TPBank lần đầu vào Top 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất toàn cầu
Brand Finance mới đây công bố “Top 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất trên toàn cầu năm 2024”. Sau một thập kỷ, tổng giá trị thương hiệu của 500 ngân hàng hàng đầu đã nhân đôi. Các ngân hàng Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ 4 vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng mới.
Việt Nam có 15 ngân hàng lọt vào danh sách này. Nghiên cứu của Brand Finance chỉ ra, các ngân hàng ở Việt Nam đang vươn tầm khu vực; nhiều trường hợp có vị trí vượt trên các nhà băng quốc tế về định vị thương hiệu trong tâm trí khách hàng địa phương.
Trong đó, với vị trí 326, TPBank ghi dấu ấn mạnh mẽ bởi sự tăng trưởng bền vững và sức hút riêng biệt của định chế tài chính số hàng đầu, liên tục đổi mới nâng cao chất lượng dịch vụ, quan tâm sâu sắc đến trải nghiệm của từng khách hàng. Với nền tảng tài chính bền vững, thành công trong chiến lược chuyển đổi số, giá trị thương hiệu của TPBank được định giá 425 triệu USD năm 2023. TPBank nằm trong Top 5 ngân hàng tư nhân có giá trị thương hiệu cao nhất Việt Nam và đứng top 7 nếu tính thêm các ngân hàng quốc doanh.
Đại diện của Brand Finance đánh giá, TPBank gặt hái những thành công đáng kể trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng và lợi nhuận, khẳng định vị thế định chế tài chính số nổi bật trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam. Chiến lược tập trung vào các sản phẩm cho vay bán lẻ trên nền tảng số ưu việt được minh chứng là một yếu tố then chốt, góp phần tạo nên thành công, đặc biệt là ở thị trường mà hoạt động cho vay bán lẻ có mức độ thâm nhập thấp. Bằng cách giải quyết nhu cầu cho vay bán lẻ và triển khai các thủ tục cho vay hợp lý thuận tiện nhanh chóng với quy trình số, ngân hàng này đã thu hút và mở rộng đối tượng khách hàng hiệu quả, đặc biệt là nhóm dân số trẻ. Bên cạnh đó, việc chú trọng vào các giải pháp tài chính sáng tạo và quan hệ đối tác cũng là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của TPBank. Ngân hàng tích cực phát triển và tích hợp các dịch vụ tài chính vào các nền tảng đối tác thông qua các khái niệm như “Open Banking” (ngân hàng mở) và “Banking as a Service” (BaaS).
Đậu Linh
Xem thêm tại vietnamnet.vn