Tỉnh nghèo miền núi vươn lên trở thành "hiện tượng", xuất hiện nhiều "tỷ phú nông dân"
Báo cáo tham luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 diễn ra vào cuối năm 2023, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La Nguyễn Huy Anh cho biết, kết quả hoạt động của các cấp Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã góp phần cùng cả hệ thống chính trị tỉnh Sơn La, đưa Sơn La từ một tỉnh nghèo, đã vươn lên trở thành "Hiện tượng nông nghiệp của cả nước".
Sơn La đứng thứ 4 cả nước về tỷ lệ hộ nghèo vào năm 2022 với 23,9% (thấp hơn Lai Châu, Hà Giang và Điện Biên). Thu nhập bình quân đầu người một tháng của Sơn La là 2,141 triệu đồng, đứng thứ 61/63 tỉnh thành.
Những năm gần đây, không khó để bắt gặp những bài học thành công của các "tỷ phú nông dân" ở Sơn La.
Ông Hàng A Sở, Chi hội trưởng Hội nông dân tiểu khu Pa Khen 1, thị trấn Nông trường Mộc Châu, là một trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022. Gia đình ông Sở hiện có 3 ha mận hậu, bình quân mỗi năm cho 50 tấn quả, thu khoảng 1 tỷ đồng. Cùng với cây mận hậu, gia đình ông trồng thêm 1 ha cây cam đường canh, mỗi năm thu được hơn 20 tấn quả bán được hơn 500 triệu đồng.
Hay trại bò của gia đình ông Nguyễn Văn Ngữ có hơn 2 ha cỏ, chuồng được xây dựng kiên cố, với đầy đủ thiết bị phục vụ chăn nuôi, như máy vắt sữa, máy cày, máy cắt cỏ... Năm 2022, gia đình ông thu 385 tấn sữa tươi bán cho Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, thu hơn 4,8 tỷ đồng.
Gia đình chị Vũ Thị Nhung có 7 ha trồng rau theo mùa: bắp cải, cải thảo, củ cải, su su, bí, ngô ngọt... mỗi năm bán hơn 200 tấn rau, quả, thu xấp xỉ 1 tỷ đồng.
Sơn La hiện đứng thứ 2 cả nước về diện tích trồng cây ăn quả; với 145 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; cấp 294 mã số vùng trồng với diện tích 3.141 ha phục vụ xuất khẩu; xây dựng 254 chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn; 110 sản phẩm OCOP; có 26 sản phẩm nông sản, thủy sản của Sơn La được cấp Văn bằng bảo hộ thương hiệu; có 744 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; 17 sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường 21 nước, như: Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Để đạt được các kết quả trên, Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể, sát với thực tình hình thực tế. Hội vừa đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động hội viên nông dân, vừa trực tiếp và phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp xây dựng các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân đạt hiệu quả cao.
Cùng với đó, các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư, cây giống, con giống, kiến thức, công nghệ sản xuất, chế biến và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cũng đã được tổ chức, trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh.
Hội cũng tập trung chỉ đạo xây dựng chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp theo nguyên tắc "5 tự" và "5 cùng" gắn với xây dựng THT, HTX sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị. Khuyến khích nông dân SXKD giỏi tham gia hướng dẫn, hỗ trợ phát triên SXKD, làm nòng cốt trong xây dựng các chi, tổ Hội nông dân nghề nghiệp, phát triển THT, HTX.
Cuối cùng, Hội chủ động phối hợp tham mưu thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp giữa Tỉnh ủy Sơn La và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giai đoạn 2022 - 2025 và các chương trình phối hợp với các đơn vị liên quan, trong đó tập trung vào việc tuyên truyền, vận động, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh cho hội viên nông dân.
Xem thêm tại cafef.vn