên lãi suất và cho biết cần có thêm bằng chứng cho thấy lạm phát đang quay trở lại mục tiêu trước khi hạ lãi suất hơn nữa..>> Chi tiết

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn