TPBank báo lãi hơn 3.700 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa công bố BCTC quý II/2024 với lợi nhuận riêng lẻ trước thuế ước đạt 3.733 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, các mảng kinh doanh đều tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ giúp tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) tiếp tục duy trì ở mức tương đối cao 17,5%.
Tăng trưởng tín dụng phục hồi khả quan
Với các dấu hiệu phục hồi từ nền kinh tế chung, tín dụng của ngân hàng quý II dần lấy lại đà tăng trưởng. Cụ thể, dư nợ thị trường 1 và trái phiếu doanh nghiệp của TPBank đạt hơn 226.600 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Với thế mạnh tín dụng ở mảng khách hàng cá nhân, ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cấp tín dụng đối với các ngành nghề, lĩnh vực thuộc lĩnh vực ưu tiên của chính phủ và NHNN; các dự án, lĩnh vực thuộc vốn đầu tư công; các khách hàng sản xuất các mặt hàng thiết yếu, tiêu dùng nhanh.
Theo báo cáo mới nhất của Chứng khoán MBS, với lịch sử tăng trưởng tín dụng ấn tượng trong nhiều năm, kỳ vọng tín dụng của TPBank sẽ đạt 16% cho cả năm 2024 và 18% trong năm 2025.
Tỷ lệ CASA tiếp tục cải thiện, NIM vẫn duy trì dù lãi suất cho vay giảm
Tính đến hết ngày 30/6/2024, tổng huy động của TPBank tăng gần 5% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 317.700 tỷ đồng. Tỷ lệ nguồn vốn CASA (tiền gửi không kỳ hạn) của TPBank tiếp tục được củng cố khi đạt trên 22%.
Theo Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), tỷ lệ CASA của TPBank cao thứ 5 toàn ngành nhờ chiến lược tiên phong trong chuyển đổi số giúp thu hút tệp khách hàng trẻ. Cũng nhờ tận dụng tốt lợi thế từ CASA này, chi phí vốn của TPBank duy trì ở mức thấp.
Kết thúc quý II, tổng thu nhập hoạt động riêng lẻ đạt hơn 8.900 tỷ đồng, tăng gần 18% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần vẫn đóng góp lớn nhất khi chiếm gần 75%, đạt hơn 6.660 tỷ đồng.
Tỷ lệ lãi biên (NIM) vẫn được duy trì dù lãi suất cho vay bình quân giảm thấp, do ngân hàng đã giảm được chi phì vốn nhờ cơ cấu huy động hợp lý và tỷ lệ CASA tăng lên. KBSV từng dự báo NIM của TPBank sẽ giữ ở mức xấp xỉ 4% trong quý II, III và IV năm 2024.
Bên cạnh sự tăng trưởng của thu nhập lãi thuần, thu nhập từ dịch vụ cũng chứng kiến đà tăng khả quan khi đạt gần 1.700 tỷ đồng, nhờ sự đa dạng hóa dịch vụ, cũng như sự tăng trưởng về quy mô hoạt động.
Vận hành tiết kiệm nhờ số hóa, quản trị rủi ro vững mạnh
Việc tích cực số hóa để nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa chi phí vận hành đã giúp ngân hàng trở thành một trong những nhà băng đi đầu về vận hành tiết kiệm. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) quý II của TPBank tiếp tục giảm về khoảng 34%, tương đương giảm 12% so với cùng kỳ năm trước.
Sở hữu hệ thống quản trị rủi ro chặt chẽ và toàn diện dẫn đầu ngành, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel III của TPBank tiếp tục duy trì ở mức 12%, cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu của Basel III là 10,5%. TPBank tiếp tục chủ động kiểm soát rủi ro, bao phủ nợ xấu, đẩy mạnh trích lập dự phòng trong năm qua.
Xem thêm tại theleader.vn