Thu ngoài lãi giúp ngân hàng “sống khỏe”

Hoạt động dịch vụ tăng trưởng cao

Kết thúc nửa đầu năm nay, với tổng thu nhập đạt hơn 14.000 tỷ đồng, trong đó gần 2.000 tỷ đồng thu ngoài lãi…, Sacombank đã hoàn thành 50,4% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm 2024, đạt 5.342 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước.

Đi qua nửa chặng đường 2024, ACB đạt mức lợi nhuận trước thuế 10.500 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng 12,8% so với đầu năm. Tăng trưởng tốt về quy mô giúp thu nhập lãi của ACB tăng 11% so với cùng kỳ. Đồng thời, thu nhập từ hoạt động dịch vụ đạt mức tăng trưởng cao với 13%, chủ yếu đến từ các sản phẩm cốt lõi như phí thẻ, thanh toán quốc tế…, đưa tổng thu nhập lũy kế 2 quý đầu năm đạt 16.800 tỷ đồng, tăng trưởng 5,5%.

Với TPBank, kết thúc quý II/2024, tổng thu nhập hoạt động riêng lẻ đạt hơn 8.900 tỷ đồng, bật tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu nhập lãi thuần tiếp tục đóng góp lớn nhất khi chiếm gần 75% tổng thu nhập, đạt hơn 6.660 tỷ đồng, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ biên lãi ròng (NIM) vẫn được duy trì dù lãi suất cho vay bình quân giảm thấp, do TPBank đã giảm được chi phí vốn nhờ cơ cấu huy động hợp lý và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng lên.

KBSV từng dự báo NIM của TPBank sẽ giữ ở mức xấp xỉ 4% trong các quý II, III và IV/2024 và đánh giá, đây là mức NIM tích cực và là một yếu tố hỗ trợ cho thu nhập lãi thuần của ngân hàng này. Bên cạnh sự tăng trưởng của thu nhập lãi thuần, thu nhập từ dịch vụ cũng khả quan khi đạt gần 1.700 tỷ đồng nhờ sự đa dạng hóa dịch vụ và sự tăng trưởng về quy mô hoạt động. Ngoài ra, mảng kinh doanh giấy tờ có giá của TPBank cũng mang về lợi nhuận đáng kể khi kết thúc quý II/2024, thu nhập từ mảng này tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, động lực tăng trưởng lợi nhuận chính của Techcombank trong nửa đầu năm 2024 đến từ thu nhập lãi thuần khi nguồn thu chủ chốt này đạt trên 18.000 tỷ đồng, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này có được là nhờ tăng trưởng tín dụng ở mức cao và NIM cải thiện.

Đáng chú ý, các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng trưởng tốt giúp Techcombank lọt vào nhóm ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng cao nhất trong nửa đầu năm nay. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 2.461 tỷ đồng, tăng 21,9% cùng kỳ. Techcombank cho biết, thu phí từ dịch vụ thẻ đạt 1.022 tỷ đồng, tăng 2,7%; thu từ phí dịch vụ bảo hiểm đạt 384,5 tỷ đồng, tăng 32,5%. Techcombank hiện đứng tốp 2 về phí bảo hiểm quy năm (APE) trong quý II/2024 và tốp 3 trong nửa đầu năm 2024.

Thu nhập ngoài lãi của Agribank trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 7.862 tỷ đồng, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ kết quả tích cực của hoạt động ngoại hối, dịch vụ và các hoạt động kinh doanh khác.

Cụ thể, lãi thuần mảng dịch vụ tăng 12,9%, đem về 2.775 tỷ đồng cho Agribank nhờ thu nhập từ dịch vụ thanh toán và thu từ dịch vụ khác cùng tăng trưởng, trong khi chi phí hoạt động dịch vụ giảm nhẹ. Mảng ngoại hối ghi nhận lãi thuần đạt 2.029 tỷ đồng, tăng 59,8% do doanh thu đột biến từ các công cụ tài chính phái sinh tiền tệ đạt 2.084 tỷ đồng, tăng gần 140%, trong khi chi phí mảng này ở mức 521 tỷ đồng.

Đột biến kinh doanh ngoại hối

Trước biến động bất thường của tỷ giá trong nửa đầu năm 2024, nhiều ngân hàng vẫn ghi nhận khoản thu nhập ngoài lãi đáng kể từ kinh doanh ngoại hối, có ngân hàng lãi thuần thuần từ hoạt động này tăng 3 chữ số, thậm chí chuyển từ lỗ sang lãi lớn.

Trước biến động bất thường của tỷ giá trong nửa đầu năm 2024, nhiều ngân hàng vẫn ghi nhận khoản thu nhập ngoài lãi đáng kể từ kinh doanh ngoại hối, có ngân hàng lãi thuần từ hoạt động này tăng 3 chữ số, thậm chí chuyển từ lỗ sang lãi lớn.

Tại Techcombank, ngân hàng này đạt lãi thuần 411 tỷ đồng trong quý II/2024, so với khoản lỗ 11 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, mảng mua bán chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư mang về tổng cộng 750 tỷ đồng, tăng hơn 9 lần cùng kỳ.

Tương tự, ABBank ghi nhận lãi trước thuế gần 390 tỷ đồng trong quý II/2024, tăng gần 6 lần cùng kỳ năm trước, phần lớn nhờ tăng mạnh thu từ kinh doanh ngoại hối. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của ABBank đạt hơn 440 tỷ đồng, tăng 86%; lợi nhuận trước thuế đạt 558 tỷ đồng và hoàn thành 56% kế hoạch lợi nhuận năm.

Trong quý II/2024, SeABank ghi nhận mức tăng 405% của lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối khi mang về hơn 406 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước đạt 71,4 tỷ đồng. Lãi thuần từ mảng này trong quý đạt 303 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt 33 tỷ đồng.

BIDV cũng ghi nhận lãi thuần hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng đột biến trong quý vừa qua, cao hơn 2 lần con số cùng kỳ năm trước khi đạt gần 3.200 tỷ đồng và vượt qua Vietcombank để trở thành quán quân của mảng này trong ngành.

Tương tự, MSB ghi nhận lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối quý II/2024 tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ 2023, mang về 976 tỷ đồng. Nhờ đó, MSB đã nâng tỷ trọng đóng góp của thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập hoạt động lên trên 33,05% trong quý II, cải thiện đáng kể so với mức 24,14% của quý trước đó. Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 của MSB cho thấy, thu từ kinh doanh ngoại tệ giao ngay và vàng tăng đột biến trong kỳ, từ gần 390 tỷ đồng lên 1.233 tỷ đồng, tăng 216%, trong khi chi phí của mảng này lại giảm gần một nửa.

HDBank với khoản lãi thuần từ mảng kinh doanh ngoại hối quý II/2024 tăng 405% so với cùng kỳ năm trước, đạt 485 tỷ đồng. VietABank cũng là một trong số các ngân hàng có tăng trưởng đột biến lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối trong 6 tháng đầu năm 2024 với 14,5 tỷ đồng, gấp hơn 9 lần cùng kỳ năm trước (đạt 1,5 tỷ đồng).

Hoạt động kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng có 2 nguồn thu chủ yếu là kinh doanh ngoại tệ giao ngay và công cụ tài chính phái sinh tiền tệ. Dữ liệu từ các ngân hàng cho thấy, trong quý II/2024, mức tăng trưởng đột biến từ kinh doanh ngoại hối của các ngân hàng chủ yếu đến từ mảng kinh doanh ngoại tệ giao ngay, mà mảng này phụ thuộc nhiều vào biến động của tỷ giá USD và các ngoại tệ khác trong nước. Ngoài ra, một số ngân hàng còn ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh vàng, nhưng không đáng kể.

Trong nửa đầu năm 2024, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất USD ở mức cao lâu hơn kỳ vọng, cùng sự phân hóa trong điều hành chính sách tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới khiến đồng tiền của nhiều nước bị giảm giá, trong đó có VND. Tính đến ngày 23/7/2024, VND đã mất giá gần 5% so với USD, nhưng vẫn thấp hơn so với nhiều nước khác trên thế giới.

UOB nhận định rằng, VND sẽ mạnh dần lên so với USD, tỷ giá VND/USD giảm dần từ 25.200 đồng/USD trong quý III/2024 xuống 25.000 đồng/USD trong quý IV; 24.800 trong quý I/2025 và 24.600 đồng/USD trong quý II/2025.

Shinhan Bank cũng đánh giá, tỷ giá hối đoái USD/VND sẽ sớm đạt đỉnh trong quý III/2024 và sau đó sẽ hạ nhiệt. Shinhan Bank dự báo, tỷ giá USD/VND bình quân năm 2024 dự kiến sẽ ở mức 25.040 đồng/USD.

Ông Pyon Young Hwan - Giám đốc phụ trách Giao dịch ngoại hối và Phái sinh - Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho rằng, khả năng cao Fed sẽ cắt giảm lãi suất 2 lần trong thời gian còn lại của năm 2024 (trong tháng 9 và tháng 12), từ đó giảm áp lực lên tỷ giá.

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, tỷ giá là vấn đề phức tạp, thời gian qua khi chịu tác động từ cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan, là mối quan hệ tổng hóa trong việc điều hành chính sách.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn