Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 29/5 tăng 400.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã giảm 600.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 88,30 – 90,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 10 USD lên 2.361,4 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng đảo chiều giảm và chỉ ngừng rơi khi về gần 2.340 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,67 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 29/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.253 đồng/USD, giảm nhẹ 3 đồng so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.265 – 25.465 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm từ 70.100 USD xuống 67.600 USD thì sang ngày hôm nay đã chững lại và giằng co nhẹ quanh ngưỡng trên 68.000 USD/BTC cho đến cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,76 USD (+0,95%), lên 80,59 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,76 USD (+0,90%), lên 84,97 USD/thùng.
VN-Index điều chỉnh
Sau nửa đầu phiên cố gắng trụ lại trên tham chiếu trước sức ép bán gia tăng, thị trường đã đảo chiều giảm khá nhanh và lùi về gần 1.270 điểm khi kết phiên. Thanh khoản có phần được cải thiện với hơn 25.000 tỷ đồng giao dịch trên HOSE.
Tuy nhiên, điểm nhấn lại ở trên sàn HNX, khi nhóm cổ phiếu Apec (API, APS, IDJ) được kéo lên tăng kịch trần từ rất sớm với dư mua trần lớn, nhưng trong phiên chiều, lực bán chốt lời ồ ạt đã diễn ra, đẩy cả 3 quay đầu lao dốc, trong đó APS và API đóng cửa ở mức sàn, còn IDJ giảm 8,75%.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 49,27 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng đạt 1.644,17 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 29/5: VN-Index giảm 9,09 điểm (-0,71%), xuống 1.272,64 điểm; HNX-Index giảm 1,43 điểm (-0,58%), xuống 244,15 điểm; UPCoM-Index tăng 0,31 điểm (+0,32%), lên 95,92 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ phân hoá trong phiên thứ Ba (28/5), với Dow Jones giảm do lợi suất trái phiếu kho bạc tăng, trong khi Nasdaq lần đầu tiên vượt qua mốc 17.000 điểm nhờ lực đẩy từ cổ phiếu Nvidia.
Cổ phiếu Nvidia phiên này đóng cửa tăng 7% và thúc đẩy các cổ phiếu chip khác khi giao dịch trở lại sau ngày nghỉ lễ, với chỉ số phụ ngành bán dẫn Philadelphia tăng 1,9%.
Mặt khác, Dow Jones mất điểm khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất trong nhiều tuần và vượt qua mốc tâm lý quan trọng 4,5%.
Kết thúc phiên 28/5: Chỉ số Dow Jones giảm 21673 điểm (-0,55%), xuống 38.852,86 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,32 điểm (+0,02%), lên 5.306,04 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 99,09 điểm (+0,59%), lên 17.019,88 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi lực bán gia tăng ở nhóm cổ phiếu sau khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất trong hơn 12 năm.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,77% xuống 38.556,87 điểm. Chỉ số Topix giảm gần 1% xuống 2.741,62 điểm.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản (JGB) đã tăng lên 1,075%, mức cao nhất kể từ tháng 12/2011, khi giới đầu tư nâng dự báo khả năng ngày càng tăng rằng việc thắt chặt chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sắp xảy ra.
Lợi suất cao hơn có thể làm tổn thương các cổ phiếu tăng trưởng có sức hấp dẫn nằm ở dòng tiền trong tương lai, với chỉ số nhóm này trên Topix mất 1,1%, trong khi chỉ số cổ phiếu giá trị giảm 0,8%.
Chứng khoán Trung Quốc tăng điểm nhẹ, khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,05% lên 3.111,02 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,12% lên 3.613,52 điểm.
IMF đã điều chỉnh tăng cả mục tiêu GDP năm 2024 và 2025 của Trung Quốc thêm 0,4%, nhưng cảnh báo tăng trưởng ở quốc gia này sẽ chậm lại còn 3,3% vào năm 2029 do dân số già đi và năng suất tăng chậm hơn.
“Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được dự đoán sẽ duy trì ở mức 5% vào năm 2024 và giảm xuống còn 4,5% vào năm 2025”, IMF cho biết.
Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi giới đầu tư bán các cổ phiếu công nghệ, trong khi tâm lý thị trường cũng lo ngại về khả năng Fed sẽ không cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,83% xuống 18.477,01 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,92% xuống 6.557,48 điểm.
Cổ phiếu công nghệ kéo lùi chỉ số, với gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba và Meituan giảm lần lượt 3,5% và 5,3%.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, bị kéo xuống bởi cổ phiếu các nhà sản xuất pin.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 45,55 điểm, tương đương 1,67% xuống 2.677,30 điểm.
Các nhà sản xuất pin lao dốc, với LG Energy Solution giảm tới 5%, Samsung SDI và SK Innovation mất lần lượt 4,8% và 2,8%.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng cá nhân lõi của Mỹ để tìm kiếm các tín hiệu về chính sách lãi suất, cũng như dữ liệu thương mại tháng 4 của Hàn Quốc dự kiến sẽ có vào cuối tuần này.
Kết thúc phiên 29/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 298,50 điểm (-0,77%), xuống 38.556,87 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 1,45 điểm (+0,05%), lên 3.111,02 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 344,15 điểm (-1,83%), xuống 18.477,01 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 45,55 điểm (-1,67%), xuống 2.677,30 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Biến động CASA trong ngành ngân hàng
Các quý gần đây, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngành ngân hàng biến động rất lớn, đặt ra những vấn đề cần lưu ý..>> Chi tiết
- Sóng thoái vốn trở lại
Lịch sử cho thấy, nhiều cổ phiếu tăng bằng lần trước tác động của hoạt động thoái vốn nhà nước, cổ phần hoá… nên dòng tiền thị trường luôn có sự quan tâm nhất định tới chủ đề này..>> Chi tiết
- Kinh tế vĩ mô hỗ trợ thị trường chứng khoán
Ông Abel Lim, Giám đốc Tư vấn và Chiến lược quản lý tài sản, Tập đoàn UOB nhận định, triển vọng của thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục khả quan nhờ các yếu tố hỗ trợ từ kinh tế vĩ mô, dù có những rủi ro từ bên ngoài..>> Chi tiết
- IMF nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc lên 5% trong năm nay
Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố hôm thứ Tư (29/5), nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay nhưng sẽ tăng trưởng chậm hơn trong những năm tới..>> Chi tiết