Thu hẹp hoạt động, vẫn lãi nhờ tự doanh
Gần nhất, tháng 6, vụ thao túng chứng khoán tại nhóm cổ phiếu “họ” Apec bị khởi tố, với 3 doanh nghiệp liên quan là CTCP chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APS), CTCP Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (API) và CTCP đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ). Trong nhóm này, CTCP Chứng khoán Apec (APS) vừa công bố Báo cáo tài chính quý II, lãi sau thuế hơn 16 tỷ đồng. Kết quả này tương đối khởi sắc, so với mức lỗ 363 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, APS lãi sau thuế 46 tỷ đồng, so với khoản lỗ hơn 304 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Kết quả kinh doanh quý 2 của Chứng khoán Apec |
Khoản lãi của Chứng khoán Apec trong quý II từ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) cao gấp 14 lần so với cùng kỳ (lên 233 tỷ đồng), chủ yếu đến từ việc đánh giá lại danh mục tự doanh.
Trong khi, lỗ từ tài sản FVTPL giảm mạnh từ mức 492 tỷ đồng cùng kỳ năm trước xuống 209 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí quản lý cũng giảm. Chứng khoán APEC đã bán gần hết lượng cổ phiếu HPG, CEO và BCG nắm giữ trong danh mục tự doanh. Chứng khoán Apec đang nằm trong danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ của Sàn Chứng khoán Hà Nội (HNX), do lợi nhuận sau thuế năm 2022 tại báo cáo tài chính kiểm toán là số âm.
Liên quan tới vụ thao túng chứng khoán xảy ra ở nhóm Louis, nhiều lãnh đạo, nhân viên của CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB) vướng lao lý. Doanh thu đi xuống, nhưng quý 2/2023, TVB báo lãi gấp 4,5 lần cùng kỳ, lên 6,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, luỹ kế 6 tháng đầu năm, lãi sau thuế của công ty giảm 81%, đạt 7,6 tỷ đồng,
Doanh thu giảm nhưng lợi nhuận TVB tăng mạnh. |
Theo giải trình của TVB, doanh thu giảm là do giảm từ hoạt động dịch cho vay margin và môi giới. Trong khi đó, chi phí giảm là do công ty đã giảm quy mô hoạt động, tinh gọn đội ngũ nhân sự và quản trị tốt chi phí. Mức giảm của doanh thu thấp hơn so với mức giảm của chi phí dẫn tới lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ.
Ông Phạm Thanh Tùng - Chủ tịch TVB và ông Đỗ Đức Nam - Tổng Giám đốc TVB - đã bị khởi tố về tội thao túng thị trường chứng khoán, xảy ra tại CTCP Louis Holdings, CTCP Louis Capital (TGG), CTCP Louis Land (BII), CTCP Chứng khoán Trí Việt.
Kiểm soát đặc biệt, rời sàn
Sau vụ Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết thao túng chứng khoán bị khởi tố, hệ sinh thái FLC đã có 6/7 cổ phiếu rời sàn: FLC, AMD, HAI, GAB, ROS và ART. Lý do huỷ niêm yết chủ yếu là vi phạm công bố thông tin, không công bố báo cáo tài chính.
Gần nhất, doanh nghiệp duy nhất trong "họ" FLC công bố báo cáo tài chính, là CTCP Đầu tư Khai khoáng & Quản lý Tài sản FLC (GAB), báo lãi trong quý 2, hơn 183 triệu đồng, giảm 81,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu giảm 94%, và lợi nhuận GAB "bốc hơi" tới 82% trong quý 2 |
Trong văn bản giải trình chênh lệch lợi nhuận, FLC GAB cho biết, do công ty tạm dừng sản xuất để tiến hành sửa chữa nhà máy từ ngày 20/7 đến ngày 30/7, cùng với giá cả đầu vào của hàng hoá và nguyên vật liệu tăng cao dẫn đến lợi nhuận sau thuế quý 2/2023 giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, do ảnh hưởng khách quan của sự việc nguyên Chủ tịch FLC ông Trịnh Văn Quyết dẫn đến các đối tác, tổ chức tín dụng dừng hoặc hạn chế giao dịch với công ty do lo ngại là bên liên quan. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của FLC GAB doanh thu thuần đạt 10,6 tỷ đồng, giảm 93,6% so với cùng kỳ và ghi nhận khoản lỗ 2,2 tỷ đồng.
Tình hình kinh doanh của CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) bắt đầu lao dốc sau chuỗi sự kiện liên quan tới Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. TVSI là một trong những đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu của Tập đoàn Đầu tư An Đông, doanh nghiệp liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. TVSI sau đó đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt gần 750 triệu đồng do vi phạm liên quan đến hoạt động tư vấn, phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhưng chưa thực hiện hết trách nhiệm của tổ chức tư vấn.
Lợi nhuận sau thuế của TVSI giảm tới 90% so với cùng kỳ 2022 |
Đang nằm trong diện kiểm soát đặc biệt, quý II, TVSI ghi nhận doanh thu hoạt động giảm tới 93% so với cùng kỳ xuống còn 55 tỷ đồng. Hầu hết các hoạt động kinh doanh của công ty đều lao dốc trong quý 2 vừa qua. Lãi từ tài sản FVTPL và lãi từ cho vay đồng loạt giảm trên 90%, tương tự doanh thu môi giới giảm 88% xuống 16 tỷ đồng.
Cùng chiều, chi phí hoạt động giảm mạnh 94% xuống 33 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm 92% xuống 7 tỷ trong khi chi phí quản lý giảm 82% xuống 13 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý 2 đạt vỏn vẹn 11 tỷ đồng, sụt giảm tới 90% so với con số thực hiện trong cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trong nửa đầu năm 2023 của Chứng khoán Tân Việt ghi nhận vỏn vẹn 24 tỷ đồng, giảm sâu 91% so với cùng kỳ.
Hiện, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đặt Chứng khoán Tân Việt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, với lý do báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính ngày 31/12/22 do công ty lập không được kiểm toán. Thời hạn kiểm soát đặc biệt từ ngày 18/5 đến ngày 17/9. Trong khi đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) cũng đã quyết định đình chỉ hoạt động mua chứng khoán trên thị trường chứng khoán niêm yết và thị trường đăng ký giao dịch đối với Chứng khoán Tân Việt tại HoSE, HNX.