Tổng công ty có cổ phiếu tăng trần 6 phiên liên tiếp: Trúng thầu nhiều công trình 'biểu tượng' tại Việt Nam, doanh thu nghìn tỷ nhưng lãi mỏng, SCIC chuẩn bị thoái sạch vốn
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/12, cổ phiếu TTL của tổng công ty Thăng Long tăng kịch trần 10% đạt mức giá 13.600 đồng/cp. Đây đã là phiên tăng trần thứ 6 liên tiếp của cổ phiếu này, tương ứng mức tăng hơn 74% trong cùng quãng thời gian.
Theo giải trình từ phía công ty, việc cổ phiếu TTL là diễn biến khách quan theo cung cầu thị trường. Các quyết định giao dịch cổ phiếu TTL của nhà đầu tư không nằm trong phạm vi kiểm soát của tổng công ty. Mọi hoạt động của doanh nghiệp vẫn diễn ra bình thường, không có gì biến động. Tổng công ty Thăng Long cũng không có có bất kỳ tác động nào gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Cổ phiếu TTL tăng trần ngay sau khi có tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa thông báo về việc tổ chức phiên đấu giá bán cổ phần Tổng Công ty Thăng Long vào ngày 5/12. Cụ thể, khối lượng đấu giá là 10,5 triệu cổ phần, tương đương hơn 25% vốn điều lệ của TTL. Giá khởi điểm của cả lô hơn 222,6 tỷ đồng, tương đương hơn 21.200 đồng/cổ phần. Mức giá này cao gấp 2 lần thị giá cổ phiếu TTL đóng cửa phiên 12/12.
Theo quy định đấu giá được công bố, phương thức bán đấu giá công khai cả lô cổ phần. Bước giá là 1 triệu đồng/lô cổ phần. Tỷ lệ đặt cọc của nhà đầu tư tham gia dự đấu giá công khai cả lô là 10% giá trị lô cổ phần theo giá khởi điểm, tức hơn 22,2 tỷ đồng.
Thời gian, địa điểm đăng ký và nộp tiền đặt cọc: Từ ngày 0/12/2024 đến chậm nhất 15 giờ 30 phút ngày 19/12/2024 tại các Đại lý đấu giá do HNX công bố. Thời gian, địa điểm nộp Phiếu tham dự đấu giá: Chậm nhất 16 giờ 00 phút ngày 24/12/2024 tại các Đại lý đấu giá nơi nhà đầu tư làm thủ tục đăng ký và nộp tiền đặt cọc. Phiên đấu giá được tổ chức ngày 26/12/2024 tại trụ sở HNX.
Tổng công ty Thăng Long - doanh nghiệp trúng nhiều gói thầu nghìn tỷ
Tổng công ty Thăng Long tiền thân là Xí nghiệp Liên hợp Cầu Thăng Long được thành lập theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải gồm nhiều xí nghiệp thành viên hạch toán tập trung. Công trình đầu tiên là xây dựng cầu Thăng Long (1973-1985) - cây cầu lớn nhất thời bấy giờ với quy mô 2 tầng: tầng dưới là đường sắt và đường bộ, tầng trên là đường ô tô rộng 23m với tổng chiều dài toàn cầu trên 10km.
Tháng 5/2014, Tổng công ty Thăng Long chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình Tổng công ty cổ phần. Hiện nay, trụ sở chính của công ty tại số 72, đường Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Việt Hà, chức vụ Tổng giám đốc.
Trong quá trình hình thành và phát triển, Tổng công ty đã xây dựng hàng trăm cây cầu lớn, hàng nghìn công trình dân dụng, công trình giao thông, bến cảng, sân bay.... như: cầu Kiền, cầu Sông Gianh, cầu Phù Đổng, cầu Vĩnh Tuy, cầu Hoàng Long, cầu đường sắt, cầu Pá Uôn, đường cao tốc Sài gòn-Trung Lương, đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên– Quốc lộ 3, các nút giao cầu vượt thép tại TP Hà Nội và TP. HCM, dự án BOT Cầu Yên Lệnh, dự án BOT Đường 188,…
Kể từ ngày phê duyệt trên mạng đấu thầu quốc gia (ngày 25/8/2014) đến nay, Tổng công ty Thăng Long-CTCP (TCT Thăng Long) đã tham gia đấu và trúng tới 42 gói thầu, tổng giá trị trúng thầu hơn 21.085 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị trúng thầu với vai trò độc lập hơn 1.264 tỷ đồng và tổng giá trị trúng thầu với vai trò liên danh hơn 19.821 tỷ đồng.
Tháng 7/2024, Tổng công ty Thăng Long cùng liên doanh 6 nhà thầu đã trúng Gói thầu số 6.12 “Thi công xây dựng và lập thiết kế bản vẽ thi công công trình hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và số 2” tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Gối thầu có tổng giá trị 2.630 tỷ đồng, trong đó phần của tổng công ty Thăng Long đảm nhận hơn 317 tỷ đồng.
Vốn điều lệ của Tổng công ty Thăng Long là 418,5 tỷ đồng. Ngoài SCIC, doanh nghiệp này còn có 2 cổ đông lớn khác, trong đó có CTCP Đầu tư và Xây dựng TNG đang nắm 50,1% cổ phần TTL kể từ tháng 7/2022.
Về tình hình kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng công ty Thăng Long đạt hơn 1.364 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Lãi gộp thu về được hơn 100 tỷ đồng, giảm 13% do giá vốn tăng mạnh hơn doanh thu.
Trong kỳ, chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao là nguyên nhân chính khiến lãi ròng giảm hơn 75% so với cùng kỳ năm trước, còn gần 4 tỷ đồng.
Tổng cộng tài sản của tổng công ty Thăng Long tại ngày 30/9/2024 là hơn 2.489 tỷ đồng, giảm 11,6% so với hồi đầu năm. Doanh nghiệp này còn khoảng 190 tỷ đồng tiền mặt. Chiếm gần một nửa tài sản của công ty là các khoản phải thu ngăn hạn, ở mức 1.117 tỷ đồng. Hàng tồn kho của công ty ghi nhận hơn 728 tỷ đồng, tập trung chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.
Tổng nợ vay của công ty là hơn 786 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty là hơn 637 tỷ đồng. Hiện hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của tổng công ty Thăng Long là gấp gần 3 lần.
Xem thêm tại cafef.vn