Tình cảnh trái ngược giữa hai nhóm dự thầu sân bay Long Thành: VCG, CC1, PHC tăng trần; CTD, HBC giảm mạnh
Giới đầu tư dường như đang đặt cược vào khả năng chiến thắng của nhóm Vietur, với đầu tàu là Tập đoàn IC ISTAS và nhóm công ty của ông Nguyễn Bá Dương.
Tình cảnh trái ngược giữa hai nhóm thầu sân bay Long Thành: VCG, CC1, PHC tăng trần, CTD, HBC giảm mạnh
Giới đầu tư dường như đang đặt cược vào khả năng chiến thắng của nhóm Vietur, với đầu tàu là Tập đoàn IC ISTAS và nhóm công ty của ông Nguyễn Bá Dương.
Một hiện tượng trái ngược đang diễn ra ở cổ phiếu của hai nhóm công ty tham gia đấu giá sân bay Long Thành trong phiên 24/07.
Diễn biến của các cổ phiếu thuộc nhóm Hoa Lư và Vietur |
Nhà đầu tư đổ xô gom cổ phiếu các công ty thuộc nhóm Vietur, với VCG, PHC, HAN và CC1 đồng loạt tăng kịch biên độ và đang dư mua trần khối lượng lớn. Trong khi đó, họ lại ngoảnh mặt với nhóm Hoa Lư, CTD có lúc giảm sàn, HBC giảm hơn 4%.
Đây chính là hai nhóm tham gia vào quá trình đấu giá gói thầu 5.10 xây dựng sân bay Long Thành. Gói thầu này trị giá 35.2 ngàn tỷ đồng, bao gồm việc thiết kế bản vẽ thi công và thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị cho công trình Nhà ga hành khách của Dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không.
Trong đó, liên danh Hoa Lư do Coteccons (CTD) đứng đầu, gồm 8 nhà thầu như Hòa Bình (HBC), Central, An Phong, Delta, Unicons, Thành An và Power Line Engineering (PLE - Thái Lan).
Còn liên danh Vietur bao gồm 10 thành viên: Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC ISTAS (Thổ Nhĩ Kỳ), CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons, CTCP Đầu tư Xây dựng Newtecons, CTCP Đầu tư Xây dựng SOL E&C, Tổng Công ty Xây dựng Số 1 (CC1), CTCP Kết cấu ATAD, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - VCG), Xây dựng Phục Hưng Holdings (PHC), CTCP Hawee Cơ điện, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (HAN). Trong đó, IC ISTAS đứng đầu liên danh này.
Dự án cảng hàng không sân bay quốc tế Long Thành được xem là dự án trọng điểm của Việt Nam, nhằm giảm áp lực cho Sân bay Tân Sơn Nhất và phát triển kết nối giao thông, thương mại, du lịch, đầu tư giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, trên thế giới.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng gói thầu 5.10 triển khai chậm, không đáp ứng được tiến độ Dự án theo yêu cầu của Quốc hội. Ông đốc thúc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sớm lựa chọn nhà thầu phù hợp.
Trong diễn biến gần đây, liên danh Hoa Lư do Coteccons đứng đầu cam kết xây nhà ga sân bay Long Thành trong 36 tháng.
Hiện vẫn chưa có thông tin chính thức về bên trúng thầu. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán - vốn được xem là “chuông gió” báo trước về các diễn biến trong nền kinh tế - phải chăng đang ngụ ý về một chiến thắng dành cho nhóm Vietur?
Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư khoảng 336,630 tỷ đồng, chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn 1 xây một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách/năm. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2025. Giai đoạn 2, sân bay được xây thêm một đường cất hạ cánh cấu hình mở và nhà ga để đạt công suất 50 triệu khách/năm; giai đoạn 3 hoàn thành hạng mục còn lại để sân bay đạt công suất 100 triệu khách/năm. |
Vũ Hạo