Tiềm năng tăng trưởng hậu M&A, một cổ phiếu ngành bán lẻ được kỳ vọng tăng 9%
Trong báo cáo triển vọng đầu tư nửa cuối năm 2024, Chứng khoán Shinhan Việt Nam (Shinhan Securities) kỳ vọng tăng trưởng ngành bán lẻ đạt 8-9% trong nửa cuối năm 2024 và 7,5-8,5% trong cả năm 2024.
Shinhan Securities đã chỉ ra 3 động lực thúc đẩy ngành bán lẻ gồm: Kỳ vọng tăng trưởng của nền kinh tế; thu nhập người dân cải thiện, tỷ lệ đô thị hóa cao và động lực tăng trưởng từ các ngành hàng bán lẻ mới.
GDP được dự báo sẽ tăng trưởng từ 6-6,5% năm 2024; GDP thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam được cải thiện tích cực, đạt 4.284 USD năm 2023 (tăng 3,9% so với cùng kỳ).
Ngoài ra, tỷ lệ lạm phát cũng được Nhà Nước duy trì ở mức ổn định từ 4-4,5%. Chứng khoán Shinhan cho rằng, đây sẽ là chất xúc tác giúp ngành bán lẻ và nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng bền vững sau giai đoạn phục hồi.
Bên cạnh đó, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2024 được dự báo đạt gần 7 triệu tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm phần lớn, ước tính đóng góp 77-78% trong tổng doanh thu, trong đó ước tính doanh thu bán lẻ hàng hóa vượt 4,91 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ.
Những động lực thúc đẩy tăng trưởng ngành bán lẻ. Nguồn: Shinhan Securities |
Với những động lực trên, chuyên gia đã gợi ý 4 mã cổ phiếu tiềm năng của ngành bán lẻ, bao gồm DGW (Digiworld), MWG (Thế giới di động), PNJ và FRT (FPT Retail).
Trong đó, khác biệt với nhóm các nhà bán lẻ như FPT Retail hay Thế giới di động, Digiworld đứng ở vai trò nhà phân phối các sản phẩm: Từ Digiworld, các sản phẩm sẽ được phân phối đến cho các nhà bán lẻ và các đại lý, siêu thị bán lẻ.
Theo Shinhan Securities, một trong những yếu tố trọng yếu, là xúc tác giúo tăng giá trị thị trường bán lẻ ở Việt Nam là chu kỳ thay mới các thiết bị ICT. Tính từ thời điểm giãn cách xã hội khiến nhiều người phải quen với việc học tập và làm việc tại nhà, chu kỳ thay mới thiết bị được dự báo bắt đầu từ cuối năm 2023 và sẽ tăng mạnh vào 2024.
Trên thực tế, ngành bán lẻ nói chung đã có sự tăng trưởng chậm thời gian gần đây, tuy nhiên kết quả không thể hiện quá rõ nét khi mức độ tăng trưởng của các doanh nghiệp bị phân hóa. FPT Retail và Thế giới di động ầm ĩ bước vào cuộc chiến cạnh tranh giá, nhường sân chơi cho Digiworld.
Trong khi đó, Digiworld với tư thế của một nhà phân phối, cùng với công thức MES toàn năng, đã liên tục bắt tay, đưa các thương hiệu lớn thâm nhập vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Ngoài ra, Digiworld mở rộng phân phối thiết bị gia dụng, hàng tiêu dùng như Nestlé, Lion, Abinbev và các nhãn hàng mới như Lotte Chilsung...
Ngoài việc mở rộng tệp khách hàng, Digiworld cũng không ngừng lớn mạnh bằng những thương vụ M&A với loạt doanh nghiệp tiềm năng, kết nạp thêm những mảnh ghép phù hợp trong chuỗi giá trị của Digiworld. Đây là động lực tăng trưởng mới, giúp cải thiện biên lợi nhuận của Digiworld trong thời gian sắp tới.
Năm 2024, Digiworld đặt mục tiêu doanh thu thuần 23.000 tỷ đồng, tăng trưởng 22% so với năm 2023; mục tiêu lãi sau thuế tăng trưởng 38% lên 490 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Digiworld cũng kỳ vọng mảnh ghép Achison sẽ mang về 1.000 tỷ đồng doanh thu và 50 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2024.
Dự báo kết quả kinh doanh của DGW. Nguồn: Shinhan Securities |
Một trong những ưu điểm của Digiworld mà Shinhan Securities nhấn mạnh về tầm quan trọng là lợi thế từ chuỗi cầm đồ vietmonney sau khi doanh nghiệp sở hữu chi phối 72,8%. Yếu tố Vietmoney kết hợp với sự kiện Digiworld nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Tập đoàn B2X Việt Nam lên 90% khiến cho kế hoạch mở rộng mảng kinh doanh thiết bị điện tử cũ được hoàn tất. Với những "quân bài" sẵn có trong tay, cùng với hệ thống mới kết nạp, Digiworld sẽ nâng cao năng lực hỗ trợ đối tác sau bán hàng.
Từ những luận điểm trên, Shinhan Securities kỳ vọng cổ phiếu DGW có thể bứt phá, với giá mục tiêu 67.500 đồng/cổ phiếu, kỳ vọng tăng 9% so với giá đóng cửa ngày 27/6.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn