Tiếp tục gỡ khó thị trường trái phiếu

Những nút thắt

Theo ghi nhận từ FiinRatings, giá trị phát hành TPDN 7 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 178.000 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ nhóm tổ chức tín dụng, với giá trị phát hành tăng tới 4 lần và chiếm 73% tổng giá trị phát hành. Từ đầu quý II/2024, tận dụng môi trường lãi suất thấp, các tổ chức tín dụng tăng cường phát hành trái phiếu kỳ hạn từ 3 năm trở lên để củng cố các tỷ lệ an toàn vốn và chuẩn bị cho tăng trưởng tín dụng cho các tháng còn lại của năm. Một số ngân hàng tích cực phát hành trong 7 tháng qua như ACB, Techcombank, MBBank, BIDV…

Trong khi đó, hoạt động phát hành của các ngành khác khá ảm đạm, đặc biệt là ngành bất động sản. Trong 7 tháng đầu năm, giá trị phát hành trái phiếu của ngành này vào khoảng gần 35.000 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành phi tài chính khác như năng lượng, thương mại dịch vụ… gần như vắng bóng trên thị trường trái phiếu sơ cấp.

Các tổ chức tín dụng đồng thời là nhóm nhà đầu tư trái phiếu lớn nhất, chiếm 54% tổng giá trị giao dịch sơ cấp toàn thị trường nửa đầu năm 2024, đứng sau là công ty chứng khoán (19%) và các tổ chức khác, bao gồm công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư… (19%). Mức độ tham gia của các nhà đầu tư cá nhân còn rất nhỏ, với tỷ trọng chỉ 5%. Trong bối cảnh pháp lý và chính sách vẫn còn giới hạn việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tài chính phi ngân hàng, ngân hàng vẫn là nhóm nhà đầu tư chính và là động lực tăng trưởng cho thị trường TPDN. Tăng trưởng tín dụng tăng tốc thời gian gần đây báo hiệu mức độ hấp thụ vốn đang dần cải thiện và thúc đẩy các ngân hàng đa dạng đầu ra sang kênh đầu tư TPDN, từ đó giúp thị trường TPDN sôi động trở lại.

Về tình hình đáp ứng nghĩa vụ của các tổ chức phát hành, FiinRatings ước tính tổng giá trị TPDN có vấn đề tính đến tháng 8/2024 (bao gồm cả những TPDN cơ cấu lại và giãn hoãn kỳ hạn) ở mức hơn 230.000 tỷ đồng, tương ứng 15,3% tổng giá trị TPDN lưu hành. Ngành năng lượng có tỷ lệ TPDN có vấn đề lớn nhất (60,8%), tiếp đến là bất động sản (36,4%) và thương mại, dịch vụ (20,4%). Tuy nhiên, giá trị trái phiếu bất động sản có vấn đề vẫn cao nhất, khoảng hơn 150.000 tỷ đồng tại cuối tháng 8/2024 (hơn 65% tổng giá trị trái phiếu có vấn đề). Nhóm doanh nghiệp này gặp khó khăn do sử dụng đòn bẩy tài chính cao trong thời gian dài, trong khi nguồn thu vẫn chưa hồi phục do doanh nghiệp chưa thể quay trở lại quỹ đạo kinh doanh. Bên cạnh đó, vướng mắc pháp lý, các vấn đề về khó khăn huy động vốn và niềm tin của người mua nhà cũng vẫn là các thách thức đáng kể đối với khối doanh nghiệp bất động sản nhà ở.

Nguồn: FiinRatings, HNX. Số liệu cập nhật đến ngày 26/08/2024. Ghi chú: 1. Kích thước hình tròn thể hiện quy mô giá trị mệnh giá trái phiếu có vấn đề lũy kế từ trong giai đoạn 1/1/2023 tới 26/08/2024; 2. TPDN có vấn đề gồm: (i) Chưa giải quyết: Doanh nghiệp có công bố thông tin chậm trả trên HNX, và có thông báo thanh toán hay xử lý bằng hình thức khác; và (ii) Đã tái cấu trúc: Doanh nghiệp đã đàm phán thành công với trái chủ và có nghị quyết người sở hữu trái phiếu; 3. Tỷ lệ TPDN có vấn đề trên được tính bằng (i) tổng giá trị lưu hành của các lô trái phiếu trong giai đoạn tính toán, chia cho (ii) Tổng giá trị lưu hành của thị trường TPDN riêng lẻ tại đầu năm 2024.

Nguồn: FiinRatings, HNX. Số liệu cập nhật đến ngày 26/08/2024.

Ghi chú:

1. Kích thước hình tròn thể hiện quy mô giá trị mệnh giá trái phiếu có vấn đề lũy kế từ trong giai đoạn 1/1/2023 tới 26/08/2024;

2. TPDN có vấn đề gồm: (i) Chưa giải quyết: Doanh nghiệp có công bố thông tin chậm trả trên HNX, và có thông báo thanh toán hay xử lý bằng hình thức khác; và (ii) Đã tái cấu trúc: Doanh nghiệp đã đàm phán thành công với trái chủ và có nghị quyết người sở hữu trái phiếu;

3. Tỷ lệ TPDN có vấn đề trên được tính bằng (i) tổng giá trị lưu hành của các lô trái phiếu trong giai đoạn tính toán, chia cho (ii) Tổng giá trị lưu hành của thị trường TPDN riêng lẻ tại đầu năm 2024.

Giải pháp tháo gỡ

Trước những thách thức hiện tại, thị trường TPDN Việt Nam cần có những giải pháp đồng bộ và toàn diện để phát triển lành mạnh và bền vững:

Một là, hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế giám sát. Để tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển của thị trường TPDN, cần rà soát và sửa đổi toàn diện các quy định trong Luật Chứng khoán 2019, Nghị định 153/2020/NĐ-CP và Nghị định 65/2022/NĐ-CP theo hướng: thứ nhất, mở rộng phạm vi các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp để đủ điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Hiện nay, phạm vi quy định vẫn còn hạn chế, trong khi đây là cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường, giảm thiểu rủi ro và đảm bảo hiệu quả đầu tư; thứ hai, bổ sung các điều kiện về phát hành trái phiếu riêng lẻ, cụ thể là các tỷ lệ tài chính, mục đích phát hành, tài sản bảo đảm khi phát hành… doanh nghiệp phải đáp ứng - những quy định này sẽ góp phần nâng cao khả năng thanh toán và giảm rủi ro vỡ nợ; thứ ba, tăng cường hoạt động giám sát và hướng dẫn của các cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp trong quá trình phát hành, đặc biệt là đối với các trái phiếu mang tính đại chúng cao, chào bán rộng rãi cho nhà đầu tư cá nhân hoặc trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm.

Hai là, nâng cao tính minh bạch thông tin. Để tăng cường niềm tin của nhà đầu tư và sự lành mạnh của thị trường, việc nâng cao tính minh bạch thông tin là vô cùng quan trọng. Cần yêu cầu các tổ chức phát hành công bố đầy đủ, kịp thời thông tin về tình hình tài chính, kết quả kinh doanh và việc sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu. Việc đẩy mạnh áp dụng xếp hạng tín nhiệm độc lập, đặc biệt đối với trái phiếu phát hành cho nhà đầu tư cá nhân, sẽ giúp nhà đầu tư có thêm công cụ đánh giá rủi ro. Bên cạnh đó, cần phát triển cơ sở dữ liệu chuẩn về đường cong lợi suất, chênh lệch lợi suất và lịch sử chậm trả theo ngành, đặc biệt là theo mức xếp hạng tín nhiệm, tạo điều kiện cho các bên liên quan tiếp cận thông tin một cách thuận lợi, hiệu quả và thực hiện định giá trái phiếu.

Ba là, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư. Để tạo động lực phát triển cho thị trường TPDN, việc mở rộng và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư là rất cần thiết. Các định chế đầu tư tổ chức bao gồm quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện còn sở hữu rất hạn chế (chưa đến 10% giá trị trái phiếu lưu hành). Cần xem xét sửa đổi các quy định để tạo điều kiện cho các định chế tài chính như công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tham gia sâu hơn vào thị trường TPDN. Đối với các công ty bảo hiểm, nên xem xét nới lỏng về việc đầu tư vào trái phiếu phát hành với mục đích cơ cấu nợ. Ngoài ra, cũng nên khuyến khích và cho phép Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đầu tư một tỷ lệ nhất định và phù hợp vào TPDN có mức độ xếp hạng tín nhiệm cao. Bên cạnh đó, việc áp dụng các chính sách ưu đãi thuế phù hợp có thể khuyến khích đầu tư dài hạn vào TPDN, góp phần ổn định và phát triển thị trường.

Bốn là, phát triển các sản phẩm mới. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường và thu hút nguồn vốn mới, việc phát triển các sản phẩm TPDN mới là cần thiết. Cần thúc đẩy phát triển trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững để đáp ứng xu hướng ESG và thu hút vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư có định hướng phát triển bền vững. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm phái sinh trái phiếu (ví dụ quỹ ETF trái phiếu, hợp đồng tương lai trái phiếu…) sẽ giúp tăng tính thanh khoản và cung cấp công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư, góp phần làm sâu sắc thêm thị trường TPDN.

Ngoài ra, nên xem xét thành lập Quỹ Bảo lãnh trái phiếu. Bên đứng ra bảo lãnh sẽ thực hiện cam kết thanh toán một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ nợ của tổ chức phát hành trong trường hợp tổ chức phát hành không thể thực hiện nghĩa vụ nợ đã cam kết. Quỹ bảo lãnh này không chỉ giới hạn ở các trái phiếu của các ngân hàng thương mại mà cả trái phiếu của các doanh nghiệp (không phải là tổ chức tín dụng) với những tiêu chí nhất định về chất lượng tín dụng hoặc mức xếp hạng tín nhiệm. Việc thiết lập một định chế bảo lãnh như vậy không những giúp nhà đầu tư quản trị rủi ro tốt hơn mà còn là chất xúc tác đưa dòng tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư vào kênh đầu tư trái phiếu, thay vì chỉ tập trung gửi tiết kiệm tại ngân hàng.

Năm là, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thị trường. Cần tiếp tục phát triển hệ thống giao dịch thứ cấp tập trung, minh bạch, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư giao dịch thuận lợi và an toàn.

Sáu là, tăng cường giáo dục tài chính cho nhà đầu tư. Để xây dựng một thị trường TPDN lành mạnh và bền vững, việc nâng cao kiến thức và kỹ năng của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân là vô cùng quan trọng.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn