Tiền vào ồ ạt, cổ phiếu đầu ngành nhựa tăng "vùn vụt" lên đỉnh lịch sử cùng "sóng" thoái vốn Nhà nước

Sau quãng thời gian đi ngang tích lũy lấy đà, cổ phiếu NTP của CTCP Nhựa Thiếu niên - Tiền Phong diễn biến khởi sắc từ đầu tháng 8 tới nay. Phiên 16/8 ghi nhận sự bùng nổ về cả giá lẫn thanh khoản, NTP tăng kịch trần gần 10% lên mức 70.900 đồng/cp, qua đó tiếp tục thiết lập đỉnh cao mới về giá kể từ khi niêm yết trên sàn (tính theo giá điều chỉnh).

So với đầu năm 2024, thị giá NTP tăng tới 83%, vốn hóa thị trường leo lên hơn 10.100 tỷ đồng. Dòng tiền đổ vào mạnh đưa khối lượng giao dịch tăng vọt lên hơn 1,5 triệu đơn vị - cao thứ 2 trong lịch sử chỉ sau phiên đột biến 16/11/2021.

Untitled.png

NTP dậy sóng sau khi lọt vào danh sách thoái vốn đợt 2/2024 của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Nhựa Thiếu niên Tiền Phong góp mặt với khoản vốn của SCIC gần 481 tỷ tương ứng hơn 48 triệu cổ phần (37,1% vốn) tại doanh nghiệp. Câu chuyện thoái vốn Nhà nước được kỳ vọng sẽ giúp Nhựa Tiền Phong có thêm động lực để bứt phá. Tạm tính theo mức thị giá hiện tại, số cổ phần Nhựa Tiền Phong trong tay SCIC (37,1% vốn) có giá trị hơn 3.750 tỷ đồng.

Nửa năm hoàn thành 75% mục tiêu lãi, muốn "lấn sân" sang mảng giáo dục

Nhựa Tiền Phong được thành lập năm 1960, niêm yết trên sàn HNX năm 2006, vốn điều lệ hiện đạt 1.425 tỷ đồng. Doanh nghiệp sở hữu 3 nhà máy hoạt động hết công suất ngày đêm tại Hải Phòng, Nghệ An và Bình Dương với tổng năng lực sản xuất khoảng 190.000 tấn/năm. Hệ thống phân phối rộng khắp cả nước với 9 trung tâm phân phối cùng 300 đại lý và trên 16.000 điểm bán hàng trên toàn thị trường.

Cơ cấu cổ đông ở NTP, ngoài SCIC, doanh nghiệp còn có 3 cổ đông lớn khác là Sekisui Chemical (15%), Nhựa Thiếu niên Tiền phong phía Nam (14,27%) và Chủ tịch HĐQT Đặng Quốc Dũng (6,87%). Nếu "ôm" trọn lô cổ phiếu thoái vốn từ SCIC, cổ đông Nhật Bản có thể nắm quyền chi phối tại Nhựa Tiền Phong.

photo-1723795463679

Về tình hình kinh doanh, nửa đầu năm 2024, doanh nghiệp đầu ngành nhựa này ghi nhận 2.629 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ. Công ty lãi trước thuế 415 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 45% so với thực hiện nửa đầu năm 2023.

Trong năm 2024, NTP đặt ra kế hoạch với doanh thu 5.400 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 555 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và giảm 13%. Như vậy sau 6 tháng, công ty đã hoàn thành 49% kế hoạch doanh thu và 75% kế hoạch lợi nhuận.

Untitled.png

Ngoài mảng kinh doanh chính, Nhựa Tiền Phong rục rịch "lấn sân" sang mảng giáo dục khi lên kế hoạch đầu tư một tổ hợp giáo dục mang tên "Trường phổ thông có nhiều cấp học Tiền phong" tại địa chỉ số 2 An Đà – trụ sở chính của công ty.

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 vừa qua, ông Đặng Quốc Dũng – Chủ tịch HĐQT chia sẻ: "Nhiều người băn khoăn về việc Nhựa Tiền Phong không có kinh nghiệm làm giáo dục, tuy nhiên làm được hay không đều là do con người, có ai tự nhiên làm được cái gì, đều phải đi học hỏi".

Theo chia sẻ của Giám đốc tài chính NTP, sau khi được thông qua chủ trương, công ty sẽ tiến hành các thủ tục tiếp theo với chính quyền thành phố về dự án. Sơ bộ vốn đầu tư dự kiến là 600 tỷ đồng với 50% được tài trợ từ vốn chủ sở hữu, doanh thu dự kiến 180-200 tỷ đồng/năm và thu hồi vốn trong khoảng thời gian 8-10 năm.

Xem thêm tại cafef.vn