Tính tới ngày 11/9, ước tổn thất của các doanh nghiệp bảo hiểm do Bão Yagi khoảng 3.000 tỷ đồng

Ngày sau khi Bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc gây thiệt hại nặng nề, ngày 9/9, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có Công văn số 1202/QLBH-PNT gửi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị báo cáo tình hình thiệt hại và bồi thường bảo hiểm do Bão số 3 gây ra.

Theo đó, chậm nhất là ngày 12/9/2024, công ty bảo hiểm phải báo cáo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm báo cáo tình hình thiệt hại và giải quyết quyền lợi bảo hiểm liên quan đến cơn Bão số 3.

Ngày sau đó, các công ty bảo hiểm cũng đã cập nhật liên tục về tổn thất ước tính, cũng như công tác hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do cơn Bão số 3 gây ra.

Theo tổng hợp của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán dựa trên các số liệu đã được các công ty bảo hiểm công bố sơ bộ, chưa đầy đủ, tính đến 11/9, ước tổn thất (chưa xác định trách nhiệm có phải chi trả bồi thường không) của các công ty bảo hiểm trên toàn thị trường không dưới 3.000 tỷ đồng.

Trong đó, riêng với Bảo hiểm PVI, tính đến chiều ngày 11/9/2024, hãng này đã ghi nhận hơn 500 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, ước tổng mức khiếu nại tổn thất hơn 2.000 tỷ đồng (không bao gồm tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người). Con số này cao gấp khoảng 7 lần so với ước tính trước đó.

Hãng bảo hiểm này cho biết, đây có thể là tổn thất lịch sử không mong muốn của ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung và Bảo hiểm PVI nói riêng, tuy nhiên nhờ là doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đầu thị trường, với tiềm lực tài chính vững vàng, dự phòng bồi thường đầy đủ và kinh nghiệm xử lý tổn thất chuyên nghiệp, Bảo hiểm PVI sẽ đảm bảo quyền lợi tối đa cho khách hàng với thời gian.

Bình luận về con số tổn thất trên, một chuyên gia bảo hiểm, người từng lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, các mức độ tổn thất kể trên không phải là con số quá nghiêm trọng đối với ngành bảo hiểm. Bởi lẽ, tỷ lệ giữ lại của thị trường bảo hiểm Việt Nam còn rất thấp, một tỷ lệ lớn của số tiền tổn thất trên cũng sẽ được chia sẻ bởi thị trường tái bảo hiểm quốc tế.

Còn với mức tổn thất hơn 2.000 tỷ đồng ước tính như tại Bảo hiểm PVI, vị này cho rằng, đây mới chỉ là thông tin do các bên bị thiệt hại báo cáo. Giờ còn xem có thuộc trách nhiệm, có được bảo hiểm bởi PVI hay không. Bởi lẽ, con số báo cáo thường cao hơn con số thực tế thuộc trách nhiệm bảo hiểm. Ngoài ra, đây cũng chỉ mới là tổn thất gốc (chưa phân bổ cho các nhà tái bảo hiểm), còn tổn thất thuộc trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp này có thể là 70% của con số trên. Doanh nghiệp bảo hiểm có thể giữ lại nhiều nhất là 5 -10%, phần còn lại (phần nhiều) mới là tổn thất của nhà tái bảo hiểm.

Còn với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, theo số liệu cập nhật đến chiều muộn ngày 10/9 từ các doanh nghiệp khối này, ước tính số tiền chi trả bồi thường thiệt hại và hỗ trợ ban đầu do Bão số 3, lũ lụt ở miền Bắc gây ra là khoảng hơn 9,72 tỷ đồng.

Ngày 10/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện số 92/CĐ-TTg về việc tập trung khắc phục hậu quả Bão số 3 và mưa lũ sau bão. Trong lĩnh vực bảo hiểm, Công điện yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm khẩn trương thực hiện bồi thường tổn thất cho bên mua bảo hiểm bảo đảm nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời theo đúng thỏa thuận hợp đồng và quy định pháp luật.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn