Tín dụng phục hồi, dự báo tăng trưởng mạnh

Cho phép ngân hàng tự nới room, giải pháp gỡ điểm nghẽn tín dụng

Tính đến ngày 26/8, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,63% so với cuối năm 2023. Trước đó, tín dụng bật tăng mạnh trong tháng 5 và tháng 6, nhưng lại tăng trưởng âm trong tháng 7. Dù vậy, tín dụng phục hồi nhẹ trong tháng 8 chưa thực sự lạc quan. Con số 6,63% được đánh giá là “thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng đầu năm”.

Trước đó, thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại cuối tháng 7 ghi nhận, dòng tiền ra nền kinh tế sụt giảm, tín dụng trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng tăng 4,3%; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 9,8%; lĩnh vực công nghệ cao tăng 18,16%; tín dụng bất động sản tăng 4,6% so với cuối năm 2023 (trong đó, tín dụng cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng 10,3%, nhưng tín dụng cho bất động sản tiêu dùng chỉ nhích nhẹ, tăng 1,2%)...

Bức tranh tăng trưởng tín dụng cũng có sự khác biệt lớn khi có đơn vị tăng thấp, thậm chí tăng trưởng âm, trong khi một số tổ chức tín dụng (TCTD) tăng sát chỉ tiêu được giao.

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh SHB Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh SHB Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Trước tình hình trên, NHNN đã có thông báo tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% hạn mức (room) đã được giao từ đầu năm sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của tổ chức tín dụng. Đáng chú ý, nhà điều hành cho biết sẽ chủ động điều chỉnh room cho từng ngân hàng, mà không yêu cầu họ phải gửi đề nghị cấp thêm.

Tính đến hết quý II/2024, có 16 ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao hơn mức trung bình ngành. Trong đó, một số ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng trên 12% như LPBank tăng trưởng 15,2%, Techcombank: 14,2%, ACB: 12,8% và HDBank: 12,5%. Theo đó, các ngân hàng trên được kỳ vọng sẽ là những TCTD đầu tiên được xét cấp thêm room tín dụng trong thời gian tới.

Công ty Chứng khoán Maybank phân tích, 2 nhóm ngân hàng có tiềm năng cao trong việc được nới room tín dụng trong nửa cuối năm là nhóm các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước với tệp khách hàng DN lớn như Vietcombank và VietinBank, và nhóm các NHTM sở hữu tệp khách hàng bán lẻ phân khúc trung lưu như VPBank.

Bất động sản, tiêu dùng sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

Những tháng cuối năm, dù còn khó khăn nhưng với tình hình kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, đặc biệt là những nhóm ngành lĩnh vực động lực tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực, sẽ là yếu tố môi trường quan trọng để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.

Ước tính đến cuối tháng 8/2024, tổng dư nợ tín dụng của các TCTD trên địa bàn TP Hà Nội đạt 4.103 nghìn tỷ đồng, tăng 13,44% so với thời điểm kết thúc năm 2023.

“Nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế đã hồi phục, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp; đồng thời các NHTM thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn nên dư nợ cho vay tăng trưởng tốt” - Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hà Nội Nguyễn Minh Tuấn cho biết.

VCBS dự báo, động lực tăng trưởng tín dụng đến từ hoạt động sản xuất, xuất khẩu tích cực, du lịch tăng trưởng mạnh, từ xuất khẩu hay khối FDI vẫn tiếp tục tăng trưởng. Thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm có tính lan tỏa cao như dự án đầu tư cơ sở hạ tầng; Thị trường bất động sản hồi phục rõ nét hơn từ quý II/2024 kéo theo tăng trưởng tín dụng các phân khúc cho vay DN BĐS, xây dựng, cho vay mua nhà.

Những chính sách với 3 luật liên quan bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/8, đang được kỳ vọng tạo động lực với nguồn cung khả quan hơn trong thời gian tới với các dự án tiếp tục được đẩy nhanh triển khai sau các nỗ lực hỗ trợ về lãi suất, pháp lý.

Lĩnh vực bất động sản vốn chiếm đến hơn 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đang có chuyển động theo hướng tích cực. Bất động sản là một lĩnh vực hấp dẫn đối với hoạt động cho vay ngân hàng do nhu cầu cao và ổn định, cùng với tài sản thế chấp mạnh. Nhu cầu cho nhà ở rất lớn nên dư địa cho vay còn rất nhiều, đại diện một số ngân hàng chia sẻ.

PVComBank trong thông báo về lãi suất cho vay với khách hàng mua nhà mới đây nhất, lãi vay trên 36 tháng tại ngân hàng này là 9,49%/năm trong 6 tháng đầu tiên. Hết thời gian ưu đãi, lãi suất sẽ được tính bằng lãi suất cơ sở cộng thêm 3,5%/năm.

Eximbank cũng đang tích cực ưu đãi cho gói tín dụng bất động sản khi cho vay tới 85% giá trị tài sản bảo đảm, lãi suất chỉ từ 3,5%/năm, thời hạn cho vay tối đa 40 năm và chính sách ân hạn gốc 7 năm. Nhiều ngân hàng vẫn đang tiếp tục tung ra các gói ưu đãi cho vay đối với cả khách hàng cá nhân lẫn DN.

Các chuyên gia cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt được khi kỳ vọng sản xuất kinh doanh và chính sách tháo gỡ bất động sản vào nửa cuối năm.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong điều kiện kinh tế thuận lợi, cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cho vay tiêu dùng vào mùa phục hồi, tăng trưởng tín dụng sẽ tích cực hơn trên cơ sở an toàn, hiệu quả, lành mạnh, bảo đảm chất lượng tín dụng. Lãnh đạo NHNN kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của ngành Ngân hàng năm nay có thể đạt mục tiêu cao 15%.

Lãi suất cho vay sẽ duy trì ở mức hấp dẫn

Cùng với việc nới room tín dụng cho một loạt ngân hàng, gần đây tỷ giá trong nước đang hạ nhiệt nhanh chóng khi khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất tới gần, thị trường kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho chính sách tiền tệ của Việt Nam.

Đầu ra lớn nhất của tín dụng là xuất khẩu, bất động sản và tiêu dùng. Hiện nay, xuất khẩu đã bắt đầu có tín hiệu tích cực, tiêu dùng còn đang khó khăn khi người dân thắt chặt chi tiêu. Kinh nghiệm cho thấy, cách để ngân hàng đẩy vốn ra nền kinh tế mạnh nhất, nhanh nhất, ngân hàng yên tâm nhất là phục hồi thị trường bất động sản.

TS. Lê Xuân Nghĩa

“Nếu Fed đưa ra quyết định giảm lãi suất trong tháng 9 này, USD sẽ tiếp tục giảm giá, áp lực với VND sẽ giảm đi, Điều này giúp Việt Nam kiểm soát lạm phát tốt hơn. Tỷ giá và lạm phát giảm, khiến NHNN có thể nới lỏng thêm chính sách tiền tệ, tức giảm lãi suất” - chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá.

Tổng Giám đốc ACB Từ Tiến Phát cho hay, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đến hết tháng 5/2024 đạt khoảng 9,5%. Song để kích cầu tín dụng trong bối cảnh hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay thấp sẽ duy trì ít nhất từ nay đến cuối năm 2024 nhằm hỗ trợ khách hàng, nhất là đối với DN. Vì thế, ACB cũng đưa ra mức lãi suất thấp cho khách hàng DN 4 - 6%/năm. Đối với khách hàng cá nhân, ACB cho vay lãi suất dao động trong khoảng 6 - 8%/năm.

Trên thực tế, nhóm NHTM cổ phần tư nhân với thị phần và quy mô tín dụng lớn hơn so với các ngân hàng quy mô nhỏ như Techcombank, VPBank, MBB, ACB, HDBank, VIB, MSB, Eximbank, OCB… đều đã bung mạnh các gói ưu đãi lãi suất vay dành cho bán lẻ, DNVVN và đặc biệt cho nhóm tiêu dùng bất động sản (cho vay mua nhà).

Cạnh tranh lãi suất ưu đãi cố định ở mức thấp từ 2 - 3 năm và biên độ thả nổi sau ưu đãi thấp với nhóm Big 4, còn có các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam như UOB Việt Nam, Shinhan Việt Nam, Standard Chartered Việt Nam, Woori Việt Nam…

Cùng với môi trường kinh tế thuận lợi hơn, lãi suất thấp và chính sách tiền tệ nới lỏng của NHNN được cho là những yếu tố có tác động đến tăng trưởng tín dụng.

Đà giảm của tỷ giá USD/VND thời gian qua sẽ giúp NHNN có thêm dư địa trong việc điều tiết lãi suất tiền đồng, theo hướng có lợi cho tăng trưởng tín dụng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc các ngân hàng được nới thêm room tín dụng có thể sẽ là động lực để lãi suất cho vay tiếp tục giảm.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Xem thêm tại nguoiquansat.vn