Thị trường tài chính 24h: Nhiều nhóm cổ phiếu đã giảm 20-30% so với mức đỉnh

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 12/8 không đổi so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 76,50 – 78,50 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng 4 USD lên 2.431,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng và lên trên 2.440 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,19 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 12/8 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.256 đồng/USD, giảm 4 đồng so với ngày cuối tuần qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.940 – 25.280 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm nhẹ từ 60.700 xuống 60.200 USD, thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục giảm và lùi về 58.400 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,81 USD (+1,05%), lên 77,65 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,59 USD (+0,74%), lên 80,25 USD/thùng.

VN-Index tăng lên trên 1.230 điểm

Chỉ số VN-Index từ sớm đã có những diễn biến giằng co, rung lắc nhẹ khi dòng tiền vẫn yếu.

Mặc dù vậy, khi nhóm VN30 giao dịch tích cực hơn về cuối phiên đã giúp chỉ số bật lên mốc 1.230 điểm khi đóng cửa. Hiện tại VN-Index vẫn đang trong xu hướng hồi phục và ngưỡng kháng cự gần nhất cần chinh phục là ngưỡng 1.240 điểm, tương đương đường MA20 ngày. Đây là cơ sở quan trọng cho việc xác lập đáy ngắn hạn cho thị trường.

Kết thúc phiên giao dịch 12/8: VN-Index tăng 6,64 điểm (+0,54%) lên 1.230,28 điểm; HNX-Index tăng 1,39 điểm (+0,6%) lên 230,77 điểm; UPCoM-Index tăng 0,2 điểm (+0,21%), lên 93 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ trong phiên thứ Sáu (9/8) và ghi nhận đà hồi phục tích cực sau phiên bán tháo đầu tuần.

Tuần này đánh dấu tuần biến động nhất từ đầu năm 2024 đến nay, khi Dow Jones đã bốc hơi 1.000 điểm, còn S&P 500 sụt 3% trong phiên tồi tệ nhất kể từ năm 2022.

Tuy nhiên, đà hồi phục đã giúp các chỉ số kết tuần này chỉ còn mất điểm nhẹ, với Dow Jones giảm 0,6%, S&P 500 chỉ mất 0,04% và Nasdaq Composite giảm 0,18%.

Kết thúc phiên 9/8: Chỉ số Dow Jones tăng 51,05 điểm (+0,13%), lên 39.497,54 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 24,85 điểm (+0,47%), lên 5.344,16 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 85,28 điểm (+0,51%), lên 16.745,30 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch.

Chứng khoán Trung Quốc rung lắc nhẹ và đóng cửa ít thay đổi, khi có những lo ngại nhất định xung quanh khả năng suy thoái ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,14% xuống 2.858,20 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,17% xuống 3.325,86 điểm.

"Sự phức tạp và không chắc chắn của môi trường bên ngoài đã tăng lên đáng kể. Nhiều vấn đề không thể giải quyết nhanh chóng trong ngắn hạn, kết hợp với sự sụt giảm gần đây của thị trường nước ngoài, thị trường cổ phiếu Trung Quốc sẽ chưa thể tìm ra xu hướng", Công ty chứng khoán Phương Đông nhận định.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng sẽ công bố một loạt các chỉ số trong tuần này, bao gồm tín dụng và các hoạt động kinh tế.

Chứng khoán Hồng Kông giằng co và đóng cửa tăng nhẹ, khi giới đầu tư thận trọng trước các chỉ số kinh tế quan trọng của Trung Quốc sẽ được công bố trong tuần này.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,22% lên 17.12775 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,29% lên 6.035,20 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, khi trọng tâm giới đầu tư chuyển sang dữ liệu kinh tế của Mỹ sẽ công bố trong tuần này để có thể tìm kiếm thêm thông tin về sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 29,87 điểm, tương đương 1,15% lên 2.618,30 điểm.

Thị trường cũng được hỗ trợ bởi thông báo cho thấy, xuất khẩu của Hàn Quốc trong 10 ngày đầu tháng 8 tăng vọt 16,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong số các cổ phiếu lớn, Samsung Electronics tăng 1,07% và SK Hynix tăng 3,2%, nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 2,02%.

Kết thúc phiên 12/8: Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 3,99 điểm (-0,14%), xuống 2.858,20 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 20,38 điểm (+0,12%), lên 17.110,61 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 29,87 điểm (+1,15%), lên 2.618,30 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tiết kiệm tăng chậm, tiền nhàn rỗi vẫn chọn ngân hàng

Lãi suất huy động vẫn ở mặt bằng thấp của nhiều năm dù đã được điều chỉnh thời gian qua, song dòng tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào ngân hàng..>> Chi tiết

- Nhiều cổ phiếu về vùng giá hợp lý

Trong đợt điều chỉnh của thị trường vừa qua, nhiều nhóm cổ phiếu đã giảm đến 20 -30% so với mức đỉnh, mặc dù chỉ số chung giảm chưa đến 10%..>> Chi tiết

- Cơ hội lại mở ra

Thị trường đầu tháng 8 đầy sóng gió khi chỉ số VN-Index biến động mạnh, có phiên giảm xấp xỉ 50 điểm. Nhìn lại tháng 7, cũng là chuỗi ngày không mấy tích cực khi VN-Index dao động trong khoảng 1.220 - 1.300 điểm, đóng cửa chỉ tăng vỏn vẹn 0,5% so với tháng trước đó..>> Chi tiết

- Vượt qua áp lực điều chỉnh

Sau 3 phiên chìm trong sắc đỏ đầu tháng 8/2024, VN-Index có sắc xanh trở lại, nhưng chỉ số có thể cần thêm thời gian để khẳng định ngưỡng hỗ trợ mạnh..>> Chi tiết

- Giao dịch chênh lệch lợi suất vẫn là ẩn số đối với biến động của thị trường

Cho đến thời điểm hiện tại, phiên hoảng loạn của thị trường toàn cầu vào đầu tuần trước trông giống như một cơn chấn động ngắn ngủi và thoáng qua do sự thay đổi chính sách từ Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) và nỗi lo sợ về suy thoái kinh tế ở Mỹ tái diễn..>> Chi tiết

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn