Thị trường tài chính 24h: Tâm lý giao dịch đang được cải thiện

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 9/12 không đổi so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng thêm 400.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 82,70 – 85,20 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng nhẹ 1,4 USD lên 2.633,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục tăng và lên trên 2.655 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 106,00 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 9/12 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.248 đồng/USD, giảm 7 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.157 – 25.460 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng từ 99.500 USD lên 99.800 USD, thì sang ngày hôm nay đã chững lại và giảm về 98.600 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,78 USD (+1,16%), lên 67,98 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,66 USD (+0,93%), lên 71,78 USD/thùng.

VN-Index tăng nhẹ

Sau phiên giao dịch sáng khá ảm đạm khi dòng tiền sụt giảm, VN-Index theo đó trở lại diễn biến giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu.

Bước sang phiên chiều, lực cầu dần cải thiện đã giúp VN-Index có nhịp bật tăng khá tích cực lên trên 1.275 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền chưa đủ mạnh và sự thiếu đồng thuận chung của các cổ phiếu bluechip đã khiến chỉ số hạ nhiệt và đóng cửa chỉ còn tăng nhẹ.

Kết thúc phiên giao dịch 9/12: VN-Index tăng nhẹ 3,7 điểm (+0,29%), lên 1.273,84 điểm; HNX-Index tăng 0,28 điểm (+0,12%), lên 229,21 điểm; UPCoM-Index tăng 0,1 điểm (+0,11%), lên 92,91 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ trái chiều trong phiên thứ Sáu (6/12), sau dữ liệu việc làm được công bố.

Theo đó, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra thêm 227,000 việc làm trong tháng 11, cao hơn so với con số dự báo 214.000. Tỷ lệ thất nghiệp nhích nhẹ lên 4,2%, đúng như dự báo.

Trong tuần, Dow Jones giảm 0,6%, trong khi S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt tăng 0,96% và 3,34%.

Kết thúc phiên 6/12: Chỉ số Dow Jones giảm 123,19 điểm (-0,28%), xuống 44.642,52 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 15,16 điểm (+0,25%), lên 6.090,27 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 159,05 điểm (+0,81%), lên 19.859,77 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giằng co và tăng nhẹ về cuối phiên, khi áp lực chốt lời đối với các cổ phiếu lớn liên quan đến chất bán dẫn đã hạn chế đà đi lên của thị trường.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,18% lên 39.160,5 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,27% lên 2.734,56 điểm.

Cổ phiếu lớn SoftBank Group, tăng 2% và công ty mẹ Uniqlo là Fast Retailing, tăng 1,88%, nằm trong số các cổ phiếu lớn nâng đỡ Nikkei 225.

Nhưng sự sụt giảm của cổ phiếu liên quan đến chip đã đè nặng lên chỉ số tổng thể. Trong đó, đáng kể là mức giảm 4,7% của Advantest, chỉ sau nhà bán lẻ trực tuyến ZOZO, giảm 5%.

Hiện các nhà đầu tư đang tập trung vào các cuộc họp chính sách tiền tệ cho cả Fed và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vào tuần tới, Maki Sawada, chiến lược gia tại Nomura Securities cho biết.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, khi dữ liệu mới cho thấy lạm phát thấp hơn ước tính bất chấp những nỗ lực gần đây của Bắc Kinh.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,05% xuống 3.402,53 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,17% xuống 3.966,57 điểm.

Số liệu vào thứ Hai cho thấy chỉ số tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 11 đã giảm 0,6% và trên cơ sở hàng năm giảm xuống 0,2%, cho thấy những nỗ lực gần đây của Bắc Kinh nhằm củng cố nhu cầu kinh tế chỉ có tác động hạn chế. Điều này đi đôi với việc nhấn mạnh sự cần thiết phải có các gói kích thích chính sách quyết liệt hơn.

Với những cơn gió ngược vẫn tiếp diễn trên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư đang chờ đợi nhiều hơn từ Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương (CEWC) trong tuần này, nơi các nhà hoạch định chính sách dự kiến sẽ vạch ra lộ trình cho nền kinh tế đất nước vào năm 2025.

Chứng khoán Hồng Kông tăng vọt, sau khi Bộ Chính trị Trung Quốc thay đổi lập trường chính sách tiền tệ, ngụ ý rằng sẽ có nhiều nới lỏng hơn.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 2,76% lên 20.414,09 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 3,14% lên 7.360,67 điểm.

Trung Quốc sẽ áp dụng một chính sách tiền tệ "nới lỏng vừa phải", theo một báo cáo chính thức từ một cuộc họp của các quan chức hàng đầu của Đảng cầm quyền nước này, một sự thay đổi từ thuật ngữ được dùng trước đó là "thận trọng".

Báo cáo cũng cho thấy, mục tiêu của các quan chức là ổn định thị trường chứng khoán, bất động sản. Đồng thời, phải thúc đẩy "mạnh mẽ" tiêu dùng và mở rộng nhu cầu trong nước "theo mọi hướng", Tân Hoa Xã dẫn lời Bộ Chính trị Trung Quốc cho biết.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm mạnh xuống dưới mốc 2.400 điểm, khi lo lắng về sự bất ổn chính trị gia tăng sau khi các nhà lập pháp không thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol vào cuối tuần qua.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 67,58 điểm, tương đương 2,78% xuống 2.360,58 điểm.

Kết thúc phiên 9/12: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 69,33 điểm (+0,18%), lên 39.160,50 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 1,54 điểm (-0,04%), xuống 3.402,53 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 584,24 điểm (+2,76%), lên 20.414,09 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 67,58 điểm (-2,78%), xuống 2.360,58 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Dòng tiền tích cực tìm cơ hội

Sự gia tăng rõ nét của thanh khoản, đặc biệt trong hai phiên cuối tuần qua cho thấy cục diện tâm lý giao dịch đang được cải thiện mạnh mẽ..>> Chi tiết

- Thổi niềm hy vọng mới

Tháng 11/2024, kinh tế Việt Nam duy trì đà phục hồi mạnh mẽ, với nhiều điểm sáng tích cực. Lạm phát tăng nhẹ 2,77% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá nhà ở và điện tăng, nhưng vẫn nằm trong kiểm soát, tạo dư địa cho tháng cuối năm..>> Chi tiết

- Canh nhịp chỉnh để giải ngân

Nhà đầu tư có thể tận dụng cơ hội từ các nhịp điều chỉnh ngắn hạn của thị trường để giải ngân, hoặc gia tăng tỷ trọng tại các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt hoặc thu hút dòng tiền..>> Chi tiết

- Thị phần của OPEC+ có thể suy giảm trong những năm tới

Sự xuất hiện của các nhà sản xuất mới bên ngoài OPEC và sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc có thể đang thay đổi cán cân quyền lực của tổ chức này một cách quyết liệt hơn..>> Chi tiết

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn